Nghiên cứu - Trao đổi

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ

Yến Nhung 22/10/2024 03:00

Để thúc đẩy phát triển mạnh khoa học và công nghệ, các chuyên gia đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy, trong xu thế hội nhập hiện nay, khoa học và công nghệ là chìa khóa, là yếu tố quyết định giúp cho việc rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đưa Việt Nam bắt kịp với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ, đặc biệt là ban hành Luật Khoa học và công nghệ năm 2013. Nhờ đó, đã thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam, kinh tế - xã hội của đất nước đã có những bước tiến đáng kể, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, quốc phòng và an ninh được củng cố.

Việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một yêu cầu tất yếu của Việt Nam mà còn là một nhiệm vụ chiến lược - Ảnh minh họa: ITN
Thực tế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, chính sách pháp luật trong lĩnh vực này đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp. Bên cạnh đó, thực tế, doanh nghiệp trong nước còn ít quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ; đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ còn thấp, cơ cấu chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn thiếu về số lượng...

Trước thực tế nêu trên, để thúc đẩy phát triển mạnh khoa học và công nghệ, các chuyên gia đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, chú trọng đồng bộ các nhóm chính sách về đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; đổi mới hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; phổ biến tri thức; phương thức triển khai chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ; sử dụng ngân sách, thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng; phát triển thị trường khoa học công nghệ…

Nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ, TS Hoàng Kim Khuyên, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cần chú trọng tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, đầy đủ thúc đẩy phát triển các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập, đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư phát triển các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập, có cơ chế tự chủ về nhân sự, tài chính…

Bên cạnh đó, TS Hoàng Kim Khuyên cũng kiến nghị, cần chú trọng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao; bồi dưỡng, phát triển nhân tài; xây dựng chính sách liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà gồm nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất; tăng cường chức năng nghiên cứu ngay tại các trường đại học, học viện.

"Việc hoàn thiện các quy định cũng phải bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật và quy định sửa đổi cần đáp ứng được yêu cầu về tính thích ứng nhanh với những biến đổi không ngừng của thực tiễn...", TS Hoàng Kim Khuyên bày tỏ.

khoahoccongnghe (1)
Để thúc đẩy phát triển mạnh khoa học và công nghệ, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này - Ảnh minh họa: ITN

Được biết, theo dự kiến, Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Góp ý sửa Luật, TS Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, mặc dù “khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu” nhưng chính sách chưa thực sự tương xứng. Dù nhiều quy định trong Luật Khoa học và công nghệ hiện hành rất tiến bộ nhưng lại chưa khả thi, chưa phát huy được hiệu quả trên thực tế.

“Do đó, lần sửa đổi này, trong chính sách phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy quản lý tài chính. Bên cạnh đó, đối với 3 chuyên ngành khoa học, gồm khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn và thị trường khoa học cũng cần có chính sách riêng, phù hợp với đặc thù”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, ngoại trừ một số tập đoàn lớn, chưa có động lực hoặc sự sẵn sàng để đầu tư vào khoa học và công nghệ do lo ngại lợi ích từ đầu tư này sẽ chỉ thu được trong một khoảng thời gian dài, chứ không phải ngay lập tức.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ lần này cần có những chính sách để tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội.

“Trước tiên, Nhà nước sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và kết nối các trường đại học với doanh nghiệp. Thứ hai, cần thiết lập các cơ chế khuyến khích, như ưu đãi thuế và giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu và nguồn đầu tư xã hội, Luật Khoa học và Công nghệ cần được sửa đổi toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động nghiên cứu và phát triển của toàn xã hội vào trong Luật, không chỉ dựa vào các quy định hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO