Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất lao động đang phải thuê nhà, ở trọ được hỗ trợ 500.000 đồng -1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.
>>Đà Nẵng: Doanh nghiệp đã giữ chân người lao động như thế nào?
Bộ Lao động đang lấy ý kiến về dự thảo hướng dẫn chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, trên cơ sở nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Dự thảo sẽ hoàn thành trong tháng 2, áp dụng với lao động khu vực chính thức, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cụ thể, với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, Bộ đề xuất hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện là lao động làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, đang thuê trọ từ ngày 1/1 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động ký trước ngày 1/1/2022 và đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước lúc doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Với người quay trở lại thị trường lao động, chính sách hỗ trợ một triệu đồng/tháng/người, tối đa 3 tháng. Điều kiện là lao động làm việc trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, đang phải ở nhà thuê, ở trọ từ ngày 1/1 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên và thời điểm ký ngày 1/1-30/6/2022; đang tham gia BHXH bắt buộc hoặc có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp tại tháng liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ...
Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 70% lao động đang thuê trọ ở các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2/người. Hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng. Người lao động hầu như không có khả năng tích lũy mua nhà.
Bình luận về đề xuất này, ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, những chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà, cho vay vốn đào tạo nghề… là nhằm giải quyết và xử lý vấn đề hỗ trợ NLĐ quay lại thị trường lao động, giải quyết công ăn, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Chính sách này không chỉ hỗ trợ NLĐ ổn định công việc mà còn giúp các doanh nghiệp không bị đứt gãy nguồn cung lao động. Đây là một chủ trương kịp thời, phù hợp, đúng vấn đề mấu chốt để tái khởi động nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
"Việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân là vấn đề liên quan tới chế độ chính sách, do đó cần phải được thực hiện nhanh chóng, không để sót, lọt và chi đúng đối tượng", đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhà ở là vấn đề bức thiết đối với NLĐ, đặc biệt là công nhân (CN) KCX-KCN ở các đô thị lớn. Chi phí thuê nhà chiếm một phần không nhỏ trong các khoản mà NLĐ phải chi. Vì vậy, việc Chính phủ quyết định hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà là rất cần thiết và rất quý đối với NLĐ.
>>Hỗ trợ người lao động trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết
"Để triển khai việc hỗ trợ này, cần có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành. Đối với CN đang làm việc tại KCX-KCN, khu vực kinh tế trọng điểm… cần phải lập danh sách đối tượng thụ hưởng và có kế hoạch tổ chức chi trả, hỗ trợ. Việc hỗ trợ cần thực hiện nhanh chóng, đơn giản các loại hồ sơ, giấy tờ để tạo thuận lợi cho NLĐ", ông Lê Đình Quảng kiến nghị.
Đồng quan điểm, PGS, TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, gói hỗ trợ lớn của Chính phủ sẽ có tác động lan tỏa nhanh và hiệu quả trong việc phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, việc triển khai nhanh, sớm, kịp thời sẽ giúp thị trường lao động sớm phục hồi, tạo tiền đề cho phát triển.
Theo Tổng cục Thống kê, hết năm 2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu NLĐ trở về các tỉnh, thành do dịch Covid-19. Trong số này, có khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP.HCM và gần 600.000 người từ các tỉnh phía nam, hơn 676.000 người từ các địa phương khác.
Để hồi phục thị trường lao động sau đại dịch và giảm tỷ lệ thất nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách an sinh, bố trí công ăn việc làm và thu hút lại lao động thời gian tới. Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các ngành nghề từ TP lớn về các địa phương để tạo việc làm cho NLĐ.
Kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển DN tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong một tháng, 37% chỉ đủ trong 3 tháng, hơn 4% đủ trên 4 tháng.
Khoảng 2,2 triệu người về quê do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư. Đại dịch khiến lao động khu vực chính thức có xu hướng dịch chuyển sang khu phi chính thức. Số lao động tự do tăng cao nhất trong ba năm gần đây, chiếm 57% tổng số lao động có việc làm. Song gói hỗ trợ chỉ áp dụng cho lao động khu vực chính thức, chưa đề cập tới khu phi chính thức, nơi có khoảng 28 triệu người.
Có thể bạn quan tâm
10:24, 08/02/2022
10:09, 29/01/2022
01:28, 25/01/2022