Nếu các NHTM Nhà nước không tăng được vốn, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu vốn đầu tư trong phát triển kinh tế-xã hội.
Lại nóng chuyện tăng vốn
Một lần nữa, câu chuyện tăng vốn cho các ông lớn ngân hàng quốc doanh lại được xới lên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều ngày 2/12 vừa qua khi mà Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay theo đánh giá của NHNN, các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước trên 50% như Agribank đang có tỷ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định Thông tư 41/2016/TT-NHNN. “Nếu các ngân hàng này không được tăng vốn, sẽ rất ảnh hưởng đến nhu cầu về vốn đầu tư trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tại Việt Nam việc phát triển của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc cấp tín dụng của ngân hàng”, bà Hồng nhấn mạnh.
Trước đó, trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội ngay trước thềm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, NHNN cũng đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (không bao gồm 03 ngân hàng mua bắt buộc).
Thế nhưng, kiến nghị này của NHNN chưa được đưa vào Nghị quyết Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020 tại kỳ họp vừa qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc tăng vốn điều lệ cho các NHTM có vốn Nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình. Do vậy, chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.
Điều đó có nghĩa, việc tăng vốn cho nhóm nhà băng Big Four từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục đợi. Trong khi chờ đợi quyết định từ các cơ quan quản lý, bản thân các ông lớn này cũng rất tích cực tìm kiếm các nguồn khác để tăng vốn. Trong đó, bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài đang là lựa chọn hàng đầu.
Đơn cử BIDV vừa hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho KEB Hana Bank với giá 20.300 tỷ đồng đề nâng vốn điều lệ từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối năm 2018 Vietcombank cũng đã bán 3% cổ phần cho 2 nhà đầu tư nước ngoài là GIC và Mizuho, thu về hơn 6.100 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên hơn 37.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, câu chuyện tăng vốn với VietinBank và Agribank lại không hề đơn giản như vậy. Với Agribank, dù vốn điều lệ của nhà băng này hiện chỉ đạt 30.518 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm Big Four, nhưng do vẫn là NHTM 100% vốn Nhà nước nên việc tăng vốn có lẽ sẽ gắn liền với tiến trình cổ phần hóa ngân hàng này.
Còn với VietinBank, hiện nhà băng này đã cạn room sở hữu nước ngoài (30%), trong khi tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông Nhà nước cũng đang ở mức tối thiểu theo quy định là 65%, nên cũng khó bán vốn cho các nhà đầu tư trong nước. Điều đó cũng có nghĩa VietinBank không thể tăng được vốn nếu cổ đông Nhà nước không chi thêm tiền. Đó chính là lý do vốn điều lệ của ngân hàng này vẫn “dậm chân” ở mức 37.234 tỷ đồng suốt từ năm 2014 đến nay.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 20/03/2019
05:01, 12/06/2019
05:01, 26/03/2019
… và những hệ lụy
Không tăng được vốn điều lệ, giải pháp mà Agribank và VietinBank lựa chọn là phát hành trái phiếu đề nâng vốn cấp hai nhằm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vốn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi theo các chuyên gia, tăng vốn cấp 2 từ nguồn vốn trái phiếu là không bền vững và cũng có nhiều rủi ro. Hơn nữa, nguồn vốn này cũng bị trừ dần theo thời gian.
Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 ông lớn NHTM Nhà nước chỉ đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018, trong khi tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018. Do tổng tài sản tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng vốn khiến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng quốc doanh giảm xuống sát ngưỡng tối thiểu.
Và đúng như những gì mà NHNN đã cảnh báo, việc không tăng được vốn đã hạn chế đáng kể khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh. Điển hình trong số này phải kể đến VietinBank. Còn nhớ tại đại hội cổ đông của ngân hàng này diễn ra hồi cuối tháng 4, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank đã khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng cho phép nhà băng này được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 và 2018 để tăng vốn.
Thế nhưng ngay cả với kịch bản này, thì Vietinbank cũng không dám tăng trưởng tín dụng khoảng 6-7% trong năm 2019 do hệ số CAR đã ở sát chỉ giới đỏ. Trên thực tế, sau 9 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank chỉ tăng 3,95% so với cuối năm 2018- mức tăng thấp nhất trong hệ thống.
Tăng trưởng tín dụng của BIDV cũng chẳng khá khẩm hơn khi chỉ đạt 8,57% trong 9 tháng đầu năm và nhà băng này cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 11%.
Do chiếm giữ một thị phần rất lớn trong hoạt động tín dụng nên việc tín dụng của các ngân hàng quốc doanh tăng thấp cũng kéo giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống. Bởi theo như ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam, có những ngân hàng nhỏ tăng dư nợ đến 30-40% cũng chỉ thêm 1.000-2.000 tỷ đồng, tỷ trọng ảnh hưởng vào hệ thống chung không lớn. Trong khi đó, với các ngân hàng lớn như Agribank… chỉ cần tăng 10% là dư nợ toàn hệ thống đã tăng 100.000 tỷ đồng.
Rõ ràng việc tín dụng của các ông lơn tăng trưởng ì ạch là nguyên nhân khiến tín dụng của toàn hệ thống mới tăng 9,4% trong 9 tháng đầu năm, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và cũng thấp hơn mức tăng trưởng 9,52% của cùng kỳ năm 2018 – là năm mà tín dụng chỉ tăng có 13,89%. Vì lý do đó, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại tín dụng năm nay sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 14% như đã đề ra.
Lẽ đương nhiên, tín dụng tăng thấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng do tăng vốn điều lệ của NHTM Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ, nên NHNN khẩn thiết đề nghị sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho Big Four.