Dự án đường Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh nói riêng và khu vực Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung.
>>>Tỉnh Hưng Yên: hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhanh và hiệu quả
Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tại lễ khởi công dự án gói thầu số 1: Thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị), thuộc dự án đường Vành đai 4.
Theo ông Trần Quốc Văn, đây là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh nói riêng và khu vực Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung. Qua đó thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đặc biệt là các khu vực còn khó khăn của tỉnh; phân luồng giao thông, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có của tỉnh Hưng Yên.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đường Vành đai 4) có tổng chiều dài 112,8 km bao gồm 7 dự án thành phần đi qua địa phận TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh. Nhu cầu sử dụng đất trên 1,3 nghìn ha. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km, đi qua 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. Tổng mức đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 5.244,5 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 56 về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4, tỉnh Hưng Yên được giao phối hợp với TP Hà Nội triển khai dự án thành phần 3 (đường cao tốc) và trực tiếp tổ chức thực hiện hai dự án thành phần là dự án 1.2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) và dự án 2.2 (xây dựng đường song hành, đường đô thị với mức đầu tư là 1.504,6 tỷ đồng). Đây được cho là dự án tạo ra bước ngoặt mới trong việc triển khai dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Theo ông Trần Minh Hải - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên, trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về dự án đường Vành đai 4 để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành công tác GPMB trong thời gian sớm nhất.
Cũng theo ông Hải, đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã cơ bản hoàn thành CPMB diện tích đất nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây 110 kV, 220 kV, 500 kV. Hiện, diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư là 193,6/230,2 ha, đạt trên 84%.
Theo ông Trần Quốc Văn, để dự án bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra, phía Sở Giao thông vận tải cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện có phương pháp khoa học và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chuẩn cũng như phối hợp tốt với các Bộ, ngành Trung ương trong suốt quá trình thực hiện dự án. Về phía các huyện có dự án đi qua cần tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện các khối lượng còn lại của công tác GPMB. Việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân phải thực sự phù hợp với thực tế và đúng quy định pháp luật.
Riêng đối với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, cần huy động máy móc, trang thiết bị hiện đại, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện dự án bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng theo đúng tiến độ đề ra.
>>>Tỉnh Hưng Yên thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại tại Hoa Kỳ
Được biết, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, nhằm kết nối tốt hơn nữa mạng lưới giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia. Địa phương này cũng tham gia vào Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông nhằm hình thành mô hình liên kết tiểu vùng của đồng bằng sông Hồng, thiết lập cơ chế vận hành, điều phối và triển khai hợp tác hiệu quả trên cơ sở tối ưu hoá việc huy động, sử dụng các nguồn lực.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Hưng Yên có tiềm năng rất lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư với những yếu tố đặc thù như vị trí địa lý thuận lợi, nằm trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng đang phát triển rất nhanh và liền kề với thủ đô Hà Nội; hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông vận tải thương mại, dịch vụ, logistics, kết nối thuận tiện với sân bay quốc tế Nội Bài, cảng quốc tế Hải Phòng và các trung tâm kinh tế, thương mại, công nghiệp lớn của cả nước.
Theo đại diện UBND tỉnh Hưng Yên, từ nay đến năm 2050, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường liên tỉnh, kết nối liên vùng nhằm mở ra các không gian động lực mới.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Minh, Giám đốc Cty Anh Cao cho biết, thời gian qua, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng để thúc đẩy kết nối vùng. Đặc biệt mới đây, địa phương này đã khởi công dự án gói thầu số 1: Thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị), thuộc dự án đường Vành đai 4. Chúng tôi rất mong muốn dự án này sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để những doanh nghiệp vận tải có nhiều lựa chọn tuyến đường di chuyển phù hợp. Từ đó giúp giảm các chi phí phát sinh, việc lưu thông hàng hoá đến các địa bàn của tỉnh Hưng Yên được thuận tiện hơn.
Có thể bạn quan tâm