Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là cần thiết nhưng đổi mới thế nào, đổi mới ra sao để không bị lệch lạc, mất phương hướng mới là vấn đề quan trọng.
Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành về những hoài bão và trăn trở đối với phát triển GD&ĐT Vĩnh Phúc.
Là Tiến sĩ Kinh tế, với tư duy thực tiễn và hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã có cách tiếp cận vấn đề trực tiếp, dung dị từ cương vị một công dân, một phụ huynh, một học trò cũ, mà không chỉ bao hàm cách nhìn, quan điểm, tiếng nói của người đứng đầu chính quyền tỉnh. Dưới đây là những vấn đề theo TS. Lê Duy Thành là cốt lõi để nâng tầm giáo dục Vĩnh Phúc.
Theo TS. Lê Duy Thành, nói đến giáo dục giai đoạn vừa qua là nói đến cải cách, đổi mới. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT yêu cầu chúng ta thay đổi rất nhiều thứ. Xã hội cũng yêu cầu chúng ta thay đổi rất nhiều thứ.
“Đổi mới, thay đổi là cần thiết nhưng đổi mới thế nào, đổi mới ra sao để không bị lệch lạc, mất phương hướng mới là vấn đề quan trọng”, TS. Lê Duy Thành nói.
TS. Lê Duy Thành cho rằng, giáo dục phải là môi trường đòi hỏi những nguyên tắc căn bản, những kiến thức nền, những chuẩn mực như “khuôn vàng thước ngọc”. Giáo dục cần sự ổn định, nhưng thực tiễn lại đòi hỏi phải đổi mới liên tục.
Vậy vấn đề đặt ra là đổi mới như thế nào để vừa đáp ứng được nguyên tắc, chuẩn mực của nghề, đồng thời đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành, của xã hội? Đây là điều mà ngành phải tính, phải nhận thức thật sự thấu đáo để làm đúng. Là lãnh đạo quản lý, chúng ta phải tạo điều kiện, môi trường để các thầy cô đạt được cả hai yêu cầu này.
Bác Hồ nói về giáo dục đã căn dặn: “Dạy mẫu giáo trước tiên phải dạy giữ mãi sự hồn nhiên cho các cháu”. Đây như một tuyên ngôn của ngành Giáo dục mầm non. Và câu hỏi đặt ra là chăm sóc, dạy dỗ kiến thức nhưng phải làm sao giữ được sự hồn nhiên cho các cháu?
Hiện nay chúng ta có dạy cứng nhắc theo giáo trình, dạy trẻ nói giọng của người lớn, tư duy theo kiểu người lớn hay không? Có đặt ra yêu cầu dạy kiến thức, những điều quá lớn với giáo viên mầm non hay không?
“Các cô giáo phải làm sao để gìn giữ, duy trì sự hồn nhiên của lớp thế hệ công dân trong tương lai. Đó là những vấn đề chúng ta phải trăn trở, tư duy”, TS. Lê Duy Thành bày tỏ.
"Giáo dục phải dạy những gì? – Giáo dục phải dạy kiến thức gì hết sức cơ bản của con người. Đạo đức là toàn bộ nền tảng của Giáo dục tiểu học" – đó là lời của Bác Hồ. “Cho đến giờ, mặc dù đã hơn 50 tuổi nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được những tiết học cấp 1. Tôi xin khẳng định, những thầy cô giáo cấp 1 là những người đi vào tâm khảm của học sinh lâu nhất, nhớ nhất, và những tiết học mà chúng tôi nhớ nhất lại là những tiết học Đạo đức”, TS. Lê Duy Thành chia sẻ.
Những câu chuyện mà cứ cuối giờ, gấp sách bút lại, cô giáo dành một thời gian đọc, kể cho chúng tôi một câu chuyện về đạo đức. Những câu chuyện mà nghe có vẻ rất đơn giản nhưng nó lại làm cho chúng ta nhớ mãi, như câu chuyện: Tô mỳ của người lạ, giáo dục chúng ta về tình cảm, ứng xử đối với cha mẹ. Câu chuyện nhỏ, rất đơn giản, ngắn gọn thôi nhưng có thể nhớ mãi. Nó thay cho rất nhiều bài học khác.
TS.Lê Duy Thành đề nghị, ở bậc Tiểu học, giáo viên phải truyền giảng, dành cho các em - lứa, lớp công dân sau này, có kiến thức, có sự nhân văn trong tâm khảm của mình. Có một nhà sư phạm đã nói: “Giáo dục đại học là nơi đầu tiên của hội nhập, nhưng Giáo dục tiểu học lại là nơi cuối cùng của gìn giữ bản sắc văn hóa, đạo đức của con người”. Như vậy, muốn dạy một con người có đạo đức thì phải đưa ngay vào chương trình ở bậc Tiểu học.
Những câu chuyện mà TS. Lê Duy Thành khắc ghi từ khi còn tiểu học, giờ đây vẫn dành thời gian để dạy cho con. Có thể không thay đổi chương trình giảng dạy, nhưng cũng cần xen kẹp, tích lũy cho các em những vốn sống cao quý đó vào những buổi dạy, những tiết học.
“Tôi thực sự mong muốn chúng ta có một nền giáo dục nhẹ nhàng, nhưng đi sâu vào tâm khảm của các em”, TS. Lê Duy Thành bày tỏ.
TS. Lê Duy Thành cho rằng, với học sinh trung học, bên cạnh việc dạy kiến thức cơ bản thì cần dạy thêm cho các em các kỹ năng khác, như bản lĩnh, kiên trì, ứng phó trước sóng gió, sự thay đổi của cuộc sống. Trước tiên là dạy cho các em có khả năng, sau này ra trường làm thợ. Tại sao chúng ta đang duy trì tỉ lệ ngày càng cao hơn học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp THPT chính vì mục tiêu này.
Những vấn đề liên quan đến ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống, theo TS. Lê Duy Thành là hai vấn đề cơ bản. Nếu chúng ta biết cách làm, biết cách xã hội hóa thì cũng rất thuận lợi. Ngoại ngữ để giúp con trẻ có thêm một font văn hóa, có thêm tư duy và kiến thức, có thêm khả năng tiếp cận với thế giới bên ngoài, mở ra cơ hội rất lớn về công việc trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay.
“Chúng tôi mong muốn giáo dục làm sao để sau này các em học sinh tốt nghiệp THPT có nhiều cơ hội phát triển bản thân, thậm chí nếu không sống tại quê hương thì có thể sang các nước trong khu vực và thế giới để sống và làm việc. Đơn cử, Philippines là đất nước lạc hậu hơn chúng ta nhưng người dân thậm chí không sống ở đó thì họ sang Anh tìm việc làm, vì họ có một thứ-đó là ngoại ngữ”, TS. Lê Duy Thành nói.
Còn kỹ năng sống là giúp trẻ em chống chọi, ứng phó được các thay đổi, các nguy hiểm, sinh tồn. Rất nhiều câu chuyện trẻ em thoát chết, sống sót vì được đào tạo kỹ năng thoát nạn. Đấy là kỹ năng sống.
Bố mẹ sẵn sàng nộp 50.000 - 100.000 đồng/tháng để các con được học, được tiếp cận những cái đó. TS. Lê Duy Thành mong mỏi và đề nghị lãnh đạo HĐND, UBND quan tâm tạo cơ chế cho phép các trường thu tiền để đào tạo các nội dung đó cho các em. Bởi không ở đâu khác, đào tạo kỹ năng sống trong nhà trường là tốt nhất.
Bạo lực học đường là vấn đề rất nóng hiện nay. Trước đây chúng ta đi học có hiện tượng đó không? Có, nhưng không đến mức như bây giờ. Nhiều trường hợp học sinh bây giờ chứng kiến các bạn đánh nhau không can ngăn, không báo cáo thầy cô, không cầu cứu người lớn ngăn cản. Tại sao các em lại như thế? Chúng ta phải làm sao để các em có chỗ dựa, được chia sẻ. Ngoài bố mẹ, các thầy cô phải làm sao để khi gặp bất kỳ trắc trở nào, các em cũng sẽ tìm đến.
Bạo lực học đường không chỉ là giữa trò với trò, mà ngày nay còn giữa trò với thầy, thầy với trò, phụ huynh với thầy, thậm chí có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa thầy với thầy. Có hay không vấn đề trầm cảm, tệ nạn xã hội, lạm dụng tình dục và cả bạo lực gia đình đối với các em không? Nếu học trò nào có sự thay đổi tính nết, hành vi, các thầy cô quan tâm, yêu thương, phát hiện ra thì các thầy sẽ làm thế nào, phản ứng ra sao, gọi cho ai?
“Tôi xin khẳng định, môi trường giáo dục của Vĩnh Phúc không chấp nhận bạo lực học đường dưới mọi hình thức. Nếu có vi phạm thì những trường hợp đó khó có thể đứng được trong đội ngũ chúng ta. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, dứt khoát Giám đốc Sở GD&ĐT phải đặt vấn đề lên bàn hội nghị, hội thảo, phải tìm, soi, xem có hay không, phải nhận dạng nó và tìm ra giải pháp cho tất cả vấn đề này”, TS. Lê Duy Thành nhấn mạnh.
TS. Lê Duy Thành đánh giá, môi trường Giáo dục của chúng ta hiện vẫn còn những khiếm khuyết, cần phải được lấp đầy, một trong số đó là vấn đề bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh yếu thế, học sinh khuyết tật, mồ côi, đặc biệt là học sinh tự kỷ.
Có những học sinh tự kỷ hành động bột phát trong lớp học, gây nguy hiểm cho các bạn, nhưng chúng ta không tách bạch các em đó ra được. Vấn đề này chúng tôi đặt ra với ngành, trong năm tới cần phải đặt lên bàn để nghiên cứu, đề xuất.
Nếu có tách bạch thì phải có đề án, chương trình cụ thể để xây dựng được môi trường riêng cho các em có chỗ học tập và vui chơi, thậm chí cần phải đầu tư hơn vì các em đó là đối tượng thiệt thòi.
TS. Lê Duy Thành đặt câu hỏi, gian lận trong thi cử, tiêu cực trong ngành, từ xin điểm, cất nhắc, đề bạt, chuyển trường, có hay không có? Đây là vấn đề cần đặt lên bàn để trả lời, xem xét. Phải khẳng định được với xã hội là chúng ta thật sự không có những chuyện đó. Nếu như có “mầm mống” ở đâu thì phải xử lý triệt để ngay.
Phải làm thế nào để môi trường này thực sự trong sạch, minh bạch, đào tạo ra những con người có Đức, Trí, Thể, Mỹ. Bởi tiêu cực ở một ngành, một lĩnh vực khác chỉ ảnh hưởng đến phạm vi con người, cá nhân ngành đó, nhưng tiêu cực trong ngành giáo dục, sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
“Đơn giản như chuyện phụ huynh đi chơi, đến nhà thầy cô giáo. Tôi không muốn nói là chúng ta không nhận quà hay gì khác, nhưng những món quà trân trọng, trân quý của mọi người đến với người thầy, khác với những món quà về vật chất mà thái độ, cách cho tặng không thật sự đúng. Chia sẻ điều này không phải phê bình mà chúng tôi mong muốn làm sao ta thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thầy cô phải thực sự trong sáng thì mới dạy, mới đào tạo ra được những công dân trong sáng”, TS. Lê Duy Thành thẳng thắn.
Đối với các thầy cô giáo, xã hội còn đòi hỏi ở người thầy một cái tâm, sự say mê sáng tạo, một phương pháp phù hợp, mới mẻ để học sinh thích, hiểu, “hấp thụ” được kiến thức một cách hứng thú nhất; đòi hỏi một cách tiếp cận làm sao vừa gần gũi, vừa chân thành nhưng vẫn nghiêm túc để học sinh muốn đến trường, muốn học tập và tự tin phát triển bản thân.
Đó đều là những điều khó khăn, vất vả mà chúng tôi muốn chia sẻ với những người đã chọn sự nghiệp đứng trên bục giảng, nhưng đấy cũng chính là những điều mà học sinh, phụ huynh, nhân dân và lãnh đạo tỉnh mong muốn, yêu cầu, đòi hỏi.
Trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chúng ta đã làm rất tốt, nhưng TS. Lê Duy Thành mong muốn ngành Giáo dục thấm nhuần và phát huy, tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đây là nội dung quan trọng. Vì trong dạy và học thì học quan trọng hơn. Trong học thì tự học là vô cùng quan trọng. Muốn tự học được thì phải có ý thức, có mong muốn. Công tác khuyến học đóng góp quan trọng vào điều đó.
Vấn đề TS. Lê Duy Thành tâm huyết, quan tâm, đề nghị các thầy cô, đặc biệt là lãnh đạo Sở GD&ĐT, đó là thu hút đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT và hội nhập trong giáo dục. Nhiều năm nay, chúng ta có tình trạng là thiếu giáo viên, thiếu tiền đầu tư cho giáo dục, nhưng việc thiếu giáo viên chỉ một phần do chính sách, cái chính là chúng ta chưa làm tốt, chưa xây dựng được cơ chế xã hội hóa giáo dục. Nếu giáo dục chỉ trông mãi bằng chi ngân sách thì chúng ta sẽ mãi là giáo dục nghèo.
“Tôi học Kinh tế, là người ngoại đạo với Giáo dục, nhưng có thể khẳng định, không có một ngành nào chỉ trông vào ngân sách để phát triển. Cho nên, để thu hút đầu tư, xã hội hóa giáo dục thì phải làm ngay từ mỗi nhà trường, mỗi gia đình. Đơn giản nhất là mỗi gia đình có thể đóng góp để con em học ngoại ngữ hay kỹ năng sống”, TS. Lê Duy Thành nói.
Hình thức xã hội hóa hiệu quả nhất là thu hút các trường tư có thương hiệu về đầu tư. Chúng ta có trường công lập nào nếu dành được khu đất đấy cho các trường tư nói trên thuê, để họ mang Trí, mang Lực, mang Tài về đào tạo cho con em chúng ta, thì thứ nhất, chúng ta thu được tiền. Thứ hai, ngân sách không phải trả lương cho toàn bộ giáo viên của trường đó. Thứ ba, chất lượng giáo dục họ mang từ thế giới về đây dạy con em chúng ta, thay vì áp lực thầy cô giáo vừa dạy học, vừa “cõng” các kiến thức từ Mỹ, Pháp, Canada về đây.
Việc có nhà đầu tư bỏ ra vài trăm tỷ để đào tạo cho 200-300 học sinh, chúng ta sẽ nhẹ gánh đi rất nhiều. Tư duy đấy sẽ phải thay đổi trong ngành Giáo dục. Thậm chí, có thể mời 1 trường của Mỹ về đây để họ dạy cho con em mình thì rõ ràng họ lại làm thuê cho mình, vừa giảm gánh nặng về ngân sách, cũng là một trong những cách để nâng tầm giáo dục chúng ta lên.
Đây là kỹ năng trong kinh tế người ta gọi là đứng trên vai những người khổng lồ. “Thu hút đầu tư trong giáo dục là vấn đề mà ngành Giáo dục trong nhiệm kỳ này phải quan tâm, đề xuất, dành quỹ đất, tiếp cận, thu hút các trường, trung tâm, cơ sở về đây”, TS. Lê Duy Thành nhấn mạnh.
Hội nhập trong giáo dục hiện nay, là vấn đề TS. Lê Duy Thành cho rằng rất cấp thiết. Trong điều kiện thế giới phẳng hiện nay, chúng ta đào tạo ra các công dân, phải là công dân quốc tế. Ngành Giáo dục trả lời giúp tôi, năm nay có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp cấp 3 đủ khả năng vào các trường thế giới, bao nhiêu phần trăm học sinh Vĩnh Phúc đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế? Chúng ta cần phải theo dõi chỉ số này.
Thực tế, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh thu hút đầu tư rất tốt, thể hiện qua con số nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, con số nộp thuế thu nhập cá nhân có thể nói là cao nhất toàn quốc. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách nộp thuế thu nhập cá nhân, người Vĩnh Phúc rất ít.
Như vậy, những người làm việc và thu nhập cao, nộp thuế nhiều đều ở nơi khác đến, trong khi chúng ta đào tạo ra những con người rất giỏi nhưng lại không biết đang ở đâu. Nói cách khác, chúng ta đào tạo ra các em rất tốt nhưng sau đó thì việc tái thu hút, sử dụng các em, quay trở lại không tốt.
Vẫn theo TS. Lê Duy Thành, tất cả vấn đề nêu trên là từ yêu cầu của xã hội đối với ngành Giáo dục, với các thầy cô. Nhưng có một thứ đề nghị lãnh đạo HĐND, UBND phải quan tâm, đó là nhìn vào thu nhập thực tế của các thầy các cô xem hiện nay đã thật sự tương xứng với thu nhập của xã hội hay chưa? Khi xã hội phát triển đi lên thì thu nhập đấy đã thực sự phù hợp chưa?
Chế độ lương đã có quy định nhà nước, nhưng còn những thu nhập khác, cơ hội khác, điều kiện khác thì đó là những gì? Ngành Giáo dục phải đề nghị, phải quan tâm. Xã hội có quyền đòi hỏi, yêu cầu các thầy cô nhưng chúng ta cũng có quyền đòi hỏi xã hội.
Trong suốt thời gian dịch COVID-19, tất cả đối tượng được quan tâm từ xe ôm, người bán hàng rong, nhưng riêng có một nhóm là giáo viên mầm non tư thục, thu nhập 1 tháng được 3 triệu nghỉ dạy 6-7 tháng thì đã tổng hợp chưa, đã đề xuất hỗ trợ chưa. Đây là vấn đề đặt ra.
Có thể bạn quan tâm
10:23, 05/09/2021
11:53, 05/09/2021
05:00, 05/09/2021
04:00, 03/09/2021
01:04, 04/09/2021
19:53, 28/08/2021