Đầu tư cho ngành đường sắt Việt Nam thời gian tới rất lớn, với tổng vốn lên đến hơn 111 tỉ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước có nguy cơ đánh mất cơ hội này.
>>Đồng bộ chính sách phát triển ngành cơ khí: Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp
Làm thầu phụ với giá rẻ mạt
Phát biểu tại Hội thảo "Ngành công nghiệp cơ khí với việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam" sáng 19/12/2023, TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết nhu cầu đầu tư cho ngành đường sắt tới đây rất lớn.
Cụ thể, theo “Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tổng mức đầu tư gần 62 tỉ USD. Ngoài ra, là các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội với tổng mức đầu tư khoảng 37 tỉ USD và tại TP.HCM khoảng 12,6 tỉ USD. Đây cũng là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước nếu biết nắm bắt.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí trong nước thường không được tham gia hoặc tham gia rất hạn chế. Đồng thời, ngành cơ khí chế tạo thiết bị trong lĩnh vực đường sắt gần như chưa có và không thể phát triển được. Tại các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay, hầu hết gói thầu đầu tư, đang được các nhà thầu nước ngoài thực hiện theo hình thức EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng). Các nhà thầu nước ngoài chỉ thuê doanh nghiệp trong nước thực hiện một số hạng mục như: xây dựng, lắp đặt, chiếu sáng với giá rẻ mạt.
Trong nước có một số đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyên phục vụ sản xuất, sửa chữa, thay thế thiết bị như Công ty Xe lửa Gia Lâm, Công ty Xe lửa Dĩ An. Tuy nhiên, phần lớn đang hoạt động cầm chừng, sản phẩm chủ yếu trông chờ vào đơn đặt hàng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Khả năng đa dạng hóa để tham gia vào thị trường cơ khí còn yếu. Chi phí phụ tùng thay thế đầu máy, toa xe hàng năm vẫn phải nhập khẩu lên đến 80% nhu cầu.
Một số doanh nghiệp cơ khí khác trong nước hiện đã thực hiện những công việc khó tương tự tổng thầu với các dự án nhiệt điện, thủy điện, tuy nhiên việc làm tổng thầu các dự án này lại không liên quan gì đến ngành đường sắt. Do vậy, đến thời điểm này các doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn chưa tham gia chế tạo các hạng mục thiết bị cho ngành đường sắc mà chỉ làm các công việc đơn giản thầu phụ phần xây lắp từ các nhà thầu EPC nước ngoài.
Tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí
>>Điểm nghẽn của doanh nghiệp cơ khí
Việc nghiên cứu để nội địa hóa và cung cấp các thiết bị cho ngành đường sắt rất cần thiết, bởi đây là thị trường có tiềm năng lớn, góp phần tạo việc làm, nâng cao năng lực để ngành cơ khí trong nước phát triển. Tiến tới làm chủ sản xuất, tránh để thị trường lớn rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu có các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển hợp lý đối với ngành công nghiệp đường sắt, tỷ lệ nội địa hóa có thể đạt khoảng 80%.
Để các doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể tham gia sâu vào ngành đường sắt, theo TS Phan Đăng Phong, cần xây dựng cơ chế, chính sách, để cụ thể hóa vấn đề này như đầu tư tăng cường các cơ sở vật chất hiện đại, đủ khả năng thực hiện đóng mới, sửa chữa các thiết bị ngành đường sắt. Lựa chọn một số nhà thầu phù hợp để thực hiện EPC tại Việt Nam, kèm theo điều kiện nội địa hóa thiết bị theo lộ trình; chuẩn hóa lại các tiêu chuẩn quản lý, phần mềm quản lý chạy tàu để có sự thống nhất chung giữa các tuyến; xây dựng các cơ chế ưu đãi khác để khuyến khích nội địa hóa các thiết bị…
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), tiến sỹ Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, Việt Nam nhất thiết phải làm chủ việc xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt. Muốn vậy, trước hết cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho ngành đường sắt; xây dựng lộ trình tổng thể, thống nhất để nội địa hóa hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt quốc gia và đường sắt nội đô; xây dựng và ban hành các giải pháp, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chương trình phát triển hệ thống đường sắt...
Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) Lê Văn Tuấn đề nghị, Chính phủ cần có cơ chế riêng, rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước. Cần ban hành Nghị định quy định tất cả các hàng hóa, thiết bị vật tư trong nước đã sản xuất được thì không cho phép nhập khẩu. Công tác này phải được bổ sung, quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư cũng như bổ sung trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…
Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Đỗ Hữu Hào đề xuất, Nhà nước phải tạo ra thị trường và bảo vệ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước, thông qua các luật và văn bản dưới luật. Sớm sửa lại Luật Đấu thầu theo hướng có lợi hơn cho các đơn vị trong nước; có quy định mới về tài chính để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn, nhất là đối với doanh nghiệp cơ khí với đặc thù cần nguồn vốn dài hạn, lãi suất thấp; tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp...
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 8: Giải pháp nào cho Việt Nam?
05:30, 14/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 7: Nhìn sang… nước bạn
05:30, 13/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 6: Cần nhiều hơn vai trò kết nối - dẫn dắt
05:30, 12/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền
05:30, 11/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc
05:30, 10/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?
14:20, 09/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng
05:10, 08/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng
05:15, 07/11/2023