Việc hợp nhất Hải Phòng - Hải Dương sẽ mở rộng không gian phát triển mới, tối ưu hóa nguồn lực, phát huy vai trò động lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Cộng hưởng thế mạnh
Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương có Kết luận số 555-KL/TUHP-TUHD về việc xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng; công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng sau hợp nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2030, 2 địa phương này đã khẩn trương thực hiện Kết luận số 555 về xây dựng Đề án hợp nhất 2 địa phương.
Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/4/2025 về việc hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Về phía tỉnh Hải Dương, HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND về việc thông qua chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng.
Như vậy, việc hợp nhất TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đạt được yêu cầu, mục tiêu cao trong việc sắp xếp đơn vị hành chính là mở rộng không gian phát triển, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng.
Theo đó, TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sau hợp nhất có diện tích tự nhiên 3.194,7 km2 và quy mô dân số hơn 4 triệu người, quy mô kinh tế lên tới gần 660.000 tỷ đồng.
Thực tế, cả 2 địa phương Hải Phòng, Hải Dương đều có những điểm chung, thế mạnh riêng. Cụ thể, TP Hải Phòng là trung tâm sản xuất công nghiệp, cảng biển lớn với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục 10 năm. Đến nay, Hải Phòng thu hút hơn 1.000 dự án FDI từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đạt 33,6 tỷ USD. Riêng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đã thu hút 22,9 tỷ USD, tương đương hơn 80% tổng vốn FDI của toàn thành phố. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt 64,3%, với tỷ suất đầu tư bình quân đạt 12 triệu USD/ha, cao gấp 3 lần mức trung bình cả nước. Cơ cấu công nghiệp - xây dựng của thành phố chiếm tới khoảng 53% GRDP, thu hút nhiều tập đoàn lớn.
Trong khi đó, tỉnh Hải Dương hiện có 610 dự án vốn đầu tư nước ngoài hoạt động với tổng vốn hơn 11 tỷ USD, nhiều khu công nghiệp lớn đang thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư. Tỉnh này đặt mục tiêu đến 2030 phát triển 33 khu công nghiệp, đặc biệt Dự án Khu kinh tế chuyên biệt tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện với tổng diện tích khoảng 5.300 ha.
Nhìn chung, về cơ cấu kinh tế, cả 2 địa phương đều có cơ cấu kinh tế tương đồng với tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều đạt trên 74%, là các địa bàn công nghiệp trọng điểm.
Đặc biệt, trong những năm qua, Hải Phòng, Hải Dương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng là 11,01%, xếp thứ nhất, Hải Dương đạt 10,2%, xếp thứ 3/11 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Quý 1/2025, cả hai địa phương ở trong tốp 9 địa phương tăng trưởng 2 con số của cả nước.
Những con số trên cho thấy, sau hợp nhất Hải Phòng, Hải Dương không chỉ tăng diện tích, quy mô dân số, tăng quy mô kinh tế mà sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế của nhau, làm tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và mở rộng không gian phát triển.
Tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng
Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Hải Phòng được định hướng trở thành thành phố cảng biển lớn, trung tâm dịch vụ logistics hiện đại, trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước. Còn tỉnh Hải Dương được định hướng đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Như vậy, việc hợp nhất tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng không chỉ xuất phát từ định hướng của Đảng, mà còn là cơ hội để TP Hải Phòng mới mở ra không gian phát triển mới, tối ưu hóa nguồn lực, phát huy vai trò động lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Từ đó xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ logistics hiện đại, phát triển bền vững và nâng cao đời sống của nhân dân.
Ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng chủ động nghiên cứu các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng và Hải Dương để đề xuất các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghiệp, đô thị để biến lợi thế của cả 2 địa phương, thành dư địa và động lực phát triển mới của thành phố trong tương lai. Thành phố tiếp tục tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng ưu tiên chất lượng, chiều sâu, có tính bền vững.
Còn theo ông Trần Đức Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, sự phối hợp chặt chẽ, hợp tác cùng đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và những kết quả nổi bật của từng địa phương trong những năm qua là tiền đề quan trọng, động lực để đơn vị hành chính mới sau hợp nhất tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững.
Được biết, bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, Hải Phòng tích cực phối hợp với Hải Dương để xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố. Về phía TP Hải Phòng, địa phương này cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc (trụ sở, nhà ở, chế độ chính sách…) cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sau khi sắp xếp, bảo đảm thông suốt.
Trước đó, để khẳng định động lực tăng trưởng của vùng, Hải Phòng, Hải Dương đã ký kết hợp tác phát triển, nhất là chú trọng xây dựng kết nối hạ tầng giao thông. Hải Phòng chủ động nguồn lực đầu tư, xây dựng cầu Dinh kết nối thị xã Kinh Môn (Hải Dương) và thành phố Thủy Nguyên, cầu Quang Thanh kết nối huyện Thanh Hà (Hải Dương) với huyện An Lão.
Các công trình giao thông này giúp kéo gần khoảng cách giữa hai địa phương, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại cho cả người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, khi chính thức sáp nhập, TP Hải Phòng mới sẽ có thêm cơ hội để quy hoạch giao thông, đô thị, khu công nghiệp… ở quy mô lớn, tạo dư địa, động lực phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng cao của vùng, cả nước.