Hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phía Nam

Diendandoanhnghiep.vn Việc hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được đề xuất đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025, đang mở ra cơ hội thúc đầy tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hàng loạt dự án được đề xuất đầu tư

Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố thống nhất chủ trương đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên 6 dự án kết nối với tỉnh Long An, bao gồm: Đường mở mới phía Tây Bắc; Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã ba Giòng - cầu TL9) và xây dựng cầu Lớn; Đường Võ Văn Kiệt nối dài, huyện Bình Chánh; Quốc lộ 50 đi qua huyện Bình Chánh; Đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TP.HCM nối Đường tỉnh 826 C, huyện Cần Giuộc, Long An; Đường song song Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Tổng vốn đầu tư các dự án này vào khoảng 21.510 tỷ đồng. 

Hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phía Nam.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phía Nam. (Ảnh Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận).

Bên cạnh đó, Sở GTVT TP.HCM cũng đã bổ sung 5 tuyến đường có tổng chiều dài hơn 239 km vào quy hoạch phát triển giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các tuyến giao thông kết nối được đề xuất bổ sung gồm: đường ven hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) nối với sông Sài Gòn (TP.HCM); đường nối từ nút giao Gò Công (Tiền Giang) qua sông Đồng Nai kết nối QL20, QL1; đường nối QL14 với Chơn Thành (Bình Phước), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), Thuận An (Bình Dương) và cao tốc Gò Dầu - TP.Tây Ninh - Xa Mát (Tây Ninh)...

Và mới đây nhất, lãnh đạo 2 địa phương là TP.HCM và Bình Phước đã có buổi làm việc để thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có chiều dài 70km, với tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng, theo hình thức PPP. Trong số đó, dự kiến vốn nhà nước là khoảng 47%, tương đương 17.000 tỷ đồng, số còn lại là của nhà đầu tư.

Dự án này được phê duyệt tại Quyết định số 568/2013 của Thủ tướng, trong đó điểm đầu là QL14 ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) và điểm cuối là nút giao Gò Dưa (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chiều dài toàn tuyến 70 km, mặt cắt ngang 60 m. Bình Phước đề xuất bổ sung tuyến nối từ QL14 đến tỉnh lộ 752B dài khoảng 4 km để kết nối với cửa khẩu Hoa Lư.

Ngoài ra, đường vành đai 3, đường vành đai 4; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây… cũng được đề xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 để theo kịp tốc độ phát triển của TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

TP.HCM được đánh giá là trung tâm kinh tế của cả nước cũng như của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM và các địa phương trong vùng đang là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển, giao thương kinh tế giữa TP.HCM với các địa phương trong vùng.

Giao thông ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết.

Giao thông ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết.

Đơn cử như đối với tỉnh Long An, địa phương được xem là cửa ngõ phía Tây của TP.HCM, đi các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, hiện hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM và Long An nói riêng và với các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung còn khá bất cập, cản trở sự phát triển của toàn vùng.

Do đó, nếu đề xuất của Sở GTVT TP.HCM được chấp thuận, trong những năm tới hạ tầng giao thông giữa TP.HCM và tỉnh Long An sẽ được đầu tư hoàn chỉnh. Điều đó không chỉ tạo điều kiện phát triển cho tỉnh Long An, mà còn cho cả vùng Tây Nam bộ.

Giới chuyên gia cho rằng, hạ tầng giao thông kém phát triển khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM và ngược lại tăng cao hơn so với các nước, làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đối với các thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, còn làm mất đi cơ hội thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng.

TS. Dương Như Hùng - Khoa Quản lý công nghiệp,Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, hạ tầng giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã ì ạch quá lâu. Nếu mạng lưới giao thông trên được triển khai và hình thành theo đúng kế hoạch, giai đoạn 2025 - 2030 khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có một cuộc “lột xác” về dung mạo, thay đổi rất lớn về đô thị và kinh tế.

“Hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phía nam rất nhiều. Chi phí logistics giảm, các doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ tăng lợi thế cạnh tranh, tiếp cận thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn, người dân cũng sẽ hưởng lợi lớn khi chi phí đi lại, giá cả hàng hóa giảm. Đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID-19, các nước đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn nếu nhanh chóng giải quyết bài toán giao thông”. TS. Dương Như Hùng nhận định.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phía Nam tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714008822 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714008822 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10