Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gần đây đã liên tục phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2020 cho nhiều "ông lớn" doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Năm 2019, doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.478 nghìn tỷ đồng, bằng 99% kế hoạch và tăng 6,4% so với năm 2018. Có 9/19 đơn vị hoàn thành hoặc vượt kế hoạch.
Tính đến nay, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 cho nhiều tổng công ty.
Theo đó, năm 2020, công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được giao kế hoạch doanh thu 6.916 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.839 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển 3.000 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu của SCIC đạt 6.760 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng đạt 4.067 tỷ đồng; lần lượt thực hiện 80% và 89% kế hoạch năm.
SCIC đã thoái thành công vốn tại 12 doanh nghiệp trong năm 2019, doanh thu từ thoái vốn đạt 314 tỷ đồng, trên giá vốn 82 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị tiếp nhận thêm 13 doanh nghiệp với tổng số vốn 7.160 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, danh mục quản lý của SCIC gồm 147 đơn vị với giá trị vốn nhà nước 29.366 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ 99.894 tỷ đồng.
Hai "ông lớn" ngành viễn thông là VNPT và Mobifone được giao kế hoạch không thay đổi quá đáng kể so với năm 2019.
Cụ thể, VNPT được giao chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 171.300 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hợp nhất Công ty mẹ - VNPT đạt 45.018 tỷ đồng (giảm nhẹ so với năm 2019).
Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ - VNPT mục tiêu đạt 5.040 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 5,2% so với năm 2019. Tổng vốn đầu tư dự kiến ở mức 11.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Mobifone được giao chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất 34.483 tỷ đồng; doanh thu Công ty mẹ ở mức 33.283 tỷ đồng (đều giảm so với năm 2019). Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ lại dự kiến cao hơn năm 2019, ở mức 6.365 tỷ đồng. Lãi ròng năm 2020 được đặt mục tiêu đạt mức 5.092 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2019. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư dự kiến không quá 8.800 tỷ đồng.
Trường hợp của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn khá "bi đát".
Năm 2020, kế hoạch tổng doanh thu của VEC là 4.251 tỷ đồng, tuy nhiên kế hoạch tổng chi phí lên đến 4.248,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ vỏn vẹn ở mức 2,2 tỷ đồng.
Trước đó năm 2019, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của VEC ước đạt lần lượt 4.196,5 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng. Năm 2018, tình hình cũng tương tự.
VEC vốn được mệnh danh là "trùm cao tốc" với tổng tài sản lên đến hơn 90.000 tỷ đồng.
Nhiều năm nay, VEC vẫn "than" gặp khó về cơ chế như việc không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước; không được sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Việc này đã tác động trực tiếp đến hoạt động của VEC, đặc biệt là các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án đường cao tốc của VEC theo Quyết định 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng khá khó khăn là trường hợp của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Năm 2020, tổng doanh thu mục tiêu của Vinalines ở mức 1.555 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế mục tiêu chỉ ở mức 51 tỷ đồng.
Năm 2020, Vinalines dự kiến tiến hành thoái vốn tại 13 doanh nghiệp thành viên trực thuộc.
Theo đó, các doanh nghiệp thành viên của Vinalines sẽ giảm tỷ lệ sở hữu, gồm Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, HoSE:VOS) giảm từ 51% xuống 49% ; Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship (UPCoM:VNA) giảm từ 51% xuống 36%; Công ty Cổ phần Cảng Cái Lân giảm từ 56,58% xuống 51%; Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao giảm từ 56% xuống 51%.
Cùng với đó, Vinalines cũng sẽ thoái vốn toàn bộ tại 7 doanh nghiệp, gồm Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM:VST), Công ty Cổ phần Vận tải biển Hải Âu (UPCoM:SSG) (26,46%), Công ty Cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài (UPCoM:ILC), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại hàng hải; Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô (UPCoM:DDM), Công ty Cổ phần Vận tải biển và thương mại Phương Đông (UPCoM:NOS) và Công ty Cổ phần Vinalines Nha Trang.
Ngoài ra, Vinalines cũng dự kiến thoái 300.000 cổ phần tại Công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa và hơn 47.800 cổ phần tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec).
Có thể bạn quan tâm
13:02, 29/03/2020
00:12, 28/03/2020
11:00, 05/03/2020
11:06, 01/03/2020
10:37, 29/02/2020
16:00, 15/10/2019
Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, HNX: VIF) đề ra mục tiêu doanh thu 2020 đi ngang đạt mức 1.399 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 42% còn 420 tỷ đồng.
Vinafor cho biết lợi nhuận giảm do dự kiến giảm lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính từ Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam. Cổ tức được chia năm 2018 là 589 tỷ đồng trong khi phần được chia 2019 chỉ khoảng 262 tỷ đồng.
Đồng thời, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất lâm nghiệp có thể chưa cao trong năm nay và một vài năm tới do nhiều diện tích rừng chưa đến thời điểm khai thác. Dự kiến, tổng công ty sẽ khai thác gỗ rừng trên diện tích 2.889ha, tăng 8% năm trước. Diện tích trồng mới, chăm sóc và bảo vệ rừng tái sinh là 2.965ha, tăng 1%.
Dù vậy, kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất của Vinafor lại tăng 18% về doanh thu đạt 2.659 tỷ đồng và 17% lợi nhuận sau thuế đạt 596 tỷ đồng.
Vào đầu năm 2020, Ủy ban cũng đã chốt kế hoạch kinh doanh cho Vietnam Airlines (HoSE: HVN) gồm doanh thu 110.560 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 83.842 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.358 tỷ đồng, riêng công ty mẹ đạt 1.512 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại cuộc họp phòng chống dịch hôm qua, Vietnam Airlines cho biết dự kiến giảm 2,5 triệu khách năm nay, doanh thu hụt 12.000 tỷ đồng, giảm lợi nhuận 5.900 tỷ đồng và lỗ 4.300 tỷ.
Hiện nay, ngoài giảm toàn bộ khách từ thị trường Trung Quốc, Vietnam Airlines còn giảm khách trên các đường bay quốc tế khác và các đường bay nội địa. Trước đây Vietnam Airlines đổi tàu bay thân hẹp lên thân rộng, song giai đoạn dịch bệnh nên quay lại vận chuyển bằng máy bay thân hẹp, bởi nhiều chuyến bay chỉ có 50-60 khách.
Một số "ông lớn" DNNN khác cũng đã được "siêu ủy ban" phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2020. Chẳng hạn như Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) với tổng doanh thu kế hoạch đạt 114.376 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.600 tỷ đồng.
Riêng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), mặc dù đầu năm "siêu ủy ban" đã thông qua đề xuất của người đại diện tại ACV với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 10.811 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.649 tỷ đồng trong năm 2020 nhưng trong một kiến nghị mới đây gửi tổ công tác của Chính phủ, ACV cho biết do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lợi nhuận năm nay của doanh nghiệp này có thể chỉ đạt khoảng 1.700 tỷ đồng.