Nhìn những người nông dân trồng tiêu giàu lên sau một mùa, người người đổ tiền trồng tiêu theo lối mòn của nông nghiệp cũ và cuộc đời họ cũng theo tiêu trong nợ nần
Được biết đến là đôi vợ chồng làm nông giàu có trước những năm 2016, vợ chồng anh Huỳnh Văn Thành và chị Nguyễn Thị Thuỷ (thôn Bình Nguyên xã Ia Pia huyện Chư Prông) là hình mẫu của những cặp đôi trẻ theo nghề nông. Bắt đầu với cây tiêu từ những năm 1998 với dưới một ngàn trụ. Mỗi năm đều cho thu hoạch khá ổn định, xây nhà, mua đất cũng từ đây.
Năm 2015, khi giá tiêu chuẩn bị lên tới đỉnh, thì gia đình anh chị mạnh dạn mua 10 hec ta đất để mở rộng vườn tiêu. Có đất, gia đình vay Ngân hàng Công thương (Viettinbank) 2 tỷ 200 triệu đồng, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) 800 triệu đồng để mua giống và trụ. Năm 2016 khi giá tiêu đạt đỉnh 220 ngàn đồng/kg thì nhiều người cho rằng cuộc sống của gia đình anh chị sẽ sang một trang mới.
Nhưng cuộc sống có ai học được chữ “ngờ”, sau ít tháng đạt đỉnh, giá tiêu liên tiếp đi xuống. Tiêu chết, tiêu xuống giá, gồng gánh lãi ngân hàng cùng với trang trải cuộc sống, gia đình chị anh chị Thành – Thuỷ rơi vào khánh kiệt. Để đến lúc ngân hàng thông báo phát mãi tài sản thì cuộc rong với tiêu của gia đình anh chị chính thức kết thúc.
Cái kết “đời tiêu” không chỉ có anh chị, mà cả vùng nông thôn ở huyện Chư Prông lúc bấy giờ ai ai cũng thấm thía.
Ngước nhìn cánh đồng mênh mông giờ của người khác, chị Nguyễn Thị Thuỷ - thôn Bình Nguyên xã Ia Pia huyện Chư Prông chua chát nói “nếu lúc ấy, vợ chồng tôi tỉnh táo hơn thì đâu có ngày hôm nay. Bây giờ đến cả nhà phải đi thuê ở, sáu đứa con ăn không đủ no. Bây giờ trả ngân hàng được đồng nào hay đồng ấy, chứ không biết làm sao nữa.”
Bỏ qua mọi sự khuyên ngăn của chính quyền địa phương, cán bộ nông nghiệp, người người phải trồng tiêu bằng được, với mọi giá. Nhẩm tính của họ, chỉ cần tiêu không xuống dưới 100 ngàn đồng/1kg thì vẫn có lãi.
Giá tiêu thời điểm ấy đã khiến cho hàng ngàn người, đổ tiền vào đầu tư. Không chỉ có nông dân, cây tiêu còn thu hút lực lượng khác vào đầu tư như: cán bộ xã, cán bộ ngân hàng, người từ khắp nơi đổ về Tây Nguyên đầu tư tiêu. Mặc dù bỏ tiền tỷ vào đầu tư cây tiêu nhưng lối canh tác truyền thống vẫn được giữ như sử dụng phân bón hoá học, trồng tiêu đơn canh. Cách tạo bồn, làm cỏ, tưới nước truyền thống cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây nhưng vẫn được người nông dân giữ. Quy trình chăm sóc tiêu hoàn toàn đi ngược lại nông nghiệp hữu cơ bền vững, hiện đại khiến người dân nhận quả đắng. Hàng loạt vườn tiêu xanh mướt bị chết dần, cây còi cọc chậm phát triển, hiệu quả không cao. Số tiền người nông dân đầu tư vào cây tiêu nhiều nhưng thu hoạch được ít khiến họ trở thành người bị “tiêu sản” lâm vào cảnh nợ nần.
Đại diện cho lối canh tác truyền thống, chị Nguyễn Thị Mỹ Tâm canh tác 300 trụ tiêu ở xã Hà Bầu huyện Đăk Đoa cũng cho biết “tôi còn ít thì cứ chăm sóc làm cỏ vậy thôi. Chứ trồng vào lại thì nó cũng không sống. Cây tiêu thì em cũng thích trồng, nhưng nếu không có nguồn thu thì em cũng nản.”
Sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2016 ghi nhận tăng, nhưng lại không đạt về chất lượng. Khi đó sản lượng tiêu của cả nước chiếm 50% thị trường thế giới. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD/năm. Nhưng lối canh tác tiêu của nông dân người Việt bị đánh giá thấp, lạm dụng nhiều loại thuốc hoá học như thuốc diệt nấm, diệt côn trùng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Hồ tiêu xuất khẩu không bảo đảm chất lượng, không đúng quy trình kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc. Khiến cho lượng hàng xuất khẩu bị trả lại nhiều. Cũng từ năm 2015 đến giữa năm 2016, đã có 17 lô hàng hồ tiêu của Việt Nam bị EU phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định, bị trả về.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực làm hồ tiêu xuất khẩu, nhận định giá tiêu đang quay trở lại theo chu kỳ và trước xu thế làn sóng đầu tư tiêu trở lại. Chủ tịch HĐQT HTX NN & DV Nam Yang, đơn vị sở hữu bộ ba sản phẩm OCOP thương hiệu Tiêu Lệ Chí đạt 4 sao - ông Nguyễn Tấn Công đưa ra lời khuyên cho người trồng tiêu “Nông dân cần chuyển hướng sản xuất hồ tiêu sang đa canh, xen canh, tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích. Làm nông nghiệp hữu cơ bền vững hạn chế sâu bệnh, chi phí sản xuất thấp, chất lượng nông sản sạch lại được giá”.
Có thể bạn quan tâm