Chủ tịch VCCI và Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước.
Ngày 06/11, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã có buổi tiếp Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Korhan Kemik tới thăm và làm việc.
Tại đây, ông Kemik đã khẳng định Việt Nam đang ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên toàn cầu. Quan hệ giữa hai nước đang phát triển rất tích cực trong thời gian qua, minh chứng qua chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm ngoái. Theo ông Kemik, đây là tiền đề để hai nước hợp tác, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại và đầu tư tương lai.
Một điểm nhấn khác trong quan hệ thương mại song phương là việc ra mắt Phòng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam (Turkcham) vào tháng 9/2024. Đây là cầu nối quan trọng, kết nối các doanh nghiệp của hai nước và thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả hơn.
Đặc biệt, ông Kemik nhấn mạnh về việc doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia xây dựng Dự án Sân bay quốc tế Long Thành. Đây là minh chứng rõ nét cho năng lực và uy tín của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định vị thế và tiềm năng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và thế giới. Ông cho biết Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng có thể hỗ trợ lẫn nhau, như công nghiệp, dệt may, chế tạo máy móc, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, cho tới nay kết quả giao thương vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng mỗi nước.
Do đó, thời gian tới Chủ tịch VCCI mong muốn Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với VCCI để tổ chức các sự kiện trao đổi thông tin, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và giới thiệu, kết nối doanh nghiệp. VCCI với vai trò là tổ chức hàng đầu đại diện cho gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam có thể giúp thương mại hai nước nâng cao đáng kể.
Về thương mại, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông và là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Nam Âu. Kim ngạch song phương năm 2023 đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ trong ASEAN.
Về đầu tư, tính hết năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Các dự án nổi bật đã và đang được triển khai gồm: Công ty Hayat Kimya đầu tư 250 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chất tẩy rửa, giấy vệ sinh... tại tỉnh Bình Phước; công ty Bora Lastik mua cổ phần của công ty Cao su Đà Nẵng.
Tháng 8/2023, Công ty IC Ictas (thuộc Tập đoàn IC Holdings) của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu Liên danh Vietur đã trúng gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc Dự án sân bay Long Thành.
Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền kinh tế phát triển đa dạng: công nghiệp khai khoáng, dệt may, chế tạo máy móc, điện gia dụng, chế biến thực phẩm, đóng tàu khá phát triển; ngành xây dựng và nông nghiệp phát triển mạnh. Ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất phát triển thu hút hơn 30 triệu khách du lịch mỗi năm.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ít nước trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương trong giai đoạn dịch COVID-19. Mặc dù nền kinh tế đối mặt với một số khó khăn, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là trung tâm kinh tế quan trọng hàng đầu khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, xây dựng, đầu tư, công nghiệp tiêu dùng... Với vị trí địa lý kết nối hai lục địa Á - Âu cùng vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ cho hàng hóa các nước thâm nhập vào thị trường Trung Đông và Nam Âu.