Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Cần kết hợp quản lý rủi ro tài chính và công nghệ mới

GIA NGUYỄN 07/06/2024 04:00

Để đảm bảo quyền lợi người dùng và minh bạch hóa thị trường, góp ý hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tiền ảo, một số ý kiến cho rằng, cần kết hợp quản lý rủi ro tài chính và công nghệ mới...

>> Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Phải có ứng xử phù hợp

Một báo cáo từ cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A vừa công bố cho thấy, trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền kỹ thuật số (tiền số, tiền mã hóa) lớn nhất thế giới thì Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Cụ thể, trong năm 2023 vừa qua, Việt Nam có gần 21 triệu người sở hữu tiền số, chiếm tỷ lệ 21,2% dân số.

Đáng nói, tại Việt Nam, mặc dù chưa có quy định pháp lý liên quan đến hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tiền số, tài sản ảo… thế nhưng, các hoạt động đầu tư, mua bán tiền số như: Bitcoin, Ethereum và hàng loạt đồng tiền số khác vẫn diễn ra nhộn nhịp trên không gian mạng.

trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền kỹ thuật số (tiền số, tiền mã hóa) lớn nhất thế giới thì Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau UAE - Ảnh minh họa: ITN

Trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền kỹ thuật số (tiền số, tiền mã hóa) lớn nhất thế giới thì Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau UAE - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, việc cấm giao dịch hay cấm các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo hoạt động là không khả thi. Thay vào đó, cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền.

Theo ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), việc xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo, nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo cần có sự kết hợp giữa các kinh nghiệm thực tiễn từ ngành tài chính truyền thống, đặc biệt, là các nguyên tắc quản lý rủi ro của ngành tài chính truyền thống với chuyên môn sâu về các công nghệ mới.

Trong đó, các nguyên tắc tuân thủ cơ bản như: Hiểu khách hàng của bạn; Hiểu doanh nghiệp của bạn; Hiểu trung gian của bạn; Hiểu giao dịch của bạn;... trong ngành tài chính truyền thống cũng cần phải được áp dụng đối với lĩnh vực quản lý tài sản ảo nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng, sự bền vững của hệ thống và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

>> Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Phải đánh giá kỹ khả năng quản lý, giám sát

Theo chuyên gia, để hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tiền ảo,

Theo chuyên gia, để hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tiền ảo, cần kết hợp quản lý rủi ro tài chính và công nghệ mới - Ảnh minh họa: ITN

Còn theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tài sản ảo và các hoạt động xung quanh đó là một thực tế xã hội đã và đang tồn tại quy mô lớn ở Việt Nam và trên toàn cầu. Tài sản ảo cũng có thể được coi là một trong nhiều sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình phát triển của xã hội hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của con người.

“Chính sự hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ của người dùng trên toàn cầu và Việt Nam cho thấy sự sáng tạo này đã phần nào đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã hội. Các ý tưởng sáng tạo thưởng đi trước sự phát triển của khung pháp lý vả luôn mang đến cả những tác động tích cực và tiêu cực đối với xã hội. Vì vậy, việc hình thành khung pháp lý là cần thiết và nên được làm sớm để bảo vệ người dùng chân chính, tận dụng tối ưu các lợi thế của công nghệ mới cho sự phát triển của xã hội đồng thời hạn chế những tác động trái chiều”, ông Quỳnh chia sẻ.

Xoay quanh vấn đề về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, thông tin với báo chí trước đó, chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển cũng nhìn nhận, tại Việt Nam vẫn còn có sự mập mờ giữa tiền số và các mô hình Fintech (công nghệ tài chính). Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần phải có thông tin rõ ràng rằng, đồng tiền số quốc gia là một hình thức mới, tiền số cũng chỉ do Nhà nước độc quyền phát hành và quản lý. Trong khi đó, mô hình Fintech cũng như các loại hình thanh toán không tiền mặt chỉ là sử dụng công nghệ trong giao dịch mà vẫn dựa trên nền tảng là đồng tiền quốc gia.

“Khi chưa có sự phân biệt rõ ràng sẽ khiến nhiều cá nhân lầm tưởng rằng tiền số sẽ trở thành tương lai của tiền. Đồng thời, cùng với tâm lý đầu tư lướt sóng, tìm kiếm lợi nhuận cao trong ngắn hạn nên nhiều người đã lao vào xu hướng đầu tư này dù biết rõ chưa được phép ở Việt Nam.

Nhiều nước cũng đang tiếp cận nghiên cứu theo hướng có thể phát hành đồng tiền số quốc gia trên công nghệ mới. Việt Nam cũng ủng hộ các công cụ thanh toán an toàn, tiện lợi nhưng đó vẫn là đồng tiền chung của quốc gia, không phải là đồng tiền do cá nhân hay tổ chức nào tạo ra”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Đồng thời đề xuất, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu, công bố rõ ràng về khái niệm đồng tiền số nói chung. Từ đó, có thể xem xét cho phép ứng dụng đồng tiền số như một công cụ thanh toán trong các trường hợp đặc biệt, tương tự như một dạng token được sử dụng trong các sòng bài mà Chính phủ cấp phép và token chỉ được lưu hành trong sòng bài.

Đồng quan điểm đã nêu, không ít ý kiến cũng cho hay, để quản lý tiền số, tiền ảo trước hết Việt Nam cần đưa nội dung này vào trong Dự thảo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng hoặc xây dựng cơ chế riêng cho tiền số, tiền ảo.

Được biết, ngày 23/2/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5/2025.

Có thể bạn quan tâm

  • Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Phải có ứng xử phù hợp

    Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Phải có ứng xử phù hợp

    04:00, 06/04/2024

  • Thách thức phòng chống rửa tiền trên thị trường tiền ảo

    Thách thức phòng chống rửa tiền trên thị trường tiền ảo

    05:00, 30/03/2024

  • Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Phải đánh giá kỹ khả năng quản lý, giám sát

    Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Phải đánh giá kỹ khả năng quản lý, giám sát

    03:50, 30/03/2024

  • Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Nên có cách ứng xử phù hợp

    Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Nên có cách ứng xử phù hợp

    04:00, 15/03/2024

  • Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Cần nhận diện bản chất

    Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Cần nhận diện bản chất

    04:00, 06/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Cần kết hợp quản lý rủi ro tài chính và công nghệ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO