Các vấn đề về chính sách tiền tệ hiện chỉ mang tính chất ngắn hạn, để có sự bền vững thì cần có giải pháp tổng thể không chỉ ở phía tổng cầu, mà cần nhìn sang phía cung thông qua mở rộng tài khóa.
>>Tiếp tục giảm lãi suất để phục hồi sản xuất: Dư địa và sức ép hạ lãi vay
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 từ 14 - 15%, nhưng con số tăng trưởng từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 4-5% là mức khá thấp. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của tháng 7 so với tháng 6 đã có sự sụt giảm gây ra tăng trưởng tín dụng âm.
Sự khó khăn trong tăng trưởng tín dụng cho thấy khả năng hấp thụ vốn kém của nền kinh tế. Theo góc nhìn của NHNN, có bốn yếu tố đó là:
Một, nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh yếu, bao gồm chỉ số sản xuất công nghiệp IIP yếu, nhu cầu của các quốc gia nhập khẩu giảm.
Hai, điều kiện vay vốn trong giai đoạn này khi chúng ta không dựa trên dòng tiền mà dựa trên tài sản đảm bảo, nên nhóm các doanh nghiệp nhỏ, quy mô vốn nhỏ rất yếu ở điểm này, đặc biệt tài sản đảm bảo là bất động sản cũng là vấn đề khi giải ngân.
Ba, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% tín dụng chung, khi lĩnh vực bất động sản gặp vấn đề thì nhu cầu tín dụng của nhóm này sụt giảm. Có một nguyên nhân rất quan trọng đó là trước đây, tăng trưởng tín dụng của chúng ta có 20% do tín dụng bất động sản đóng góp, nhưng nó gồm cả các phần khác như cho vay dự án, đầu tư bất động sản chứ không chỉ vay để mua nhà.
Bốn, ở góc độ các ngân hàng, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn. Các tổ chức tín dụng cũng có các tiêu chuẩn và họ cảm thấy nếu phải hạ chuẩn để đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng thì họ sẽ gặp khó khăn trong tương lai.
Từ bốn nguyên nhân trên, tôi cho rằng sẽ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến chúng ta khó tăng trưởng tín dụng chung như kỳ vọng. Tuy nhiên, có những việc vẫn có thể làm được là tiết giảm chi phí giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn; cũng như các chính sách quản trị rủi ro trong ngân hàng. Thực tế ngân hàng cũng là một doanh nghiệp “buôn tiền”, huy động được mà không cho vay được thì sẽ gặp khó khăn cho ngành.
Một điểm đáng chú ý mà chúng ta nên quan tâm đó là tăng trưởng tín dụng có sự tương quan chặt chẽ với tăng trưởng GDP. Nếu yếu tố tăng trưởng tín dụng đang bị thấp hơn và có những vấn đề không thể giải quyết được một sớm một chiều, thì đâu đó chúng ta sẽ thấy GDP quý 3 không được khả quan. Do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP quý 3, quý 4 ở mức cao thì sẽ là một gánh nặng đối với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
>>Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn
Có thể thấy, việc tăng trưởng tín dụng âm sẽ rất thách thức đối với điều hành chính sách tiền. Hiện nay, công tác điều hành của NHNN đang đối mặt với 5 thách thức lớn.
Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi liệu NHNN có giảm lãi suất điều hành hay không? Tuy nhiên theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, chính sách chỉ có tác dụng khi các ngân hàng thương mại vay NHNN.
Nhìn vào lãi suất điều hành sẽ có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất của thị trường mở và lãi suất dự trữ. Vì vậy, nếu ngân hàng thương mại không thể cho vay ra thì chỉ thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng tốt, còn cách tốt nhất để chính sách tiền tệ tác động vào nền kinh tế là phải thông qua tín dụng.
Câu chuyện lúc này là các ngân hàng thương mại sẽ phải tăng cường tiết kiệm chi phí để hạ lãi suất cho vay. Việc hạ lãi suất điều hành hay không vốn dĩ chỉ là câu chuyện điều hành, còn thị trường đang gặp rào cản lớn nhất là chi phí vốn của các ngân hàng thương mại.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp vấn đề nếu không đẩy được tín dụng ra thị trường. Chúng ta cần xem 5 thách thức của chính sách tiền tệ trong bối cảnh không đẩy ra được tín dụng sẽ như thế nào, từ đó có góc nhìn mở rộng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Thứ nhất, kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên cao nhất. Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới đây sẽ có sự tham gia của CPI xăng dầu vì tháng 10/2022 giá xăng A95 ở mức khoảng 22.300 đồng 1 lít và hiện đang là 24.420 đồng 1 lít. Đến tháng 9, tháng 10 chúng ta sẽ thấy CPI giao thông có sự tăng trưởng trở lại và NHNN cũng đã nhìn thấy vấn đề này. Ngoài ra còn vấn đề về tỷ giá vì xăng dầu của Việt Nam phải nhập khẩu khá nhiều, cũng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
Thứ hai, giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo ổn định tỷ giá, nghĩa là chính sách tiền tệ đang ở trong thế rất “kẹt”; phải giảm lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động của dân cư ở các kỳ hạn dưới 6 tháng; tuy nhiên tỷ giá đang có những biểu hiện tăng và sắp tới vẫn còn ba lần họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng thời có một biến số về Trung Quốc khi quốc gia này liên tiếp hạ lãi suất và đồng Nhân dân tệ được làm suy yếu đi một cách có chủ đích, thì Việt Nam phải rất thận trọng với tỷ giá.
Thứ ba, các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay và giảm lãi suất huy động. Đứng ở góc độ người dân, nếu lạm phát năm nay ở mức 4% mà lãi suất huy động cũng từ 3 - 4% thì không biết người dân có gửi tiền hay không. Trong khi đó lượng tiền huy động của chúng ta hiện cũng đang tăng trưởng không tốt, có thể ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống.
Thứ tư, tăng tín dụng nhưng phải tăng chất lượng tín dụng. Điều này khá khó khăn khi các số liệu gần đây cho thấy nợ xấu loại 3 trở nên đã có tốc độ tăng rất nhanh, vượt qua con số 2%.
Từ góc độ vĩ mô với những nhà đầu tư chứng khoán sẽ cần phải xem xét thêm, đó là lợi nhuận của ngành ngân hàng đang có mức tăng trưởng âm cùng với tăng trưởng tín dụng như vậy, thì nhà đầu tư sẽ phải đánh giá lại lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục đi theo xu hướng ra sao.
Thứ năm, trên các thị trường thị trường trái phiếu và chứng khoán đáng lẽ được kỳ vọng giải bài toán huy động vốn trong trung và dài hạn cho nền kinh tế, nhưng hiện ngân hàng vẫn đang phải gánh vai trò này. Đo đó đối với ngành ngân hàng sẽ còn rất nhiều khó khăn.
Chúng ta cũng ghi nhận một điểm là trên sàn giao dịch chứng khoán, ngân hàng vẫn là một ngành chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận. Nhưng nếu tháng 8 này tiếp tục tăng trưởng âm về tín dụng sẽ là một vấn đề mà chúng ta cần hết sức cân nhắc.
Hiện nay, có rất nhiều quy định có thể làm để cân đối sự an toàn hệ thống vì tỷ lệ nợ xấu đang tăng rất nhanh, nhưng đó mới chỉ là góc nhìn về chính sách tiền tệ. Chúng ta vẫn còn nhiều dư địa trong chính sách tài khóa. Nhiều ý kiến thường tập trung vào đầu tư công, nhưng theo tôi bên cạnh đó còn có những vấn đề như giảm thuế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi cầu thế giới suy giảm.
Ngoài ra, còn một nhóm các vấn đề cụ thể hơn nữa, tác động vào đường tổng cung của nền kinh tế, nghĩa là làm sao để giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp, cũng là cơ hội cải cách làm cho năng lực sản xuất của Việt Nam tăng cao, không gặp nhiều rào cản.
Tôi cho rằng, các vấn đề về chính sách tiền tệ chỉ mang tính chất ngắn hạn và để có sự bền vững, lâu dài thì phải có sự tác động thường xuyên, liên tục mà hiện nay vẫn còn thực trạng như câu chuyện hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu chưa được nhanh, kịp thời... Đây chính là những vấn đề rất thực tế và chúng ta phải có giải pháp tổng thể, không chỉ ở phía tổng cầu mà cần nhìn sang phía cung thông qua mở rộng chính sách tài khóa.
Có thể bạn quan tâm
11:08, 22/08/2023
12:00, 01/08/2023
05:12, 13/07/2023
18:00, 10/07/2023