Theo điều chỉnh của đơn vị kiểm toán với doanh thu, giá vốn, đồng thời bổ sung phần lỗ tại BVEC – công ty liên doanh liên kết, lợi nhuận ròng của IDICO “bốc hơi” hơn 540 tỷ đồng.
>>>Thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ trầm lắng?
Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, Tổng công ty IDICO (HoSE: IDC) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 7.485 tỷ đồng, giảm 9% so với báo cáo tài chính tự lập trước đó, tương ứng giảm 757 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty ghi nhận lỗ từ công ty liên doanh, liên kết hơn 123 tỷ đồng sau kiểm toán, trong khi khoảng này có lãi gần 16 tỷ đồng tại báo cáo tự lập. Từ các yếu tố trên, lợi nhuận ròng IDICO “bốc hơi” hơn 540 tỷ đồng sau kiểm toán, về còn 1.768 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do đơn vị kiểm toán điều chỉnh doanh thu, giá vốn các hợp đồng ghi nhận doanh thu một lần (theo quy định tại Mục 1.6.12, Điều 79, Thông tư 200). Đồng thời, đơn vị kiểm toán cũng xác định bổ sung phần lỗ trong công ty liên kết khoản đầu tư vào Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu (BVEC).
Theo IDICO, năm 2022, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, nhà máy Thuỷ điện Đak Mi 3 phải tập trung khắc phục sự cổ, đầu tư bổ sung công trình phòng chống lũ và hoạt động sản xuất điện mới chỉ bắt đầu lại từ ngày 22/10/2022 dẫn đến doanh thu và lợi nhuận kinh doanh điện bị sụt giam.
Song song đó, IDICO phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư tài chính tại BVEC do dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 của BVEC phải dừng thu phí theo chỉ đạo của Cục đường bộ Việt Nam BVEC chưa hoàn được vốn cho Nhà đẩu tư và các khoản nợ phải trả Ngân hàng, các khoản lỗ đã vượt vốn chủ sở hữu của BVEC.
Tính đến cuối năm 2022, IDICO còn 4.614 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn. Trong đó, KCN Phú Mỹ 2 có giá trị doanh thu chưa thực hiện nhiều nhất với 1.345 tỷ đồng, kế đến là KCN Quế Võ 2, với 1.150 tỷ đồng và KCN Phú Mỹ 2 mở rộng, với 876 tỷ đồng.
Tổng tài sản của doanh nghiệp vào khoảng 16.733 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi cùng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức 2.130 tỷ đồng và hàng tồn kho 797 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và tăng 45% so với đầu năm.
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm gần 55% so với đầu năm, còn gần 2.089 tỷ đồng nhờ ghi nhận tại các KCN như KCN Hựu Thạnh, KCN Phú Mỹ 2 mở rộng giảm mạnh.
Cuối năm 2022, doanh nghiệp có 10.225 tỷ đồng nợ phải trả, giảm gần 823 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ vay tài chính ở mức 3.468 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ghi nhận 6.507 tỷ đồng, gồm 1.781 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
>>>Nợ trái phiếu và triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp
Trong năm 2023, IDICO đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt hơn 8.276 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.525 tỷ đồng. So với năm 2022, mục tiêu kế hoạch doanh thu tăng 10,6% và lợi nhuận giảm 4%.
Theo chứng khoán Everest (EVS), các dự án KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng, KCN Hựu Thạnh sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính trong 2023. Theo đó, diện tích cho thuê KCN trong năm 2023 có thể đạt 90ha (năm 2022 là 132 ha) do nhu cầu giải ngân vốn FDI bị chững lại, cùng với việc chỉ số toàn cầu chưa có được sự phục hồi mạnh. Nửa đầu 2023, doanh thu từ mảng này sẽ chủ yếu phụ thuộc vào 34 ha đã có biên bản ghi nhớ trong năm trước.
Bên cạnh đó, sự gia tăng tỷ lệ lấp đầy của các KCN cũ sẽ là động lực tăng trưởng và thúc đẩy doanh số bán điện của IDICO. Trạm biến áp mới sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023 thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chứng khoán EVS cho rằng, IDICO vẫn duy trì cơ cấu vốn an toàn hơn với tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản chỉ đạt mức 21%, nhờ dòng tiền ổn định từ các mảng hoạt động kinh doanh bổ trợ sẽ giúp IDICO duy trì được nguồn vốn và triển khai các công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án mới.
Tuy nhiên, trong báo cáo ngành bất động sản Khu công nghiệp (BĐS KCN) mới đây, chứng khoán VNDirect cho rằng, các yếu tố tích cực hỗ trợ với ngành bất động sản (BĐS) KCN đang mờ nhạt, tới từ các thách thức dần xuất hiện.
Đầu tiên, VNDirect cho rằng thị trường BĐS KCN sẽ chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung mới trong năm 2023 khi thủ tục phê duyệt bị trì hoãn tới từ những vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Theo VNDirect, thị trường miền Nam sẽ trải qua giai đoạn khó khăn để triển khai dự án mới trong năm 2023. Sau đó, nguồn cung mới cho giai đoạn 2024-2027 cũng khá hạn chế (khoảng 1.134ha, cao hơn 76% so với báo cáo trước).
Đối với thị trường miền Bắc, VNDirect cho rằng, tình trạng thiếu nguồn cung mới tại thị trường miền Bắc sẽ kéo dài ít nhất cho tới hết năm 2023, sau đó khoảng 3.757ha đất KCN được kỳ vọng sẽ đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2024-2026, với nguồn cung lớn nhất đến từ Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.
Thứ hai, VNDirect nhận thấy, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút vốn FDI đang dần suy yếu so với các quốc gia khác trong khu vực, tới từ: 1) gia tăng cạnh tranh đến từ Indonesia, Malaysia khi các đối thủ này có môi trường kinh doanh, phát triển thuận lợi cho ngành xe điện và ngành công nghiệp bán dẫn; 2) thuế tối thiểu toàn cầu sẽ sớm được áp dụng trong năm 2024 có thể khiến cho lợi thế về ưu đãi thuế biến mất.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ trầm lắng?
05:00, 26/02/2023
Nợ trái phiếu và triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp
11:15, 19/12/2022
Doanh nghiệp Cao su và Bất động sản khu công nghiệp nương tựa nhau ra sao?
05:00, 25/03/2022
Đầu tư công, trợ lực cho thị trường bất động sản khu công nghiệp
11:00, 28/02/2022
Bất động sản khu công nghiệp sẽ tăng mạnh trong năm 2022?
04:00, 18/02/2022