Kinh tế thế giới

Ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Đông Nam Á quan tâm đến ESG

Cẩm Anh 16/05/2025 04:03

Việc hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ở Đông Nam Á áp dụng ESG sẽ góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững.

Ảnh màn hình 2025-05-15 lúc 20.51.58
Nghiên cứu cho thấy các MSME trong khu vực Đông Nam Á nhận ra giá trị kinh doanh của việc áp dụng các hoạt động bền vững. ẢNH: CMG

Các doanh nghiệp MSME ở Đông Nam Á đang ngày càng có xu hướng áp dụng các thực hành phát triển bền vững, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản như hạn chế về tài chính.

Trong báo cáo của Trung tâm Đầu tư Tác động và Thực hành (CIIP), có tựa đề Chuyển đổi vì Phát triển Bền vững: Thúc đẩy Tác động và Giá trị thông qua Hành động Chuỗi cung ứng, các MSME trong khu vực nhận thức được giá trị kinh doanh của việc áp dụng các thực hành phát triển bền vững, với 39% doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng điều này giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả dài hạn. 27% tin rằng các thực hành này có thể thu hút hoặc giữ chân nhân tài trong một lực lượng lao động chú trọng giá trị.

"Đây là một xu hướng quan trọng, vì nhiều tập đoàn đa quốc gia đang đặt ra các kỳ vọng cao hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ nhằm theo đuổi các cam kết phát triển bền vững dài hạn", báo cáo nhấn mạnh.

Các MSME thường là những nhà cung cấp chủ chốt cho các công ty toàn cầu. Do đó, việc điều chỉnh để phù hợp với các tiêu chuẩn đang phát triển ngày càng trở nên thiết yếu để các doanh nghiệp này duy trì năng lực cạnh tranh và đảm bảo cơ hội tăng trưởng lâu dài.

Bà Dawn Chan, Giám đốc điều hành CIIP, cho biết: “Các MSME là trụ cột của nền kinh tế Đông Nam Á và là đối tác thiết yếu trong việc thúc đẩy các chuỗi cung ứng bền vững.”

Báo cáo cũng tiết lộ rằng 84% MSME đã áp dụng ít nhất một biện pháp về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), trong đó các biện pháp xã hội là phổ biến nhất do các chính sách bảo vệ người lao động mang tính bắt buộc ở từng quốc gia được nghiên cứu.

Tuy nhiên, các rào cản tài chính vẫn là trở ngại chính trong việc áp dụng thêm các thực hành ESG, khi nhiều MSME tham gia khảo sát cho biết chi phí đầu tư ban đầu quá cao. Điều này vẫn đúng ngay cả khi một nửa số doanh nghiệp được hỏi có kế hoạch tăng ngân sách cho ESG vào năm 2027.

Nguồn nhân lực cũng là một vấn đề nan giải, với 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn vừa đến nghiêm trọng trong việc tuyển dụng nhân sự cho các vị trí liên quan đến phát triển bền vững.

Một số doanh nghiệp khác cho biết họ chưa thấy được lợi ích tức thì từ việc triển khai các thực hành ESG. Có 32% cho rằng khả năng thu hút khách hàng mới hoặc thâm nhập thị trường mới sẽ là yếu tố thúc đẩy quan trọng cho việc áp dụng ESG trong tương lai.

Để hỗ trợ các MSME, nhóm chuyên gia của CIIP đã xác định 5 yếu tố hỗ trợ chính, trong đó có việc đơn giản hóa và làm rõ khái niệm ESG. Điều này đòi hỏi phải nhấn mạnh rõ lợi ích thương mại từ các thực hành ESG.

Một yếu tố hỗ trợ khác là vốn cho quá trình chuyển đổi. Dù các khoản vay gắn với mục tiêu phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến, tỷ lệ tiếp cận của MSME vẫn còn thấp. Điều này cho thấy rằng chỉ có ưu đãi lãi suất là chưa đủ, mà cần có các giải pháp sáng tạo được thiết kế riêng cho nhóm MSME.

esg.jpg
Sự quan tâm ngày càng tăng của các MSME đối với ESG là một cơ hội để nâng cao khả năng chống chịu và tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp

Để làm được điều đó, các chuyên gia cho rằng, quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tác động được xem là yếu tố hỗ trợ quan trọng thứ ba. Họ đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy ESG trên toàn chuỗi cung ứng thông qua việc cung cấp nguồn vốn mang tính chất xúc tác, khuyến khích đổi mới và giảm rào cản trong việc áp dụng các thực hành bền vững.

Các nhà đầu tư này đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ các mô hình kinh doanh và giải pháp giai đoạn đầu, vốn được định giá và thiết kế phù hợp với MSME.

Bà Dawn Chan chia sẻ: “Sự quan tâm ngày càng tăng của các MSME đối với ESG là một cơ hội thực sự để nâng cao khả năng chống chịu và tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp.”

Việc các doanh nghiệp MSME ở Đông Nam Á ngày càng quan tâm đến ESG phản ánh một bước chuyển mình quan trọng trong tư duy kinh doanh khu vực từ chú trọng tăng trưởng ngắn hạn sang xây dựng giá trị bền vững lâu dài; đồng thời đây cũng là yêu cầu chiến lược để các doanh nghiệp nhỏ tồn tại và phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi này diễn ra hiệu quả, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bên trong hệ sinh thái, từ cơ quan quản lý, tổ chức tài chính đến các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp. Khi những rào cản được gỡ bỏ, các MSME sẽ có điều kiện để phát huy vai trò tiên phong trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững cho khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Đông Nam Á quan tâm đến ESG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO