Để tận dụng hiệu quả các lợi thế từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Làm thế nào để tận dụng cơ hội của EVFTA và nâng cao năng lực doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp và các HTX nông nghiệp.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục chủ động hội nhập sâu rộng, nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn. Điển hình những tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử như: Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cần và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn Châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên khó khăn cho tái đàn, tăng đàn. Biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL.
Ngoài ra, thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều nước ra tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật; Thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do EC đưa ra chưa được gỡ bỏ…
Trước những khó khăn trên, Hiệp định EVFTA thực sự là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt đối với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hồ tiêu và các sản phẩm đồ gỗ.
Ông Lê Duy Minh – Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau khi EVFTA có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường đầy tiềm năng, với dân số trên 500 triệu người và GPD đạt 15.000 tỷ USD. EU hiện là thị trường quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, chiếm khoảng 11,75% thị phần trong tổng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm, thặng dư trung bình 4 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm qua (2017 – 2019).
“Một cơ hội lớn khác, đó là tăng cường hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam, đi kèm với chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng quản lý, lao động. Góp phần tăng sản lượng, chất lượng nông, lâm, thủy sản, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Châu Âu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, EVFTA là một Hiệp định thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội mới, nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cà nước nói chung và khu vực nông nghiệp nông thôn nói riêng.
“Để tận dụng tốt các cơ hội về thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, HTX cần đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và ATTP, tiêu chuẩn bền vững về môi trường. Phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế”. - ông Minh khuyến cáo.
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam vào khu EU tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn nhiều hơn nữa, vì khi được giảm thuế, hàng hóa của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Lấy dẫn chứng từ số liệu của Bộ Công thương, ông Thành cho biết, dự kiến trong năm 2020, nếu như không có dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 20%, đến năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 43% và đến năm 2030 sẽ tăng khoảng 45%.
Ông Thành cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam cũng có nhiều điều kiện để thu hút đầu tư từ EU vào ngành nông nghiệp. Bởi ngành nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là sản xuất manh mún. “Muốn xuất khẩu lớn thì phải canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn, từ hạt giống, từ canh tác, đến thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, rồi logistics…phải được đầu tư đồng bộ. Muốn thu hút được đầu tư vào ngành nông nghiệp thì cần phải tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm”. Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ.
TS. Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng - Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đánh giá, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân băng về lợi ích cho Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ngoài việc giảm thuế đối với nông sản còn có cả vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ và bản quyền, phát minh, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu… đây là những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản cho xuất khẩu vào châu Âu.
EVFTA từ việc tháo gỡ hàng rào thuế quan, là cơ hội phân biệt rõ rang và minh bạch hơn, giúp nông sản Việt Nam cạnh tranh một cách song phẳng, minh bạch trong nước và với các quốc gia có sản phẩm tương tự. Thị trường Châu Âu là nơi nông sản Việt có cơ hội giới thiệu và thương mại nhiều hơn bởi sự đa dạng về giống cây trồng, chất lượng đảm bảo, sản lượng ổn định. Đồng thời, nông dân, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thỏa mãn các yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật và cạnh tranh tốt với sản phẩm tương tự.
“Từ việc bán nông sản chỉ dựa vào chất lượng với hiệu quả chưa cao tiến tới cơ hội bán nông sản theo sự tích hợp chất lượng và giá trị sẽ mang lại cơ hội tốt và gia tăng thu nhập, lợi nhuận cho các nhân tố tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản Việt Nam”. - ông Tùng chia sẻ.
Liên quan đến xây dựng thương hiệu, Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, chuyên gia về sở hữu trí tuệ đánh giá, vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu nông sản và rất ít thương hiệu nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, có 90% lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu phải mang thương hiệu nước ngoài. Đến nay, mới có 74 chỉ dẫn địa lý cho nông sản và khoảng 1.300 nhãn hiệu tập thể được đăng ký bảo hộ pháp lý cho đặc sản, nông sản. Chỉ một số ít thương hiệu được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết…
“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc xây dựng và củng cố thương hiệu là một giải pháp nâng cao khả năng nhận diện, năng lực cạnh tranh và tạo niềm tin cho khách hàng, người tiêu dùng. Kinh doanh quốc tế cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động trong việc sử dụng các công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu, sản phẩm để tránh những tranh chấp không đáng có”. Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA, CPTPP
13:31, 15/07/2020
EVFTA và động lực cải cách thể chế
11:30, 10/07/2020
Chìa khóa giúp nông sản Việt thích ứng với EVFTA
05:00, 07/07/2020
Gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản Việt từ EVFTA
05:15, 04/07/2020
EVFTA: Thuế giảm mới chỉ là điều kiện cần
17:01, 04/07/2020