Hơn 6.000 tỷ đồng đã “bốc hơi” qua 58 doanh nghiệp ma là hồi chuông cảnh báo những “tử huyệt” trong hệ thống giám sát doanh nghiệp và thuế hiện nay…
Khi những dòng tiền bất hợp pháp có thể âm thầm luồn lách qua hệ thống kiểm soát, điều đáng sợ không chỉ là sự tinh vi của tội phạm. Đó còn là hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng chết người đã tồn tại dai dẳng trong cách thức quản lý doanh nghiệp và thuế hiện nay.
Ngày 25/4/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố Trần Thị Hoa cùng đồng phạm về hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn" theo Điều 203 Bộ luật Hình sự. Những gì phơi bày không chỉ là một vụ vi phạm pháp luật đơn lẻ, mà là sự thao túng có hệ thống đối với cơ chế vận hành pháp nhân và dòng tiền.
Chỉ bằng vài bộ hồ sơ hợp thức, một số USB Token và tài khoản ngân hàng, Trần Thị Hoa đã dựng nên mạng lưới 58 công ty "ma". Không nhà máy, không sản phẩm, những doanh nghiệp này tồn tại để phát hành hóa đơn khống. Tiền từ các doanh nghiệp cần “hợp thức hóa” chi phí được chuyển vào tài khoản công ty ma, sau đó nhanh chóng rút ra tiền mặt, kèm theo những hóa đơn điện tử ghi nhận giao dịch giả.
Số tiền “bốc hơi” tương đương ngân sách cả năm của nhiều tỉnh đã trôi qua hệ thống mà không để lại bất kỳ dấu vết thực chất nào. Một hệ thống lẽ ra phải kiểm soát từng dòng tiền, từng giao dịch, lại biến thành khán giả bất lực trước những thủ thuật hợp pháp hóa tinh vi.
Chỉ khi dòng tiền bẩn bốc hơi, hệ thống mới giật mình. Nhưng lúc ấy, những gì mất đi không chỉ là tiền.
Không có hành vi gian lận nào tồn tại nếu không có đất diễn. Vụ án Trần Thị Hoa là lát cắt phơi bày sự bất lực của hệ thống quản lý từ cấp phép doanh nghiệp, hậu kiểm đến kiểm soát hóa đơn điện tử.
Nhiều ý kiến phản ánh với Diễn đàn Doanh nghiệp, việc thành lập doanh nghiệp hiện nay gần như chỉ cần hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký. Xác minh thực địa, thẩm tra nhân thân, đánh giá năng lực tài chính, những khâu cần thiết để kiểm soát rủi ro lại gần như bị buông lỏng. Một cá nhân có thể đứng tên hàng chục doanh nghiệp mà không bị phát hiện. Một địa chỉ cũng có thể được đăng ký làm trụ sở cho hàng loạt pháp nhân ảo.
Hậu kiểm, lớp phòng ngự cuối cùng lại vận hành hình thức. Khi doanh nghiệp ma phát hành hàng nghìn hóa đơn điện tử khống, cơ quan quản lý chỉ kịp phát hiện khi dòng tiền đã rời khỏi hệ thống ngân hàng, ẩn mình trong các giao dịch hợp pháp bề ngoài.
Hóa đơn điện tử, từng được kỳ vọng như công cụ chống gian lận thuế, nay lại vô tình trở thành tấm bình phong che đậy những giao dịch ảo. Khi việc phát hành hóa đơn được tự động hóa nhưng thiếu đối chiếu giao dịch thực, những dòng tiền bất hợp pháp dễ dàng “luồn lách” qua các mắt lưới kiểm soát.
Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi thành lập doanh nghiệp ma, phát hành hóa đơn khống đã vi phạm nghiêm trọng Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đồng thời tạo ra những nguy cơ đứt gãy nền tảng quản lý tài chính – thuế quốc gia. Không chỉ thất thu thuế, những hành vi này còn làm méo mó môi trường kinh doanh, làm xói mòn lòng tin thị trường và triệt tiêu động lực cạnh tranh lành mạnh.
Phân tích với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Trần Hồng Tình – Giám đốc Công ty Luật Đức Trí An cho rằng, bản chất nguy hiểm nhất của những vụ việc như Trần Thị Hoa không chỉ là thất thoát nguồn thu thuế, mà là sự phá vỡ cấu trúc kiểm soát tài chính ngay từ bên trong hệ thống.
Theo bà, việc hình thành các pháp nhân ma và phát hành hóa đơn giả đã biến những công cụ quản lý, vốn được thiết kế để đảm bảo tính minh bạch, thành cánh cổng cho dòng tiền bất hợp pháp hợp thức hóa. Hệ thống thuế không chỉ bị thất thu, mà còn bị vô hiệu hóa chức năng sàng lọc rủi ro; hệ thống ngân hàng bị đầu độc bởi dòng tiền bẩn; các tiêu chuẩn kiểm soát tài chính quốc tế như FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính) cũng bị đe dọa.
“Nếu những dòng tiền bất hợp pháp tiếp tục luồn lách qua các pháp nhân ma mà không bị bịt chặt kẽ hở từ gốc, Việt Nam sẽ không chỉ phải đối mặt với nguy cơ tụt hạng tín nhiệm quốc gia, mà còn có thể rơi vào danh sách giám sát cao của các tổ chức tài chính quốc tế," bà nhấn mạnh.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) từng nhiều lần chia sẻ với báo chí, mỗi năm Việt Nam có hàng trăm nghìn doanh nghiệp được thành lập, trong khi lực lượng kiểm tra, giám sát không thể hậu kiểm đầy đủ. Đây chính là khe hở khiến doanh nghiệp "ma" nở rộ, lợi dụng hệ thống hóa đơn điện tử để thực hiện hành vi gian lận thuế và hợp thức hóa dòng tiền bất hợp pháp.
TS Huân nhấn mạnh, để bịt kín kẽ hở, cần bắt buộc doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán kết nối trực tiếp với cơ quan thuế. Khi mọi giao dịch tài chính được giám sát theo thời gian thực, doanh nghiệp "ma" sẽ không còn đất tồn tại.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến còn cho rằng, những gì “bốc hơi” trong vụ án Trần Thị Hoa không chỉ là con số 6.000 tỷ đồng. Đáng lo hơn, đó là sự bào mòn âm thầm của niềm tin vào tính công bằng, minh bạch và sức bền vững của hệ thống pháp lý – tài chính Việt Nam.
Nếu những lỗ hổng chết người không được bịt kín, nền kinh tế sẽ không chỉ mất thêm những dòng tiền, mà sẽ mất luôn những giá trị thật sự làm nên sức mạnh quốc gia.