Năm 2020 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 6,8%, lạm phát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng đặt ra những mục tiêu như vậy, điều này dựa trên cơ sở nền kinh tế Việt Nam trong 3 quý đầu năm nay đều đạt những con số ấn tượng. GDP 9 đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%...
Không chỉ “người trong nhà” đánh giá, mà ngay các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới đều có nhìn nhận rất tích cực về nền kinh tế Việt Nam. Tuần trước, hãng tin Bloomberg đã dẫn số liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) để đưa ra thống kê về 20 nền kinh tế sẽ đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019 này và năm 2024. Thậm chí IMF còn khẳng định, Việt Nam cùng 4 nền kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á nằm trong top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay.
Ngoài ra, Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô của hãng dịch vụ tài chính Fitch Group - cho hay tín hiệu tăng trưởng tốt trong quý 3/2019 là cơ sở quan trọng để Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 lên 6,9%. Năm 2020, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8%, Fitch Solutions dự báo.
Dù vậy, theo các chuyên gia, tính ổn định, vững chắc của nền kinh tế vẫn chưa thực sự yên tâm, bởi thực tế những vấn đề như giải ngân đầu tư công chậm, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế đầu đó vẫn còn thấp...
Ông Eric Sidgwick , Giám đốc Quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam cho rằng, để khắc phục những “điểm nghẽn”, nền kinh tế Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia, không chỉ về mặt số lượng những công trình mà còn trong cả những yếu tố “mềm” hơn như các dịch vụ hậu cần và tính hiệu quả của những dịch vụ đó.
“Việt Nam cần tạo thêm nguồn lực tăng trưởng cho khu vực tư nhân, song song với đó là hiệu quả quản lý nhà nước và thể chế cũng cần phải được cải thiện…” giám đốc ADB tại Việt Nam nói.