Thiếu vốn duy trì sản xuất, vay lãi suất cao để trả lương cho người lao động, thế nhưng hàng chục tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT vẫn bị "ngâm" đã khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa.
>>Hoàn thuế GTGT: Đảm bảo giải quyết đúng hạn
Đó là những chia sẻ của giới luật sư cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ, cao su, sắn… trước những bất cập về việc ngành thuế vẫn tiếp tục “ngâm” tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của doanh nghiệp trong suốt thời gian dài.
“Ngâm” đến bao giờ?
Đáng nói, mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính… nhằm gỡ vướng cho doanh nghiệp, thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn mỏi mòn chờ đợi tiền hoàn thuế GTGT và chưa biết khi nào mới kết thúc. Nhiều doanh nghiệp không chịu nổi đã tiếp tục gửi văn bản kêu cứu đi khắp nơi với mong muốn sớm được hoàn thuế GTGT để phục hồi sản xuất nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả. Đặc biệt, có những doanh nghiệp bị giam tiền hoàn thuế GTGT lên tới cả vài chục tỉ đồng, trong khi doanh nghiệp thì thiếu vốn để duy trì sản xuất, thậm chí phải đi vay lãi suất cao để trả lương cho người lao động, khiến nhiều doanh nghiệp hết đường xoay sở.
Theo bà Trương Thị Dung – Tổng giám đốc Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, cho biết hiện doanh nghiệp không còn nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất vì bị “ngâm” tiền hoàn thuế từ 3 năm nay và vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Các hồ sơ cũ giải quyết chưa xong thì hồ sơ mới lại tiếp tục phải chờ đợi để ngành thuế rà soát, khiến doanh nghiệp cụt vốn là ngoài sức chịu đựng.
“Tính đến nay, số tiền của doanh nghiệp không được giải quyết đã lên tới lên vài chục tỉ đồng. Con số này lớn hơn cả vốn điều lệ của công ty, và trên thực tế thì doanh nghiệp đang phải đi vay lãi để trả lương cho người lao động. Do đó, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần có giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành thuế nên đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ", bà Dung nói.
Tương tự, theo đại diện Công ty TNHH TM Yong Li Feng (TP.HCM), hiện nay doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT cho giai đoạn từ 2019 – 7/2022. Hồ sơ đã được nộp từ năm 2022 với số tiền đề nghị hoàn thuế là hơn 27 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, xác minh…
Cũng theo đại diện công ty Yong Li Feng, theo quy định, hồ sơ cũ chưa giải quyết xong thì hồ sơ mới cũng không thể nộp. Hiện hồ sơ xin hoàn thuế GTGT cho giai đoạn từ tháng 8/2022 đến hết năm 2023 của công ty đến nay đã lên tới hơn 70 tỉ đồng.
Còn theo ông Trương Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư cao su Việt Nam, hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT năm 2021 của doanh nghiệp với tổng số tiền gần 22 tỉ đồng thì đến nay cũng mới hoàn được 14,6 tỉ đồng. Số tiền thuế GTGT còn lại vẫn đang phải chờ kết luận từ phía cơ quan thuế.
Cũng theo ông Bắc, ngoài việc phải chờ giải quyết số thuế GTGT của năm 2021 thì hồ sơ xin hoàn thuế của năm 2022 đến nay đã lên tới gần 50 tỉ đồng. Số vốn bị ách tắc quá nhiều nên từ năm 2023, công ty đã phải tạm dừng hoạt động kinh doanh.
>>Doanh nghiệp chế xuất gặp “gánh nặng” thuế GTGT
Doanh nghiệp nên khởi kiện
Liên quan đến những bất cập trong việc hoàn thuế GTGT đối với ngành cao su, ông Huỳnh Văn Bảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, thông tin: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hội viên tại TP.HCM vẫn chưa được hoàn thuế với số tiền rất lớn. Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận được câu trả lời chung chung từ các cơ quan thuế là phải chờ rà soát hồ sơ.
“Nhiều doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động vì thiếu vốn do số tiền thuế quá lớn mà chưa được hoàn lại. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang bị áp lực trả lãi ngân hàng và đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng nợ xấu. Chưa kể, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp càng làm càng không hiệu quả vì phát sinh tiền thuế GTGT”, ông Bảo nói.
Phân tích các quy định về hoàn thuế, luật sư Nguyễn Duy Nguyên – Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao, cho rằng: Nếu chiếu theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính đã có hiệu lực từ ngày 29/9/2021, thì cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Trong đó, các quy định về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ hoàn thuế GTGT đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đúng thời hạn (06 ngày) làm việc đối với hồ sơ được phân loại hoàn thuế trước kiểm tra sau, và 40 ngày đối với hồ sơ được phân loại kiểm tra trước hoàn thuế sau.
Cũng theo luật sư Nguyên, trong bối cảnh hiện nay, ngành thuế nên đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để chia sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp, thay vì suy diễn, nghi ngờ doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm để trì hoãn việc hoàn thuế là thiếu thuyết phục.
“Nếu phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm, đủ cơ sở thì chuyển thẳng sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định", luật sư Nguyên nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, luật sư Nguyên cho rằng, trong trường hợp ngành thuế vẫn tiếp tục gây khó dễ để trì hoãn việc hoàn thuế thì doanh nghiệp cũng nên đưa vụ việc ra Toà án để giải quyết. Toà án là công tâm và cuộc chơi cũng cần sòng phẳng.
“Nếu doanh nghiệp đúng và hồ sơ hoàn thuế chậm đến thời điểm nào thì ngành thuế phải trả lãi cho doanh nghiếp đến thời điểm đó để thể hiện tính thượng tôn của pháp luật”, luật sư Nguyên nói.
Trước đó, ngày 28/3/2024 Tổng cục Thuế đã có văn số 1253/TCT-KK bản gửi cho Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc thực hiện quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp năm 2024. Trong đó, trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ hoàn thuế GTGT đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đúng thời hạn (06 ngày) làm việc đối với hồ sơ được phân loại hoàn thuế trước kiểm tra sau và 40 ngày đối với hồ sơ được phân loại kiểm tra trước, hoàn thuế sau kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo chấp nhận hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế); đảm bảo giải quyết hoàn thuế đúng đối tượng và trường hợp được hoàn theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế.
Có thể bạn quan tâm
03:37, 21/05/2024
15:00, 10/04/2024
15:40, 09/04/2024
02:00, 27/02/2024
00:30, 06/02/2024
13:00, 13/12/2023
05:11, 25/11/2023
14:49, 21/11/2023
15:46, 09/11/2023