Chỉ trong hai năm, sau thời kỳ đỉnh cao về giá thì người người tiêu sản vì tiêu. Hàng loạt gia đình ly tán, tha hương vì mất khả năng trả nợ.
Huyện Chư Pưh tình Gia Lai là một trong nhưng huyện lên nhanh nhất vì cây tiêu. Năm 2016 khi giá tiêu còn đang trên đỉnh với mức 220 ngàn đồng/kg thì mỗi ngày có hàng chục ngôi nhà kiên cố với mái ngỏ đỏ au mọc lên. Trong xu thế đó, gia đình ông Phan Sơn thôn Phú Vinh xã Ia Blứ cũng mạnh dạn lấn đất lâm nghiệp trồng tiêu. Khi đã được cấp bìa đỏ, gia đình ông mạnh dạn vay ngân hàng hơn 400 triệu đồng để lấy vốn trồng tiêu. Khi cây tiêu vừa bò lên đến ngọn trụ thì giá tiêu đã xuống chỉ còn vài chục ngàn đồng một kg. Ngồi tiếp phóng viên những ngày đầu tháng 10 2019, ông Phan Sơn nhẩm tính “với mấy trăm trụ tiêu này khi giá cả còn cao thì còn hy vọng trả ngân hàng. Nhưng bây giờ giá tiêu thế này chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền trả ngân hàng.”
Đi quanh thôn Thiên An, nhiều ngôi nhà đóng cửa bỏ hoang. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ xã Ia Blưh cho biết, ở đây tình trạng người dân bỏ nhà đi làm ăn vì “tiêu sản” nhiều lắm. Lúc giá tiêu có giá cao thì nhiều nhà bỏ tiền ra trăm triệu, tiền tỷ ra trồng tiêu. Nhưng khi trồng được cây tiêu cho thu hoạch thì giá lại xuống thê thảm nên khiến nhiều người tán gia bại sản.
Không chỉ riêng huyện Chư Pưh, mà còn rất nhiều huyện thị xã của tỉnh Gia Lai người dân đi trồng tiêu theo “phong trào giá”. Cũng là người làm nông nghiệp từ khi đặt chân đến vùng đất Gia Lai lập nghiệp, ban đầu gia đình bà Lê Thị Lan ở thị trấn Chư Sê huyện Chư Sê chọn cây cà phê để trồng. Rồi câu chuyện trồng tiêu bán giá cao, nhanh giàu khiến gia đình bà Lan cũng phá bỏ đi diện tích hơn 1 ha cây cà phê ở thôn 2 thị trấn Chư Sê để sang trồng tiêu. Tính cả cây trồng là trụ và dây tiêu giống cùng công chăm sóc hơn hai năm làm gia đình bà Lan tiêu hết cả hơn tỷ đồng. Đến lúc thu thì câu chuyện được mùa mất giá lại diễn ra, cứ như thế trong vòng vài năm gia đình mất luôn mất tỷ “tiền tiêu”.
Chồng bà Lan cũng cho biết xung quanh thôn 2 này, người sạt nghiệp vì tiêu tương đối nhiều. Có gia đình phải bưng bế nhau đi nơi khác làm ăn, vì nợ nần.
Nhìn lại những năm phát triển nóng của cây hồ tiêu, mặc dù được các cơ quan chuyên môn của chính quyền các cấp khuyên giải người dân không nên trồng ồ ạt. Thế nhưng với suy nghĩ của người nông dân “đất của ta, ta trồng gì mặc kệ” nên diện tích tiêu ồ ạt được mở rộng. Riêng số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh hiện toàn huyện có khoảng 1.525 ha hồ tiêu, trong đó trên 1.222 ha đã cho kinh doanh, còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Tỉnh Gia Lai, quy hoạch đến năm 2015 là 6.000 ha và giữ nguyên diện tích này đến năm 2020, song hiện đã vượt quá quy hoạch đến 12.000 ha. Tính tới thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của Gia Lai là 18.000 ha, xếp sau Đak Nông 30.000 ha và Đak Lak 25.000 ha. Theo quy hoạch tại Đăk Lăk đến năm 2020, diện tích hồ tiêu chỉ phát triển 16.000 ha; tại Đak Nông đến năm 2025 là 13.000 ha.
Tính đến tháng 12/2018, diện tích hồ tiêu đã đạt 152.000 ha, trong khi quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha.
Đây chỉ là những số liệu cơ bản cho thấy người dân không tuân thủ việc quy hoạch, việc trồng ồ ạt và tự phát đã dẫn đến hậu quả cung vượt cầu. Việc này kéo theo là hàng ngàn người nông dân phá sản ở các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông… Một cuộc đời mới của những người “tiêu sản” là tha hương, để lại thôn quê những ngôi nhà trống vắng chủ không biết đến bao giờ.
Có thể bạn quan tâm
Giá hồ tiêu tăng "nóng" và những khuyến cáo
11:00, 18/03/2021
Xuất khẩu hồ tiêu “gặp khó” vì… thủ tục Hải quan
03:30, 25/07/2021
Hồ tiêu Việt Nam: Cần cải tiến để hưởng lợi dài hạn từ EVFTA
03:30, 21/02/2020
Vua hồ tiêu Việt: Thành công nhờ biết bỏ lại mọi thứ hấp dẫn phía sau lưng…
11:01, 25/01/2020