Đứng giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cả hai hãng công nghệ hàng đầu của mỗi quốc gia là Apple và Huawei đều đang trở thành những “nạn nhân” chịu ảnh hưởng.
Sau sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ”, Google đã tạm dừng việc kinh doanh với Huawei, trừ những gì liên quan đến phần mềm nguồn mở (AOSP) dành cho tất cả mọi người.
Động thái này là hành động nối tiếp quyết định tuần trước của Bộ Thương mại Mỹ khi thêm tên của Huawei vào “Entity List”, đồng nghĩa với các công ty Mỹ không được giao thương với Huawei trừ khi có sự cho phép đặc biệt từ chính phủ.
Cụ thể theo Reuters, các mẫu điện thoại Huawei tương lai sẽ không thể truy cập Google Play và các dịch vụ khác của Google. Reuters khẳng định Google đã ngừng cung cấp phần cứng, phần mềm cho Huawei, trừ các sản phẩm dùng giấy phép nguồn mở. Nói cách khác, Huawei vẫn có thể dùng Android song các dịch vụ độc quyền như Google Play Store, Gmail và mọi thứ yêu cầu mã nguồn đóng Play Services Framework đều ngoài tầm với.
Ngoài ra, động thái của Google sẽ cấm Huawei cập nhật các điện thoại hiện có, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của chủ nhân thiết bị Huawei. Dù các bản vá bảo mật thuộc AOSP và vẫn sẵn sàng cho Huawei, hệ thống WebView của Android lại được cập nhật thông qua Play Store và Play Protect là một phần quan trọng trong dịch vụ Android của Google.
Không chỉ Google mà theo Bloomberg, công ty sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cũng đã ra thông báo nội bộ rằng họ sẽ tạm thời không bán linh kiện cho Huawei.
Nếu đây là sự thật, mảng kinh doanh smartphone của Huawei sẽ bị tác động nặng nề. Về mặt lý thuyết, công ty có thể bắt tay với những doanh nghiệp không phải của Mỹ để thay thế ứng dụng Google (hoặc sử dụng hệ điều hành tự phát triển), không thể truy cập Play Store sẽ là hạn chế lớn đối với bất kỳ người mua nào.
Ảnh hưởng đến Huawei tại Trung Quốc được dự đoán là không đáng kể do phần lớn ứng dụng di động Google đều bị cấm tại đây và nhiều công ty nội địa cũng có giải pháp thay thế. Song, việc kinh doanh tại châu Âu, thị trường lớn thứ hai của Huawei, sẽ bị tác động không nhỏ.
Nhưng không chỉ mỗi Huawei là chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông lớn Apple cũng chịu những tác động nhất định. Đầu tiên là phản ứng trước các động thái từ Mỹ, nhiều người dùng Weibo cho rằng điện thoại của Huawei thậm chí còn tốt hơn smartphone của Apple, và bày tỏ ý định sẽ sớm đổi sang điện thoại nội địa, theo Sputnik News.
Thông tin cũng không gây quá bất ngờ, bởi doanh số của Apple tại Trung Quốc đã giảm 20% vào quý cuối cùng của năm 2018, trong khi Huawei ghi nhận tốc độ tăng trưởng gần 25% ở mảng smartphone trong cùng thời kỳ, theo trang tin Buzzfeed dẫn số liệu trong ngành.
“Bên cạnh một số nâng cấp bình thường trong năm 2018 và những thay đổi nhỏ về mẫu mã, không hề có bất kỳ sáng kiến nổi bật nào ở dòng iPhone có thể thuyết phục người dùng tiếp tục đổi sang điện thoại mới với giá thành tăng cao”, theo báo cáo của chính Apple.
Đối mặt với không chỉ việc giảm doanh số, các nhà phân tích của hãng JP Morgan ước tính Apple cần phải tăng chi phí iPhone thêm 14% để bù trừ phát sinh do thuế tăng vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Theo chính sách thuế mới được Mỹ đề xuất hôm 13/5, điện thoại di động trong đó có iPhone, sản phẩm được làm hoàn toàn tại Trung Quốc sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%. Những sản phẩm khác của Apple như máy tính bảng, laptop cũng sẽ chịu mức thuế này. Những chiếc iPhone có giá khởi điểm từ 750-1.450 USD. Bất kỳ mức thuế nào áp lên cũng có thể khiến smartphone của Apple vượt quá khả năng chi tiêu của người dùng.
Năm 2019, Apple bắt đầu hứng chịu những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Táo khuyết buộc phải giảm dự báo doanh thu. Đồng thời, Cook cho rằng các chính sách thương mại của chính quyền Mỹ đã gián tiếp ảnh hưởng sức mua của người dùng Trung Quốc với iPhone.
Gần đây, Apple buộc phải tăng giá một số sản phẩm. Apple Pencil thế hệ 2 tăng 30 USD so với bản trước đó. Ngoài ra, Mac Mini bản mới cũng tăng giá 300 USD.
Tim Cook chỉ tăng giá tại thị trường Mỹ để giảm bớt thiệt hại. Thế nhưng cách làm này gần như không mấy hiệu quả khi mỗi lần tăng giá, Apple lại giảm doanh số bán ra. Cowen's Sankar ước tính nếu chuyển toàn bộ gánh nặng thuế lên vai người tiêu dùng Mỹ, sức mua iPhone có thể giảm từ 10-40%. "Điều này sẽ khiến lợi tức trên mỗi cổ phiếu Apple giảm 1-4% vào 2020", nhà phân tích nói thêm.
Giải pháp an toàn nhất Apple có thể làm là dịch chuyển dây chuyền sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc. Hiện công ty đang tăng cường sản xuất ở Ấn Độ và Brazil để hạn chế thuế địa phương.