Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong hoàn cảnh này, chúng ta phải học cách sống chung và thích nghi với môi trường kinh doanh mới.
GS.David Orsmond, Đại học Macquarie (Australia) chia sẻ tại Hội thảo quốc tế lần thứ 3 về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh (CIEMB 2020), do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, ngày 18/11.
Theo GS.David Orsmond, xu hướng chung của chính sách tiền tệ là duy trì lãi suất thấp trong thời gian lâu hơn trong khi đó vai trò của chính sách tài khóa sẽ tăng lên, trong đó nợ công tăng là điều chắc chắn thấy.
“Vấn đề của các quốc gia là tiếp thêm sinh lực cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn với tính toàn diện và sự bền vững”, GS. David Orsmond nói.
Đánh giá về vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh ,GS. David Orsmond cho rằng, doanh nghiệp nên điều chỉnh thay đổi cơ cấu ngành. Chính phủ và doanh nghiệp cùng phải suy nghĩ với câu hỏi: “Làm thế nào để quản lý tốt hơn trong tương lai?
Trả lời câu này, GS. David Orsmond gợi ý, nên sẵn sàng cởi mởi với những ý tưởng mới và mở cửa cho thế giới, tăng tốc với công nghệ và nâng cao năng suất, bên cạnh đó là tăng chất lượng đào tạo để có lực lượng lao động chất lượng thúc đẩy triển vọng quốc gia.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS.Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân đánh giá, chúng ta đang ở giữa đại dịch COVID-19 và đây thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đại dịch đã gây chấn động cho nền kinh tế toàn cầu. Người dân lo lắng cho cuộc sống và kế sinh nhai. Nhiều cơ sở kinh doanh đã đóng cửa hoặc chờ khách quay lại. Các chính phủ đang giãn khả năng chi tiêu của mình. Và sự ổn định của hệ thống tài chính bị đe dọa.
“Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang tìm cách kiểm soát sự lây lan của COVID-19 trong khi hạn chế sự suy thoái kinh tế”, PGS.TS.Phạm Hồng Chương bày tỏ.
Trao đổi về những tác động của đại COVID-19 đến Việt Nam trong bài trình bày với chủ đề “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”, TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã nêu lên những vấn đề chính mà Việt Nam cần quan tâm, lưu tâm và hành động.
TS.Jacques Morisset nhấn mạnh, Việt Nam kiên cường trong chống dịch và trong phục hồi kinh tế. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia tăng trưởng dương. Việt Nam và Trung Quốc đang dẫn đầu với chỉ số công nghiệp đang tăng, các chuyến bay cũng dần tăng. Công việc và cuộc sống đã trở lại nhịp bình thường trong tinh thần nghiêm túc phòng bệnh.
“Việt Nam tiến triển tích cực hơn các nền kinh tế Đông Á khác. WB dự báo Việt Nam sẽ có tăng trưởng GDP tích cực trong giai đoạn 2020-2022. Nhưng “có khả năng phục hồi không có nghĩa là "không bị tác động", TS. Jacques Morisset cho biêt.
Vị Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng thông tin những con số mà Ngân hàng Thế giới đã thực hiện. Theo đó, Việt Nam đang đương đầu với những vấn đề như việc làm đang trở nên mong manh hơn, hơn 2,5 triệu người đang gặp khó khăn,1/3 số hộ gia đình (khoảng 7 triệu hộ) bị giảm thu nhập, không ít doanh nghiệp thì đang cạn kiệt tiền mặt. 50% các doanh nghiệp chỉ đủ tiền mặt để hoạt động trong 2 tháng trở lại. 16% các doanh nghiệp đã có nợ khó đòi và 31% dự kiến sẽ phát sinh nợ khó đòi trong vòng 6 tháng tới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có những rủi ro về tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn cần phải theo dõi chặt chẽ. Rủi ro tài khóa là thu ngân sách giảm (- 13%), chi ngân sách tăng (+8%), thâm hụt tăng (+6 tỷ USD) trong 9 tháng. Rủi ro về tài chính được chỉ ra là lợi nhuận của các ngân hàng thương mại giảm, nợ xấu tăng cao, tỷ lệ an toàn vốn thấp (chỉ có 18 trong số 46 ngân hàng tuân thủ Basel II). Rủi ro về xã hội là thêm nhiều người nghèo (2,5% hộ gia đình gần như mất tất cả), bất bình đằng gia tăng. Đề giải được các “nút thắt” đó, Việt Nam cần có chính sách và quản lý thuế phù hợp, quản lý đầu tư công, quản lý nợ để hiệu quả chi tiêu.
Vì vậy, WB cho rằng Việt Nam cần giám sát chặt chẽ và minh bạch Luật phá sản, tăng cường tái cấu trúc ngân hàng. Để giải quyết vấn đề xã hội, Việt Nam cần có chương trình hỗ trợ xã hội có mục tiêu, cùng với chính sách thuế hợp lý... Để đối phó với đại dịch COVID, các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới kỹ thuật số. Với 47% doanh nghiệp tăng cường sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, 7% doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp kỹ thuật, 5% doanh nghiệp cơ cấu lại các sản phẩm. Mức độ sử dụng nền tảng kỹ thuật số cao hơn trong số các công ty lớn và công ty dịch vụ. Thay đổi kỹ thuật số tập trung vào các chức năng front-end như bán hàng và phương thức thanh toán, ít phức tạp hơn và có chi phí thực hiện rẻ hơn.
Có thể bạn quan tâm
GS.TS Trần Thọ Đạt: Kinh tế số trong khu vực FDI thấp đáng “ngạc nhiên”
11:43, 13/09/2020
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG]: GS.TS Trần Thọ Đạt - Có nhiều cơ hội cho Việt Nam thực hiện khát vọng
17:05, 26/10/2019
GS.TS Trần Thọ Đạt: Nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra
13:23, 25/03/2019
GS.TS Trần Thọ Đạt: Việt Nam vẫn đang bứt phá khỏi vùng trũng tăng trưởng
13:05, 23/03/2018