Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ gia tăng với tốc độ nhanh trong năm 2018 khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần.
Trước tiên phải kể đến hoạt động rót vốn trị giá 45 triệu USD vào Lọc dầu Bình Sơn và PV Power của VinaCapital mới đây.
Kênh đầu tư hấp dẫn
Báo cáo mới nhất của Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc Tập đoàn VinaCapital, VOF đã chi ra gần 45 triệu USD để mua cổ phiếu của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) trong các đợt IPO của 2 đơn vị này tháng 1 vừa qua.
Theo đó, mức giá trúng thầu của VOF thấp hơn 4% so với mức giá bình quân 23.000 VND/cổ phiếu của thương vụ IPO Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Quỹ này đã nắm giữ 10% cổ phần chào bán với khoản đầu tư gần 25 triệu USD vào công ty này.
Ngoài ra, VOF cũng đã đầu tư hơn 20 triệu USD vào PV Power, công ty điện lực lớn thứ hai tại Việt Nam, với tổng công suất 4,2 GW trong một thị trường đầy tiềm năng với mức vốn hóa 1,5 tỷ USD. Đây cũng là một khoản đầu tư hấp dẫn với mức P/E ước tính là 11,5x ở mức giá khởi điểm là 14.400 VND (0,63 USD).
Trước đó, VinaCapital cùng Dragon Capital đã chi 11 triệu USD để mua 6 triệu cổ phiếu tương đương với 30% vốn điều lệ của FPT retail.
Trước đó, hai quỹ đầu tư khác là VinaCapital và Dragon Capital cũng đã chi 11 triệu USD để mua 6 triệu cổ phiếu tương đương với 30% vốn điều lệ của FPT Retail.
Năm 2017, Việt Nam cũng ghi nhận thương vụ thoái vốn đình đám của Sabeco với số tiền nhà nước thu về trị giá 4,8 tỷ USD. Mặc dù, ông chủ mới của Sabeco được công bố là một doanh nghiệp thuần Việt, tuy nhiên đứng sau doanh nghiệp này là một nhà đầu tư “sừng sỏ” Thái Lan sở hữu 49% vốn cổ phần. Sabeco được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một “con mồi” béo bở bởi chủ trương thoái vốn và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Việt Nam.
Chia sẻ rõ hơn về điều này, bà Catherine Wong Siow Pingthe, Đại sứ Singapore tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mở ra sự cạnh tranh trong một số lĩnh vực mà trước đây chỉ do Nhà nước nắm giữ. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến những bước đi gần đây nhất của Chính phủ về cổ phần hóa và thoái vốn”.
Việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động cổ phần hoá và thoái vốn cho thấy đây không chỉ là một kênh đầu tư hấp dẫn mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản trị.
Tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái
Những lợi thế này đã góp phần giúp Việt Nam thu hút được 6,19 tỷ USD thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2017, tăng 45,1% so với năm 2016. Trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc dẫn đầu dòng vốn FDI vào hoạt động góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị đạt 741 triệu USD, theo sau là Singapore đạt 611 triệu USD và Nhật Bản xếp thứ ba với tổng giá trị là 434 triệu USD.
Tuy nhiên, giá trị của hoạt động góp vốn, mua cổ phần từ dòng vốn FDI tính đến tháng 1/2018 có phần khởi sắc hơn, với mức tăng 54%, tương đương với 356 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017. Đây là kết quả có cơ sở khi dự kiến 181 doanh nghiệp nhà nước sẽ IPO, thoái vốn trong năm 2018, chiếm 70% tổng số đơn vị dự kiến sẽ được thoái vốn trong giai đoạn 2018 – 2020.
Trong đó, phải kể đến PV Oil dự kiến sẽ thoái 49% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược. Trong số các nhà đầu tư này có đến ¾ nhà đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài. Hay như Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng đã công khai các nhà đầu tư chiến lược cho 49% cổ phần dự kiến sẽ được mở bán vào tháng 4/2018. Được biết, đã có 2 trong số nhiều nhà đầu tư nước ngoài đó là World Petro của Mỹ và MacronPetro Petroleum đến từ châu Phi đã đặt mua trọn 49% cổ phần của công ty này.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng: “Vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, không chỉ vốn FDI, mà cả vốn đầu tư gián tiếp thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A), thoái vốn, cổ phần hoá. Những hình thức này chính là “tiền tươi, thóc thật”, khác với các khoản đầu tư FDI, còn có khoảng cách giữa vốn đăng ký và thực hiện”.