Hồ sơ Pandora thêm một lần nữa đặt ra vấn đề đạo đức tài chính và làm sâu sắc thêm bất bình đẳng thu nhập trên phạm vi toàn cầu.
Sở dĩ vụ rò rỉ hồ sơ Pandora gây chấn động báo giới toàn cầu là bởi, ngoài nhóm người siêu giàu thường tìm cách che dấu tài sản của mình, lần này có hàng trăm chính trị gia, thành viên hoàng tộc và thủ lĩnh các tôn giáo khắp toàn cầu.
Đã từ lâu, thế giới đã tồn tại dòng chảy tài chính ngầm của các gia tộc tài phiệt lâu đời và bí ẩn như Rothschild, Walton, Koch hay Wetheimer; của các băng đảng tội phạm có quy mô và tổ chức chặt chẽ như những hệ thống nhà nước ở châu âu, Nhật, Mỹ.
Tuy nhiên, việc có tới 300 chính trị gia trong hồ sơ Pandora đã cho thấy một hiện trạng khủng khiếp hơn về bất bình đẳng thu nhập, giàu nghèo, mối liên hệ mật thiết giữa quyền hành chính trị và lợi ích kinh tế.
Như thường lệ, một câu hỏi rất phổ biến: Các chính trị gia làm gì để tích lũy khối tài sản tương đương với các tỷ phú đình đám nhờ kinh doanh, sản xuất mà cả thế giới đều biết tường tận về họ? Hàng nghìn tỷ USD được “rửa” sạch có liên quan gì đến chúng ta?
Tờ Guardian giải thích lý do công bố Hồ sơ Pandora vì mục đích muốn làm sâu sắc thêm tính bất công về thu nhập trong thế giới ngày nay. Ước tính các chính phủ thất thu khoảng 400 - 800 tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Trong khi đó, khoản tiền này có thể được chi cho trường học, bệnh viện, hoặc để chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon.
Từ thời điểm Hồ sơ Panama và Paradise bị phanh phui cách đây 4 năm, các nhà hoạt động xã hội đã lên án thiên đường thuế, họ đặt ra vấn đề đạo đức bên cạnh sự hào nhoáng xa xỉ của các trung tâm tài chính chuyên nhận ký gửi tài sản.
Quả thật như vậy, thế giới ngày càng nhỏ bé, những nguồn lợi ngày càng liên quan nhau, điều đó có nghĩa các thiết chế toàn cầu cần tính đến khả năng tái phân phối cho những nơi nghèo khó nhất.
Những căn phòng dát vàng mà các hoàng gia sử dụng, những viên kim cương trở thành đồ trang sức thông thường ở xứ dầu mỏ,…tất cả chúng đều được mang về từ châu Phi, nghịch lý thay châu lục này vẫn là nơi nghèo khó nhất hành tinh!
Sự giàu lên của các đại công ty, sản sinh ra hàng loạt tỷ phú, xét đến tận cùng thứ mà họ bán hầu như được khai thác ở những nơi kém phát triển. Cần hàng chục khoáng sản mang về từ khắp nơi, hàng nghìn công đoạn lao động bất chấp nguy hiểm, thù lao bèo bọt để tạo ra cái điện thoại Iphone hay chiếc Lamboghini, Bugati, Ferrari cáu cạnh.
Hồ sơ Pandora chắc chắn tạo ra phản ứng rất mạnh trong bối cảnh hàng chục quốc gia nghèo thiếu tiền mua vaccine chống COVID-19. Đặc biệt là nhiều chính phủ buộc phải vay nợ nước ngoài.
Rõ ràng, thiên đường thuế đã dung túng và tiếp tay cho tội phạm tham nhũng, tệ nạn xã hội, dung dưỡng những cá nhân được xem là “khách hàng VIP” nhưng cũng chính là những người đục khoét, bớt xén miếng cơm của hàng tỷ người yếu thế.
Chắc chắn, con số khủng khiếp từ Pandora báo động tình trạng suy thoái chính trị trên phạm vi toàn cầu, củng cố thêm nguyên lý cần tách rời tương đối quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Hồ sơ Pandora: Vì sao những tiết lộ gây chấn động?
12:19, 04/10/2021
Hồ sơ Pandora: Vai trò của công ty luật Baker McKenzie
11:13, 04/10/2021
Hồ sơ Pandora: Phơi bày bí ẩn khối tài sản khổng lồ của nhiều tỷ phú và chính trị gia
08:00, 04/10/2021
Sàn tiền số lớn nhất thế giới Binance đối mặt với điều tra về rửa tiền và trốn thuế
07:00, 14/05/2021
55% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Có hay không hành vi chuyển giá, trốn thuế?
04:30, 31/01/2021