Nhiều nhà xuất khẩu Đông Nam Á đối mặt với "cú đúp" rủi ro gồm đồng nội tệ tăng giá và thời điểm chấm dứt tạm hoãn thuế quan đang đến gần.
Các nhà xuất khẩu tại Đông Nam Á đang đối mặt với hai thách thức cùng lúc gồm làn sóng tăng giá mới của đồng nội tệ trong tháng 5 và thời hạn kết thúc 90 ngày tạm hoãn thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 7.
Theo các chuyên gia, những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, vốn đã gặp khó khăn trong cạnh tranh cơ cấu, sẽ càng dễ tổn thương hơn nếu Mỹ áp thêm thuế quan mới.
Ngân hàng MUFG cho biết Thái Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất, đứng đầu khu vực về mức độ dễ tổn thương trước những biến động mạnh của tỷ giá. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu trong thời gian tới, theo ông Michael Wan, chuyên gia phân tích tiền tệ cấp cao của ngân hàng này.
Đợt tăng giá tiền tệ trong tháng 5 đã đẩy một loạt đồng tiền lớn của ASEAN lên mức cao nhất kể từ đầu năm so với đồng USD, tiếp nối đà tăng từ trước đó.
Theo báo cáo ngoại hối ngày 5/5 của HSBC, các đồng tiền trong khu vực đã trải qua ba làn sóng tăng giá. Đợt đầu tiên bắt đầu từ khoảng ngày 10/4, khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng, giúp xóa bỏ một phần mức giảm trước đó.
Làn sóng thứ hai xuất hiện ngày 21/4, nhờ đồng USD suy yếu trên diện rộng. Và làn sóng thứ ba bắt đầu từ ngày 29/4, khi nhà đầu tư kỳ vọng tích cực về tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - châu Á và giảm căng thẳng Mỹ - Trung.
Trao đổi với The Business Times, nhiều chuyên gia cho rằng đợt tăng giá gần đây của đồng tiền châu Á phản ánh sự bán tháo đồng USD, khi giới đầu tư dần mất niềm tin vào đồng tiền dự trữ toàn cầu và tìm cách phòng hộ cho các tài sản định giá bằng USD.
Trong bối cảnh đồng USD suy yếu, đồng nhân dân tệ Trung Quốc đang trở thành chỉ báo quan trọng cho diễn biến tỷ giá trong khu vực. Bắc Kinh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, không để đồng nhân dân tệ tăng mạnh, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ tỷ giá tham chiếu hàng ngày ổn định.
Ngoài ra, các thị trường châu Á đang nắm giữ lượng lớn tài sản Mỹ, bao gồm trái phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp. Do đó, nếu cán cân thương mại với Mỹ thay đổi theo hướng căn bản hơn, sẽ có sự điều chỉnh danh mục đầu tư mang tính cơ bản hơn, dù không nhất thiết là dòng vốn hồi hương, nhưng ít nhất là tái phân bổ sang các tài sản toàn cầu khác cũng là điều hợp lý.”
Theo ông Philip Wee, chuyên gia chiến lược ngoại hối cấp cao của DBS, đợt tăng giá hiện tại của nhiều đồng tiền châu Á là một dạng hiệu ứng bắt kịp.
Dù vậy, ông Wee dự đoán các nước châu Á sẽ ưu tiên giữ quyền tiếp cận thị trường Mỹ hơn là tập trung vào cạnh tranh xuất khẩu – ít nhất là cho đến khi thuế quan của ông Trump được áp trở lại.
Trong khi đó, Chandresh Jain của BNP Paribas cũng cho rằng việc đồng nội tệ tăng giá tuy bất lợi cho các nền kinh tế xuất khẩu, nhưng sẽ không quá đáng ngại nếu đồng loạt các đồng tiền trong khu vực cùng tăng.
Hiện nay, đợt tăng mạnh của các đồng tiền châu Á dẫn đầu là đồng đô Đài Loan, với mức tăng trong ngày lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Các chuyên gia nhận định, vẫn còn quá sớm để xác định mức độ ảnh hưởng lan tỏa, nhưng các nước Đông Nam Á cũng đang tích trữ USD, dù ở mức độ thấp hơn.
Khi được hỏi về phản ứng của các ngân hàng trung ương ASEAN nếu đồng nội tệ tiếp tục tăng giá, các chuyên gia kinh tế cho rằng họ sẽ chủ yếu áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng.
Ông Wee từ DBS cho rằng hiện chưa có dấu hiệu can thiệp đối với đồng đô la Singapore, ringgit hay baht - các đồng tiền này vẫn đang lấy lại giá trị đã mất so với USD từ tháng 10/2024 đến tháng 1 năm nay.
Ông bổ sung rằng, dù rupiah của Indonesia đã tăng đáng kể, nhưng nước này “có khả năng sẽ chào đón đà tăng đó” để lấy lại mức mất giá từ 10–11% trong giai đoạn tháng 9/2024 đến tháng 4/2025.
Hầu hết các ngân hàng trung ương ASEAN sẽ cố gắng hạn chế biến động mạnh của đồng nội tệ, nhưng sẽ không cố gắng đảo ngược xu hướng. Tuy nhiên, xu thế đồng USD yếu là hiện tượng mang tính toàn cầu, do nhà đầu tư cần phòng ngừa rủi ro với tài sản định giá bằng USD, và có thể còn kéo dài trong vài tháng tới.