HSBC: Cần xem xét nguy cơ làn sóng Covid-19 mới đến phục hồi kinh tế

THY HẰNG 11/05/2021 03:00

Tác động của làn sóng Covid-19 mới có thể đặt ra rủi ro khi quá trình phục hồi trong nước mới vừa bắt đầu, điều này đáng được xem xét kỹ hơn.

fd

Tác động của dịch bệnh vẫn sẽ còn tiếp tục, nhưng sẽ phụ thuộc vào việc làn sóng Covid-19 mới này được kiểm soát nhanh như thế nào.

Báo của Vietnam At A Glance tháng 5/2021 vừa công bố của HSBC đánh giá cao kết quả hoạt động thương mại của Việt Nam. Xuất khẩu tăng với tốc độ ấn tượng 45% so với cùng kỳ trong tháng 4. Tất nhiên, một phần do xuất khẩu đã ở mức thấp nhất vào tháng 4 năm ngoái.

Lạm phát Việt Nam sẽ ở mức 3%

Sự bùng nổ của hàng điện tử (tăng 43% so với cùng kỳ) tiếp tục là động lực chính, xuất khẩu hàng dệt may và giày dép cũng đang trên đà phục hồi mạnh mẽ (tăng 38% so với cùng kỳ) do nhu cầu cải thiện từ phương Tây, một phần do các chương trình hỗ trợ tài chính hào phóng cho hộ gia đình. 

Kết quả chỉ số Nhà quản trị mua hàng - PMI cũng khả quan khi đã tăng lên 54,7 vào tháng 4, mức cao nhất kể từ cuối năm 2018. Các nhà sản xuất được cho là đã tăng lượng hàng tồn kho của họ để chuẩn bị cho việc tăng sản lượng trong những tháng tới (IHS Markit cho biết trong báo cáo ngày 4/5/2021), phản ánh niềm tin ngày càng tăng của họ vào sản xuất trong tương lai.

Điều đó cho thấy rằng, rủi ro Covid-19 vẫn là mối quan tâm lớn nhất vì các ca bệnh đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt với sự xuất hiện của các cụm dịch mới ở địa phương. Để đề phòng, các nhà chức trách đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp hạn chế các cuộc tụ tập đông người, và đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu ở các thành phố lớn. 

Tác động của dịch bệnh vẫn sẽ còn tiếp tục, nhưng sẽ phụ thuộc vào việc làn sóng Covid-19 mới này được kiểm soát nhanh như thế nào. Tuy nhiên, nó có thể đặt ra rủi ro khi quá trình phục hồi trong nước mới vừa bắt đầu, điều này đáng được xem xét kỹ hơn.

Trong khi đó, lạm phát tăng 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 4, phù hợp với kỳ vọng của HSBC nhưng thấp hơn một chút so với các dự báo trước đó. Lạm phát toàn phần giảm 0,04% so với tháng trước, với hầu hết các danh mục hàng hóa chính có giá tương đối ổn định hoặc giảm một chút, ngoại trừ chi phí vận tải tăng 0,9% so với tháng trước. Chi phí vận tải cũng tăng mạnh 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vì giá dầu từng sụt giảm mạnh vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, áp lực tăng giá đã được bù đắp bởi giá lương thực vừa phải. 

“Nhìn chung, áp lực lạm phát vẫn còn đó và chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tăng 3% vào năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4% của NHNN. Điều này sẽ tiếp tục cung cấp cho NHNN sự linh hoạt cần thiết để duy trì các chính sách tiền tệ”, HSBC lưu ý.

Tín dụng chảy vào lĩnh vực rủi ro

Các chỉ số thất nghiệp không tệ, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,4% trong quý 1/2021 từ mức cao nhất là 2,7% trong quý 2/2020; nhưng theo HSBC, tiền lương đã giảm lần đầu tiên trong những năm gần đây. 

Hơn nữa, một phần lớn trong thị trường lao động Việt Nam vẫn tập trung ở khu vực phi chính thức, họ có thể không được bao quát trong thống kê việc làm chính thức. Đây là trường hợp đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất đồ nội thất, dịch vụ nhà hàng và giải trí, nơi người lao động được bảo trợ rất ít.

Doanh nghiệp kỳ vọng dòng vốn sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng dòng vốn sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Và cấp bách hơn nữa, việc giải ngân các gói hỗ trợ, chẳng hạn như tiền mặt trợ cấp và hoãn thuế cho các doanh nghiệp hộ gia đình cần phải được đẩy nhanh, điều này sẽ hỗ trợ sự phục hồi nhanh chóng trong tiêu dùng của khu vực tư nhân.

Đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phân bổ tín dụng trong từng lĩnh vực, HSBC cho hay, các nhà chức trách đã liên tục kêu gọi dòng vốn tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất. Song, tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro hơn như bất động sản vẫn tăng tốc kể từ tháng 12/2020, khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn.

Trên thực tế, sau hàng loạt chỉ đạo từ các bộ ngành, địa phương và cảnh báo về việc “siết” tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bât động sản, chứng khoán, nhiều nơi đã có dấu hiệu "dứt" cơn sốt đất, tuy nhiên vốn cho doanh nghiệp sản xuất vẫn được cho là khó tiếp cận. 

Ông Nguyễn Văn Bình, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nhựa chia sẻ: “Nhu cầu vốn sản xuất của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Nhưng do chỉ tiêu tín dụng của ngân hàng được giao hạn chế, nên doanh nghiệp muốn vay nhiều cũng khó, hy vọng tới đây dòng vốn sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh”, ông Bình chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu kỳ vọng thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nắn dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn nữa. Như vậy, tín dụng sẽ không còn chảy mạnh vào lĩnh vực rủi ro.

Có thể bạn quan tâm

  • ADB cảnh báo nguy cơ bùng nổ "bong bóng" tài sản ở Việt Nam

    04:15, 29/04/2021

  • “Nét phác hoạ” quý đầu tiên của bức tranh kinh tế 2021 (Kỳ II): Cảnh báo rủi ro lạm phát và bong bóng tài sản

    11:00, 22/04/2021

  • IMF cảnh báo không nên thắt chặt chính sách tiền tệ sớm

    14:00, 08/04/2021

  • Đà Nẵng cảnh báo các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

    16:00, 08/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
HSBC: Cần xem xét nguy cơ làn sóng Covid-19 mới đến phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO