Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, có thể dễ dàng đưa doanh nhân, doanh nghiệp đến bờ phá sản, thế nhưng, khi được giải oan, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp vẫn bị “bỏ quên” thiệt hại…
Vướng vòng lao lý từ những vụ việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đối với các doanh nhân, doanh nghiệp là tương đối dễ dàng, cả cơ nghiệp có thể tiêu tan ngay sau đó, bởi khi người đứng đầu doanh nghiệp bị rơi vào vòng lao lý thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nhiều, từ mất bạn hàng, uy tín đến các hoạt động sản xuất có thể bị đình trệ, thậm chí là giải thể…
Thế nhưng, đến khi được giải oan, hành trình để được nhận bồi thường, xác định thiệt hại lại vô cùng gian nan… thậm chí, có doanh nhân sau nhiều năm hàm oan, chỉ nhận lại một lý do đình chỉ vụ án vô cùng thiếu thuyết phục mà thiệt hại bị bỏ quên.
Có thể kể đến trường hợp của ông Đào Trần Thành – nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thành, bị Cơ quan điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố bắt giam do nghi ngờ có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Sau 4 năm bị khởi tố bắt giam, vụ án mới được đưa ra xét xử và tuyên phạt ông Thành 5 năm tù về tội danh này, mặc dù trong suốt quá trình từ khởi tố đến xét xử ông một mực kêu oan. Thụ án xong, ông Thành trở về và tiếp tục gửi đơn kêu oan đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC).
Ngày 24/12/2002, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã xử Giám đốc thẩm, xác định không đủ cơ sở kết tội ông Thành, vụ án sau đó được đưa về điều tra xét xử lại. Sau 5 năm, với rất nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra vẫn không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Đào Trần Thành.
Ngày 7/8/2006, Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định đình chỉ điều tra với lập luận “do chuyển biến tình hình, hành vi của bị can Thành không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” và cũng bỏ quên luôn trước lúc bị bắt ông Thành là một doanh nhân, việc bị bắt là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp của ông sụp đổ.
Hay như trường hợp vụ án oan đầu tiên ở Việt Nam được xem xét bồi thường, đó là vụ việc của doanh nhân Hoàng Minh Tiến.
Thời điểm bị bắt về hành vi lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ngày 22/11/1992), ông Tiến đang là Phó chủ tịch Hội đồng xuất nhập khẩu Liên hiệp sản xuất Việt Nam, Giám đốc điều hành xuất nhập khẩu Liên hiệp khoa học sản xuất Việt Nam và là chủ cửa hàng xuất nhập khẩu tư doanh Đồng Tiến (Dotimexco).
Sau nhiều năm vướng vòng lao lý với 4 lần hầu tòa, tháng 6/1996, TANDTC tuyên ông không phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản, khi được minh oan, ông đề nghị bồi thường 4 tỉ đồng và trả lại một ngôi nhà bị kê biên, tịch thu, tuy nhiên, cái ông nhận được chỉ vỏn vẹn là khoản bồi thường 44,5 triệu đồng.
Vậy, nguyên nhân từ đâu? Những thiệt hại của doanh nhân, doanh nghiệp có đang bị các đơn vị thực thi pháp luật “bỏ quên”?
Được minh oan và được các cơ quan tiến hành tố tụng chính thức “có lời xin lỗi”, với các doanh nhân đã là cuộc chiến vô cùng vất vả, nhưng để có thể định giá được mức bồi thường thiệt hại giữa người bị hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường lại là một câu chuyện dài, thậm chí khó thấy được “hồi kết”.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Công ty Luật TNHH Hà Việt chia sẻ: về những vụ việc PV đưa ra mang tính chất thời điểm, mà ở đây, một trong những vấn đề chưa được Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 xử lý tốt, đó là không giải quyết quyền lợi của doanh nghiệp khi chủ doanh nghiệp bị truy tố hình sự, nhưng sau đó được xem xét bị oan, sai.
"Và một trong những bất cập Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có thể dẫn đến hiện trạng trên là quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Trong khi thực tế để có được văn bản này, người bị thiệt hại phải thực hiện nhiều thủ tục khiếu nại và mất rất nhiều thời gian, nhiều vụ việc gặp bế tắc do cơ quan tố tụng không chịu ra văn bản thừa nhận oan hoặc lách luật, dùng các lý do khác như miễn trách nhiệm hình sự khi ra quyết định đình chỉ điều tra để né trách nhiệm dù về bản chất, người ta thật sự bị oan", Luật sư Luân chia sẻ.
Theo Luật sư Luân, nếu áp dụng bồi thường án oan sai hiện nay, được quy định theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2018, thì thiệt hại của người bị oan sai sẽ được đảm bảo bởi ngoài thiệt hại do tổn thất về tinh thần, sức khỏe, thu nhập bị mất,… thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm cũng được đưa ra khi xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Một cái gõ bàn… “toang” cả doanh nghiệp!?
04:50, 04/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: “Mượn” pháp luật để… “làm càn”!?
06:10, 01/08/2020
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: “Bức tử” doanh nghiệp!?
05:30, 24/07/2020
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: “Rào cản” thu hút đầu tư
04:50, 17/06/2020
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: Muôn vàn hệ lụy xấu!
11:05, 15/06/2020