Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đặt mục tiêu xây dựng 05 Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm.
Tuy nhiên 7 năm trôi qua kể từ khi Quy hoạch ra đời, các Trung tâm nghề cá lớn vẫn chưa được xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 203/QĐ-TTg thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban. Cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân đặt nhiều kì vọng Ủy ban này sẽ tìm ra cơ chế có tính đột phá giúp hạ tầng nghề cá phát triển hiện đại và xứng tầm.
Ông Hồ Trọng Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi: Theo Luật Thủy sản 2017, đến ngày 30/9/2020, nếu 4 cảng cá chỉ định không đáp ứng các tiêu chuẩn của cảng cá loại II, thì sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, hầu hết các cảng cá, cảng neo trú tàu cá của tỉnh mới đầu tư giai đoạn 1, nên chưa đồng bộ, thiếu trang thiết bị để bốc dỡ hàng hóa. Một số cảng chưa có nhà làm việc, diện tích đất không đảm bảo, chưa đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng như phòng, chống cháy, nổ. Mới đây, Sở NN&PTNT cũng đã tiến hành kiểm tra và đánh giá cụ thể mức độ hư hỏng, cũng như nhu cầu trang thiết bị tại 4 cảng cá, cảng neo trú chỉ định. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh bố trí 41 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp và sửa chữa cơ sở hạ tầng. Bởi nếu 4 cảng cá chỉ định bị đóng cửa, hệ lụy sẽ vô cùng lớn. Ông Trần Quang Khải, chủ tàu cá Quảng Trị số hiệu QT 90222 TS: Tàu của chúng tôi thường cập cảng cá sông Gianh, nhưng hiện cảng quá bé so với lượng tàu ra vào. Nhiều khi phải chờ đợi rất lâu mới được vào bốc dỡ hàng hóa, cũng như tiếp thêm nhu yếu phẩm. Bà con mong muốn nhà nước sớm đầu tư mở rộng cảng để tàu thuyền ra vào cảng dễ dàng hơn. Việc các cảng cá luôn trong tình trạng quá tải dẫn đến các cầu cảng xây dựng trái phép mọc lên. Theo số liệu của Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Bình, hiện nay có đến 70% tàu cá của tỉnh phải đi neo đậu các tỉnh bên ngoài, hoặc chấp nhận cập cảng tạm nguy cơ mất an toàn rất cao. |
Nhếch nhác vì “dựa” vào ngân sách
Thật buồn khi một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từng phải dùng đến hai từ “nhếch nhác” khi nói về thực trạng hạ tầng của ngành thuỷ sản Việt Nam.
Thừa nhận thực tế này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Chúng ta hiện có 146 cơ sở tránh thú bão thì mới thực hiện được 60%. Cảng cá cũng vậy. Tôi đi thực tế ở Bến Tre kiểm tra, cảng cá có 4 cái cột thì 3 cột bị gỉ sét cần phải làm lại. Nhiều chỗ cảng cá không còn có cả cái mái che để ngồi phân loại cá. Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch rất lớn, công nghệ còn hạn chế”.
Trên thực tế, đầu tư cho hệ thống này thời gian qua chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước nhưng nguồn kinh phí này là khá hạn chế trong bối cảnh ngân sách đầu tư công luôn “báo động đỏ”. Trong khi đó, việc tổ chức cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão còn phát triển mang tính tự phát, đơn lẻ, không đồng bộ, thiếu tính hệ thống nên chưa tạo được kết nối, hỗ trợ quản lý, điều hành, giám sát hoạt động khai thác hải sản.
Thậm chí, trong các cảng, bến cá và khu neo đậu tàu thuyền, các hạng mục lớn được đầu tư từ ngân sách nhà nước, còn lại các cơ sở dịch vụ hậu cần như cung cấp nhiên liệu, sản xuất cung cấp nước đá, đóng sửa tàu thuyền, kho bảo quản… thường do tư nhân thuê mặt bằng để tự đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, các hợp đồng cho thuê này chủ yếu còn mang tính “ngắn hạn” nên các hạng mục đầu tư cũng ít nhiều mang tính “tạm thời”. Nói cách khác, cho đến nay, một phần vì ngân sách Nhà nước khá hạn chế, một phần do ít thu hút được đầu tư từ những nguồn khác nên ngoài những cơ sở được Nhà nước đầu tư thì hệ thống CSHT thủy sản hầu như không phát triển được thêm, đặc biệt là với những hạng mục lớn như cầu cảng, bến neo đậu tránh trú bão hay kho bãi đủ tiêu chuẩn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện có gần 97.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Lượng tàu vỏ gỗ vẫn chiếm tới gần 99%, lượng tàu vỏ thép chỉ chiếm hơn 1%.
Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 83 cảng cá đã đi vào hoạt động tại 27 tỉnh thành phố ven biển trong đó chỉ có 25 cảng cá loại 1 (20 cảng loại 1 kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão) và 58 cảng loại 2. Đáng nói, chỉ có 9 cảng có thể đáp ứng yêu cầu của các tàu cá có công suất đến 1.000 CV và 2 cảng có thể đáp ứng các tàu có công suất đến 2.000 CV cập cảng.
Đáng nói, số cảng nhỏ và bến cá vẫn đang hoạt động nhưng chưa được thống kê còn khá lớn do hình thành tự phát. Hiện trạng này một mặt cho thấy công tác quản lí, vận hành và phát triển các CSHT cơ bản của nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với sự đầu tư mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Do đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất cũng khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như nguồn vốn đầu tư cần thiết.
Kém hấp dẫn đầu tư tư nhân
“Đầu tư và thu hút đầu tư phát triển cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá, cầu cảng, khu neo đậu tránh thú bão chưa đáp ứng yêu cầu. Cho đến nay, các dự án đầu tư có quy mô lớn và có khả năng đáp ứng các yêu cầu mới của thực tiễn sản xuất vẫn chủ yếu thuộc phạm vi đầu tư của Nhà nước, các nguồn lực từ tư nhân hầu như chỉ hướng đến các hạng mục nhỏ, dịch vụ thu hồi vốn nhanh như cung cấp nước đá, lương thực, dịch vụ ăn uống, bốc dỡ…”, ông Phùng Giang Hải, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) trao đổi với DĐDN. Để giải quyết tồn tại này, phát triển các mô hình tổ chức như hợp tác xã, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp… đảm bảo hoạt động khai thác và các loại hình dịch vụ hậu cần (dịch vụ công, dịch vụ kinh tế) được gắn kết với nhau thành chuỗi liên tục. Trong đó, Hợp tác xã nghề cá là hình thức được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Đặc biệt, để thực sự tạo được đột phá, phát triển các mô hình hợp tác công tư trong đầu tư phát triển CSHT nghề cá nhằm huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân đã được tính đến. Thực tế nhiều quốc gia đã áp dụng phối hợp đầu tư giữa khối kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển hậu cần nghề cá. Các hình thức như tương tác công tư (PPI), hợp tác công tư (PPC) hay đối tác công tư (PPP) đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong việc phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá.
Theo chuyên gia Phùng Giang Hải, ở Việt Nam, các mô hình này đều đã được thực hiện phần nào trong việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ hậu cần tại các bến, cảng cá. Nhà nước xây dựng, quản lý cảng cá, khối tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản tại các cảng cá. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chí cụ thể cho từng loại hình dịch vụ nên sự phát triển của các cơ sở này còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ không phát huy được hiệu quả trong thực tế phát triển và quản lý nghề cá.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiến nghị, cần có chính sách đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thuỷ sản thông qua áp dụng hình thức PPP. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là làm sao tạo cơ chế hấp dẫn khu vực tư nhân, khi đầu tư thì lớn nhưng thu về thì nhỏ giọt?
(DDDN sẽ tiếp tục vấn đề này)