Sự phụ thuộc của Đông Nam Á vào công nghệ Trung Quốc đang mang lại những tiềm năng kinh tế, nhưng cũng đặt ra thách thức về an ninh mạng.
Các chuyên gia cảnh báo, Đông Nam Á ngày càng phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, điều này là một “con dao hai lưỡi”. Tuy công nghệ Trung Quốc mang lại cơ hội phát triển quan trọng nhưng cũng làm gia tăng rủi ro an ninh mạng và áp lực địa chính trị trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng không gian số; còn Mỹ phản ứng quyết liệt.
Sự trỗi dậy của Huawei được thúc đẩy nhờ khả năng cạnh tranh về chi phí và năng lực triển khai các dự án kết nối quy mô lớn, đặc biệt tại các thị trường như Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, vị thế nổi bật của công ty này cũng khiến dư luận lo ngại về các lỗ hổng an ninh tiềm tàng, khiến nhiều nước, trong đó có Mỹ và Australia, đã hạn chế hoặc cấm thiết bị Huawei trong các mạng lưới trọng yếu.
Ông Gatra Priyandita, nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), cho biết Huawei đã trở thành nhà cung cấp hạ tầng viễn thông hàng đầu tại Indonesia nhờ giá cả phải chăng và khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước.
“Indonesia có mối quan hệ khá phức tạp với Trung Quốc,” ông Priyandita Priyandita nhận xét, đồng thời chỉ ra rằng dù hai nước ngày càng xích lại gần nhau về kinh tế, ngoại giao và an ninh, nhưng quan điểm trong nội bộ Jakarta vẫn chia rẽ về những rủi ro liên quan đến công nghệ Trung Quốc.
“Có người cho rằng Huawei có những rủi ro riêng biệt. Trong khi đó, có người lại cho rằng mọi thiết bị nước ngoài đều có rủi ro chung, và cũng có người cho rằng tất cả điều đó không quan trọng, điều quan trọng là phải tập trung vào nhu cầu trước mắt,” ông Priyandita nói.
Ông Priyandita cho biết thêm rằng sức hấp dẫn của Huawei không chỉ nằm ở giá cả. Công ty này đã làm rất tốt trong các yếu tố mềm bao gồm tài trợ các sáng kiến giáo dục từ đào tạo nghề cho tới phát triển chuyên môn ở mức độ hiếm thấy ở các công ty khác.
Tương tự, tại Campuchia, ông Riccardo Corrado, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh CamEd chỉ ra, ngành công nghệ nội địa kém phát triển đã khiến các công ty Trung Quốc trở thành lực lượng không thể thiếu trong phát triển số.
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chọn nhà cung cấp viễn thông, phần lớn vì Trung Quốc rất quyết liệt. Các công ty Trung Quốc biết cách tiếp cận thị trường châu Á, đưa ra mức giá cạnh tranh và yêu cầu tối thiểu.
Việc Trung Quốc mở rộng hiện diện công nghệ tại Campuchia đã gia tăng trong những tháng gần đây. Tháng 2, công ty nội địa ByteDC ký thỏa thuận với Huawei nhằm tăng cường hạ tầng điện toán đám mây quốc gia. Tháng kế tiếp, nhà mạng hàng đầu Smart Axiata hợp tác với Huawei để thúc đẩy số hóa công nghiệp thông qua các giải pháp kinh doanh chung.
Indonesia cũng đã có bước tiến trong việc mở rộng quan hệ số với Bắc Kinh. Tháng 3, Bộ Thông tin và Truyền thông nước này công bố kế hoạch hợp tác với Trung Quốc để phát triển trung tâm trí tuệ nhân tạo chung.
Philippines cũng tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei, công ty đóng vai trò chính trong việc xây dựng hạ tầng 5G và điện toán đám mây tại quốc gia này.
Theo nhiều chuyên gia, tương lai số của Đông Nam Á ngày càng bị định hình bởi sự cạnh tranh giữa các siêu cường. Ông Mark Manantan, Giám đốc chương trình An ninh mạng và Công nghệ then chốt tại Diễn đàn Thái Bình Dương, cho biết khu vực này đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại và công nghệ ngày càng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt khi các nước vừa phải đối mặt với sự phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, vừa muốn duy trì quan hệ lâu dài với phương Tây.
Đồng quan điểm, ông Deryk Baladjay, giảng viên tại Đại học De La Salle và cố vấn của Amador Research Services, cũng cảnh báo về mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lộ trình phát triển của ASEAN thông qua chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực và dòng vốn đầu tư. Đồng thời, quốc gia này coi khu vực này là thị trường tăng trưởng cho các công nghệ mới nổi của họ.
Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, những nước tập trung vào phát triển quốc gia và chuyển đổi số như Malaysia và Thái Lan đã chấp nhận một ngưỡng rủi ro có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, ông Baladjay nhấn mạnh rằng công nghệ Trung Quốc cần được sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn của chính ASEAN, và khu vực này nên đa dạng hóa các đối tác phát triển như Australia và Nhật Bản.
"ASEAN cần định hình lại cách tiếp cận với đổi mới. Khu vực này cần xác định rõ mục tiêu chỉ là bên tiếp nhận công nghệ tiên tiến, hay có thể trở thành nơi tiên phong cho đổi mới công nghệ mang bản sắc Đông Nam Á?”, chuyên gia này lưu ý.