Cùng với kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường hướng tới phát triển bền vững.
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.
“Bàn đạp” cho phát triển bền vững
Tỉnh Hưng Yên, vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường phát triển kinh tế. Trong bối cảnh toàn cầu hướng đến sự bền vững, Hưng Yên đã xác định rõ mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, xem đây là bàn đạp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững.
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh: Phát triển kinh tế xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để Hưng Yên tạo ra lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Tỉnh đã triển khai, thu hút đầu tư nhiều dự án công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiên tiến, đồng thời đẩy mạnh việc cải thiện chất lượng môi trường thông qua chương trình giảm thiểu khí thải, tái chế rác thải và phát triển các khu công nghiệp sinh thái.
“Chúng tôi hướng đến xây dựng Hưng Yên trở thành một tỉnh phát triển xanh, nơi các thế hệ tương lai có thể thừa hưởng một môi trường sống lành mạnh. Kinh tế xanh là nền tảng để tỉnh đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững.”, Chủ tịch Trần Quốc Văn cho hay.
Trên cơ sở đó, Hưng Yên đã và đang đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xanh, bao gồm các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính và công nghệ. Tỉnh cũng tập trung vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, cùng nhau bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để tiếp cận các nguồn vốn xanh và công nghệ tiên tiến, phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế bền vững.
Không chỉ thực hiện các chính sách, cơ chế, Hưng Yên còn chú trọng việc phát triển công nghiệp hỗ trợ phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đức Kiền, tỉnh tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát, hậu kiểm để các doanh nghiệp, chủ đầu tư tập trung hơn trong việc đảm bảo môi trường.
Hưng Yên đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước công nghiệp, trong đó các doanh nghiệp xả nước thả có lưu lượng trên 100m3/ngày đêm phải lắp đặt quan trắc tự động. Đến nay, tất cả các khu công nghiệp đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đã có công trình xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu, các dự án đầu tư được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tỉnh Hưng Yên cũng khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy, từ những hành động đơn giản như chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, năng lượng. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Kinh tế tuần hoàn – giải pháp cho tương lai
Từ thực tế cho thấy, nhờ các chính sách quyết liệt của chính quyền, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhựa Hưng Yên cho biết, xu hướng chung của thế giới hiện nay là phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn, kinh tế “xanh”. Việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển của ngành Nhựa nói riêng và các ngành sản xuất nói chung. Do đó, Công ty cổ phần Nhựa Hưng Yên đã và đang đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm túi PE thân thiện với môi trường, góp phần vào công cuộc bảo vệ ngôi nhà chung của thế giới. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững trên thị trường xuất khẩu nhựa hiện nay.
Hiện nay, công ty cổ phần Nhựa Hưng Yên đã khẳng định được thương hiệu vững chắc trên thị trường nhựa xuất khẩu của Việt Nam. Mỗi tháng, công ty xuất khẩu khoảng 5000 tấn hàng, bao gồm túi siêu thị, túi rác, túi tự hủy, túi Fashion,…, chiếm 45-50% tổng sản lượng nhựa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Ở phía ngược lại, tại Nhật Bản, sản phẩm của công ty Nhựa Hưng Yên chiếm gần 12% tổng sản lượng nhựa nhập khẩu từ Việt Nam.
Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Việt Anh, doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc công ty, chia sẻ: Kinh tế tuần hoàn được coi là “chìa khóa” để Hưng Yên giải quyết bài toán quản lý tài nguyên, giảm thiểu rác thải và nâng cao giá trị kinh tế. Các doanh nghiệp tại tỉnh đã tiên phong trong việc áp dụng mô hình sản xuất khép kín, tận dụng phế phẩm làm nguyên liệu tái sử dụng, giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, mang trong mình sứ mệnh “tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường có chất lượng cao và giá cả cạnh tranh”, với tầm nhìn chiến lược trong sự phát triển của ngành bao bì, Tân Việt Anh đã đón đầu xu hướng bao bì xanh với các dòng sản phẩm bao bì thân thiện, an toàn, tiện lợi và có khả năng tái sử dụng cao.
Nắm bắt được xu hướng phát triển của nền kinh tế trong và ngoài nước, Tân Việt Anh đã định hình cho mình con đường phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với sự tự chủ về nguồn nguyên liệu, biến phế thải thành nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bao bì, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Tân Việt Anh đã đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường như xử lý nước thải, khí thải đảm bảo theo quy chuẩn. Xây dựng quy định phân loại thu gom rác thải. Các loại rác thải nguy hại 100% được chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý.
Bên cạnh đó, công ty luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, luôn cải tiến và đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm hao phí nguyên vật liệu và giảm lượng chất thải ra môi trường.
Với định hướng rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, Hưng Yên đang dần trở thành một hình mẫu phát triển bền vững tại Việt Nam. Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn không chỉ là con đường đi lên mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của Hưng Yên trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho thế hệ mai sau.