Huawei và những bài học từ cuộc chiến với Mỹ

Cẩm Anh 17/03/2019 06:30

Ông Nhậm Chính Phi - CEO Huawei khẳng định: "Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn sẽ sáng. Và nếu miền Bắc chìm trong bóng tối, thì vẫn còn miền Nam".

CEO của Huawei, ông Nhậm Chính Phi

CEO Huawei, ông Nhậm Chính Phi

Cuộc tấn công của chính phủ Mỹ đã để lại những bài học có ý nghĩa mà ông Nhậm cho rằng sẽ thiết thực không chỉ với chính Huawei, mà còn với cả các doanh nghiệp đang muốn vươn lên trở thành doanh nghiệp toàn cầu. 

Theo ông Nhậm, cuộc chiến với Mỹ là một lời cảnh tỉnh rất cần thiết cho nhân viên của công ty. Trong những năm gần đây, Huawei là một nhân tố nổi bật trong công nghệ 5G; đồng thời là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu cạnh tranh với Samsung và Apple.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ đe dọa đồng minh vì Huawei

    12:50, 12/03/2019

  • Mỹ giáng đòn vào 5G của Huawei tác động thế nào đến Việt Nam?

    01:45, 21/02/2019

  • Giữa tâm bão thị phi thương hiệu Huawei lại đứng đầu thị trường Trung Quốc

    03:11, 18/02/2019

  • Huawei bị cáo buộc những gì?

    11:45, 30/01/2019

"Nhưng sau nhiều năm thành công, đội ngũ nhân viên của công ty đã trở nên lười biếng, có dấu hiệu tham nhũng và yếu đuối. Do đó, cuộc chiến với Mỹ đã làm cho mọi người trong công ty đã thực sự đoàn kết với nhau và muốn làm cho sản phẩm của chúng tôi trở nên tốt hơn nữa", ông Nhậm cho biết và nói thêm rằng, các anh hùng luôn phải đối mặt với nghịch cảnh và các nhân viên có thể học cách trở nên cứng rắn hơn.

Sau khi các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia cuộc chơi toàn cầu và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, họ đã trở thành đích ngắm mới và trở nên dễ tổn thương hơn. Khó khăn là sự rèn luyện tốt cho sức mạnh ý chí. Và có lẽ điều này này thực sự không tồi tệ. 

"Những khó khăn có thể giúp các nhân viên của một doanh nghiệp trở nên cứng rắn và dày dạn hơn. Từ đó doanh nghiệp mới xây dựng được một đội ngũ tốt để phát triển ra bên ngoài", ông Nhậm nhận định. 

Điều thứ hai, bất chấp việc Mỹ đang nhắm vào mình, ông Nhậm Chính Phi vẫn rất ngưỡng mộ đất nước này với tư cách là một nhà lãnh đạo trong giới kinh doanh và công nghệ và việc các công ty tại nước ngoài đầu tư vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa phát triển nhanh chóng.

Các doanh nghiệp không nên giữ sự hận thù trong kinh doanh, dù giữa hai quốc gia đang có sự đối đầu. Sự hận thù sẽ chỉ cản trở việc hợp tác và làm cho tư duy lãnh đạo doanh nghiệp trở nên nhỏ bé. Hầu hết, các doanh nghiệp hiện nay đều đang hướng về cuộc chơi chung, một sân chơi chung, nơi họ được cạnh tranh công bằng và tìm kiếm sự hợp tác có thể giúp họ phát triển lên tầm cao mới.

Do đó, thái độ thù địch sẽ chỉ làm giảm cơ hội phát triển và mở rộng thị trường. Huawei vẫn sẵn sàng giúp đỡ nếu chính phủ Mỹ thay đổi lập trường.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc không nên vì cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc làm hạn chế việc đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù việc mở rộng kinh doanh toàn cầu có thể là một thách thức khó khăn, nhưng hầu hết những người làm kinh doanh đều tin rằng họ sẽ nhận được những lợi ích vượt trội.

Huawei là một trong những công ty sáng tạo nhất thế giới

Theo khảo sát của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), Huawei được bình chọn là một trong những công ty sáng tạo nhất thế giới 

Hiện nay, các công ty Trung Quốc đều được trang bị những kiến thức và kinh nghiệm, cũng như những cơ hội thuận lợi để trở thành những "người khổng lồ" toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc đang có xu hương dịch chuyển từ sản xuất sang dịch vụ khiến người tiêu dùng thậm chí còn đòi hỏi nhiều hơn trước.

Người tiêu dùng Trung Quốc hiện đại không quá khác biệt với một khách hàng phương Tây, cả hai đều muốn chất lượng, hàng hóa và dịch vụ sáng tạo. Bằng cách đáp ứng được những đòi hỏi đang ngày một cao của khách hàng trong nước, các công ty Trung Quốc đều có thể mở rộng ra thị trường bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Do đó, CEO Huawei nói, "hãy đến những nơi tập trung nguồn lực chiến lược để khám phá và mở rộng tầm nhìn. Nếu bạn chưa bao giờ nhìn thấy thế giới, làm thế nào để bạn có một cái nhìn mang tầm nhìn toàn cầu?"

Mặt khác, khi Mỹ đang có xu hướng bảo hộ nền kinh tế, vị trí dẫn đầu trong toàn cầu hóa đang nằm trong tay Trung Quốc. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp vươn lên và giành vị thế mới.

Nhưng để làm được điều đó, ông Nhậm lưu ý, khi các công ty quyết định mở rộng ra toàn cầu, họ cũng cần yêu cầu tất cả nhân viên bắt đầu suy nghĩ và hành động với một tư duy toàn cầu. Điều này tạo thói quen cho từng nhân lực trong mỗi doanh nghiệp phải nắm bắt được các quy định quốc tế và chuyên nghiệp hóa từng thói quen, tư duy, hành động. 

Có thể ví dụ ngay với chính Huawei khi đây là công ty tư nhân được sở hữu phần lớn bởi các nhân viên (khoảng 98,6%). Cơ chế này cho phép kiểm soát quyền khi những quyết định kinh doanh quan trọng nhất được đưa ra.

Hơn nữa, mục đích của ban lãnh đạo Huawei là tạo dựng một không gian làm việc tích hợp giữa văn hóa Đông - Tây, điều này cho phép mọi ý tưởng được xuất hiện và bàn bạc để có thể ứng dụng ở bất kì quốc gia nào.

Thời gian qua, Huawei luôn phải đối mặt với các cáo buộc gián điệp, gây hại cho an ninh của nhiều quốc gia. Nhưng với vị thế và quy mô hiện nay, ngay cả khi Mỹ thuyết phục nhiều quốc gia ngừng sử dụng thiết bị Huawei thì thị trường của công ty cũng chỉ bị thu nhỏ một chút.

Ông Nhậm Chính Phi nhấn mạnh, Mỹ không đại diện cho thế giới. "Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn sẽ sáng. Và nếu miền Bắc chìm trong bóng tối, thì vẫn còn miền Nam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Huawei và những bài học từ cuộc chiến với Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO