Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên đạt 10,05%, vượt kế hoạch đề ra, là tỉnh có mức tăng trưởng cao thứ 4/11 tỉnh, TP ĐBSH và cao thứ 7/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về đột phá của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023.
- Thưa ông, năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2026, tỉnh Hưng Yên đã bứt phá như thế nào để vượt kế hoạch xuất sắc?
Dưới sự lãnh đạo chủ động, sát sao của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đạt được thành tựu phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực và là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế quốc dân.
Về kinh tế, mặc dù còn nhiều thách thức song kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế Hưng Yên tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp-dịch vụ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,35% (kế hoạch là 9,5%); giá trị sản xuất CN-XD tăng 7,49%; giá trị sản xuất TM-DV tăng 14,25% (kế hoạch là 99%); GRDP bình quân đầu người là 112,3 triệu đồng (kế hoạch 112 triệu đồng). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước gần gấp đôi so với kế hoạch đạt 93.957 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 33.100 tỷ đồng, đạt 144% so với dự toán giao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Cùng với đó, vốn đầu tư phát triển tăng cao, nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, khu đô thị, dự án SXKD lớn, trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công đạt khá…
- Những năm qua, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện nhanh chóng. Đặc biệt, có sự đột phá của chỉ số PCI trong năm 2022, thưa ông?
Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; quyết tâm xây dựng một chính quyền mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm; chỉ đạo các cấp, các ngành luôn đồng hành tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện nhanh. Năm 2022, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng 39 bậc, lên thứ 14/63 tỉnh, thành phố của cả nước; Chỉ số (SIPAS) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả số vốn thu hút đầu tư mới và điều chỉnh tăng thêm năm 2023 đạt 18.387 tỷ đồng và 776,27 triệu USD. Trong đó, thu hút được 87 dự án đầu tư mới, bao gồm 41 dự án trong nước và 46 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 14.527 tỷ đồng và 556,97 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 1.390 doanh nghiệp, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022 với tổng số vốn đăng ký mới đạt 22.810 tỷ đồng. Đến nay, Hưng Yên có 2.182 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 20 tỷ USD tương đương, trong đó có 536 dự án FDI với số vốn đăng ký 6,76 tỷ USD. Tổng số doanh nghiệp là 16.224 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký tương đương 8,31 tỷ USD, trong đó có 405 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký tương đương 1,9 tỷ USD.
- Năm 2024, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã đề ra của kế hoạch 5 năm, vậy đâu là động lực tăng trưởng chính thưa ông?
Đến nay trong 11/17 chỉ tiêu đã đạt và vượt về phát triển KT-XH được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh năm 2024: duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5-8%; thực hiện tốt Đề án GPMB, nhất là các công trình, dự án quy mô lớn, trọng điểm mang tính kết nối; cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công;…
Mục tiêu chiến lược phát triển Hưng Yên đến năm 2030 đạt trên 50% tiêu chí của đô thị loại I; năm 2037, TP Hưng Yên được phát triển và nâng cấp thành quận Phố Hiến. Tầm nhìn đến năm 2045 là “Xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở kết hợp hài hòa 3 trụ cột là: tăng trưởng kinh tế nhanh – xây dựng xã hội hài hòa – bảo vệ môi trường sinh thái”.
Chúng tôi xác định, doanh nghiệp, nhà đầu tư là một lực lượng quan trọng cùng với chính quyền thực hiện mục tiêu xây dựng Hưng Yên thực sự trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, giàu đẹp, văn minh. Sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự thịnh vượng của chúng tôi.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm