Trong năm 2025, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút hơn 10,5 triệu lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ, tăng 6% so với năm 2024, bằng 136% so với năm 2019.
Cụ thể, Đà Nẵng phấn đấu đón 4,3 triệu lượt khách quốc tế, 6,2 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2025 ước đạt 40,7 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2024.
Triển khai nhiều chương trình thiết thực
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung vào công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh đến các thị trường khách nội địa và quốc tế trọng điểm, trong đó chú trọng thu hút đối tượng khách đã từng đến Đà Nẵng tiếp tục quay trở lại để trải nghiệm. Cùng với đó, tạo sự hấp dẫn để thu hút khách thông qua triển khai những chương trình thiết thực, hiệu quả, đúng thị trường, nhấn mạnh vào sự đổi mới của điểm đến và giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với xu hướng, thị hiếu của từng thị trường khách,...
Đặc biệt, Đà Nẵng đã lên kế hoạch cụ thể xuyên suốt từ tháng 01- tháng 12/2025, ưu tiên đẩy mạnh quảng bá đến với thị trường nội địa vào thời điểm trước khi bắt đầu các kỳ nghỉ lễ. Tập trung vào các đợt nghỉ lễ, tết của một số thị trường quốc tế trọng điểm như tại Hàn Quốc là dịp lễ tết Trung thu tháng 9 và mùa cao điểm tháng 01-03; Thái Lan vào tháng 4 và năm mới; Đài Loan vào tháng 9-10 và năm mới; Malaysia: dịp lễ 2/9 và năm mới,...
Cùng với đó, ngành du lịch sẽ tổ chức 2 chiến dịch là “Da Nang A New Era of Travel” nhấn mạnh vào sự đổi mới và giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm du lịch chất lượng cao của Đà Nẵng và “Da Nang Say Hi” để thu hút khách du lịch quay trở lại Đà Nẵng.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết trong thời gian tới ngành du lịch sẽ thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm như tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai 03 khâu đột phá thúc đẩy phát triển du lịch thành phố gồm đảm bảo môi trường du lịch, triển khai quy hoạch, định hướng phát triển trọng tâm của ngành theo lộ trình. Ngoài ra, địa phương sẽ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực du lịch, hướng đến dịch vụ đạt chuẩn “chất lượng cao” và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
“Đặc biệt là liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó: tham mưu sớm đề xuất triển khai Khu thương mại tự do Đà Nẵng; hỗ trợ về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, triển khai dự án động lực cho phát triển du lịch,...”, bà Hạnh cho hay.
Doanh nghiệp đề xuất giải pháp
Tại Sun World Ba Na Hills, lượng khách đến tham quan trong dịp DIFF 2024 đã tăng 111,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Bà Nà đạt 116% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó riêng lượng khách quốc tế tăng trưởng tới 127%.
Phía doanh nghiệp đề xuất thành phố có giải pháp kết nối, mở đường bay mới hoặc gia tăng thêm đường bay thẳng tới Đà Nẵng, đồng thời tăng cường quảng bá xúc tiến đến các thị trường quốc tế tiềm năng mới như Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan,... Đồng thời, Đà Nẵng cần đánh giá hiệu quả của việc khai thác đường sắt vào việc phát triển du lịch, kết nối với các doanh nghiệp xây dựng chương trình tour tuyến, sản phẩm và chương trình quảng bá để khai thác hiệu quả tệp khách đi đường sắt.
“Cùng với đó, tiếp tục có những giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, điểm đến phát triển du lịch đêm, đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến về đêm phát triển sôi động, hấp dẫn. Đặc biệt, cần có những hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ hơn nữa cho công tác truyền thông về các sản phẩm du lịch của các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương bằng chính nguồn lực của thành phố”, vị đại diện kiến nghị.
Tương tự, ông Đoàn Hải Đăng – đại diện Vietravel thông tin đơn vị đang phối hợp với Đà Nẵng để thu hút lượng khách quay lại Đà Nẵng và ghi nhận hiện nay đang có 30% lượng khách như vậy, đặc biệt là khách quốc tế. Theo tính toán của doanh nghiệp, để đến với Đà Nẵng khách từ Nhật chỉ mất từ 6 tiếng, Úc, Châu Âu, Mỹ từ 12 tiếng và đây đều là lượng khách chi tiêu cao và hạ tầng Đà Nẵng đáp ứng đủ nhu cầu của các thị trường khách này.
“Số lượng khách này ở lại với địa phương rất cao, về lâu dài, Đà Nẵng cần quan tâm đến các thị trường ở xa để tìm kiếm thêm nhiều số lượng khác. Khách châu Âu rất mê Việt Nam và Đà Nẵng là 1 thị trường “nóng” để thu hút lượng khách chi tiêu lớn. Đặc biệt, khách du lịch hiện nay rất quan tâm đến thể thao nên các doanh nghiệp cần bắt tay với nhau để tìm kiếm thêm lượng khách. Đồng thời, phát triển thêm mảng du lịch mạo hiểm và kinh tế đêm như Thái Lan và các nước đang làm”, ông Đăng kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, đường bay trực từ Ấn Độ đến Đà Nẵng mang theo thị trường lớn và có thể bù đắp vào các thị trường chủ lực đến Đà Nẵng đang thiếu hụt. Vị này đề xuất, Sở Du lịch Đà Nẵng cần chú trọng vào vấn đề này và tiến hành kết nối, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ tham gia xúc tiến. Ngoài ra, thành phố cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp đón các đoàn MICE.