Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu “chịu trận” vì Bộ Y tế và Hải quan không phân định hồ tiêu dược liệu và hồ tiêu gia vị và đưa hồ tiêu vào danh mục hàng hóa xuất khẩu có điều kiện.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, để khắc phục việc hồ tiêu bị phân “luồng vàng”, các cơ quan cần loại hẳn hồ tiêu ra khỏi danh mục hàng hóa xuất khẩu có điều kiện.
- Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu hàng chục năm nay, chưa có doanh nghiệp nào được coi là xuất khẩu dược liệu. Việc Bộ Y tế đưa hồ tiêu vào diện dược liệu có phù hợp không, thưa ông?
Công dụng của hồ tiêu đối với sức khỏe con người là không thể phủ nhận khi đã có nhiều nghiên cứu về mặt Y học. Đây là lý do hồ tiêu được Bộ Y tế đưa vào danh mục dược liệu.
Chất lượng hồ tiêu Việt Nam ngày càng được cải thiện và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn dược liệu là hoàn toàn có thể, nhưng chỉ với số lượng hạn chế. Tuy nhiên, thực tế từ trước tới nay, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu không nhằm mục đích làm thuốc hay nguyên liệu làm thuốc mà đơn thuần chỉ là một loại gia vị trong chế biến thực phẩm.
Hơn nữa, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu với tư cách là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không phải là công ty kinh doanh dược. Căn cứ vào chức năng kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, việc Bộ Y tế đưa hồ tiêu vào danh mục mặt hàng xuất khẩu có điều kiện theo Thông tư số 03/2021 là không phù hợp.
- Thông tư số 03/2021 của Bộ Y tế nêu: “cơ quan Hải quan thực hiện thông quan trên hệ thống, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu không dùng cho mục đích làm thuốc”. Như vậy vấn đề này đã được làm rõ, nhưng lý do gì doanh nghiệp vẫn kêu khó, thưa ông?
Trên thực tế, Hải quan đã cam kết thực hiện thông quan trên hệ thống, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu không dùng cho mục đích làm thuốc. Tuy nhiên, Thông tư số 03/2021 vẫn có quy định: “Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược”. Chính vì quy định coi hồ tiêu là dược liệu nên hồ tiêu bị xếp vào danh mục mặt hàng xuất khẩu có điều kiện và bị phân luồng kiểm tra từ phía Hải quan.
- Nếu xét theo Thông tư 03 của Bộ Y tế thì Hải quan chỉ cần xác định doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu làm gia vị hay dược liệu. Vậy lý do Hải quan ép hồ tiêu vào “luồng vàng” có phải đang làm khó và hạch sách doanh nghiệp, thưa ông?
Với văn bản quản lí chuyên ngành chưa rõ ràng, Hải quan có thể đưa vào “luồng xanh” hay “luồng vàng” tùy thuộc vào ý chỉ chủ quan. Thực tế, hồ tiêu vẫn bị phân luồng kiểm tra của cơ quan Hải quan.
- Theo ông, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu thoát khỏi “luồng vàng” trong lúc này là gì?
Trước mắt, để thay đổi một Thông tư thì mất nhiều thời gian khi các cơ quan có liên quan sẽ ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung. Tuy nhiên doanh nghiệp thì không thể chờ đợi được. Do đó chúng tôi kiến nghị, Bộ Y tế xem xét tạm thời loại hồ tiêu khỏi danh mục hàng hóa xuất khẩu có điều kiện và Tổng cục Hải quan đưa hồ tiêu xuất khẩu vào “luồng xanh”.
Về lâu dài, hồ tiêu được dùng phổ biến là một loại gia vị trong chế biến thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, không đăng ký kinh doanh dược phẩm. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế xem xét và chính thức loại hẳn hồ tiêu ra khỏi danh mục hàng hóa xuất khẩu có điều kiện.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục trong việc xác nhận hồ tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp không nhằm mục đích làm thuốc. Đồng thời, cơ quan Hải quan cần phân loại rõ chức năng kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu dược liệu và hồ tiêu gia vị.
- Xin cảm ơn ông!
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin
Ông Hồ Ngọc Phan, Phó cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan):Tại thông tư số 48/2018/TT-BYT, của Bộ Y tế có quy định mặt hàng hạt tiêu mã HS 0904.11.20 thuộc danh mục dược liệu xuất khẩu nhập khẩu. Do đó, mặt hàng hồ tiêu hiện nằm trong danh mục hàng xuất khẩu có điều kiện, việc cơ quan Hải quan phải thực hiện phân luồng kiểm tra là theo quy định của Bộ Y tế. Trong trường hợp xác định mặt hàng hạt tiêu đen xuất khẩu hiện nay là một loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thông thường, thì cơ quan hải quan sẽ thực hiện thông quan trên hệ thống. LS Vũ Hữu Thức, Đoàn LS TP Hà Nội:Thực tế, hệ thống pháp luật vẫn còn những hạn chế về chất lượng văn bản và hiệu quả thi hành. Việc Hải quan không thống nhất với Bộ Y tế trong tạo điện kiện xuất khẩu hồ tiêu chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khó áp dụng. Khi việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo cảm tính thì rất dễ dẫn đến tiêu cực và tùy ý. Điển hình là thời gian gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lại phản ánh họ vẫn bị xem là dược liệu và tỷ lệ tờ khai hải quan trong luồng vàng đã tăng cao. |
Có thể bạn quan tâm
“Rào cản” kinh doanh nhìn từ việc “phân luồng hồ tiêu”
13:00, 27/07/2021
Hồ tiêu bị phân “luồng vàng" vì là hàng xuất khẩu... có điều kiện
05:14, 27/07/2021
Hồ tiêu bị phân “luồng vàng”: Thông lệ quốc tế hay rào cản “nội địa”?
09:31, 25/07/2021
Xuất khẩu hồ tiêu “gặp khó” vì… thủ tục Hải quan
03:30, 25/07/2021
Giá hồ tiêu tăng "nóng" và những khuyến cáo
11:00, 18/03/2021