24h

Hưng Yên quyết liệt dẹp ô nhiễm làng nghề

Cường Lan 16/05/2025 00:30

Hưng Yên đã đưa ra “tối hậu thư” về thời gian và vạch ra những bước đi chi tiết hơn để "chữa cháy" cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại 4 làng nghề đang "bức tử" cuộc sống cộng đồng.

Thực trạng

Thôn Minh Khai (làng Khoai), xã Như Quỳnh, Hưng Yên được mệnh danh là “Thủ phủ rác thải nhựa”. Nơi đây vẫn luôn tồn tại nhiều nỗi lo lắng về ô nhiễm môi trường. Những hộ dân ở đây bị vây quanh bởi nhiều nhà máy công nghiệp, rạch nước thải và bãi tập kết rác thải nhựa.

Trước đây, ở làng Khoai, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của người dân. Sau này, người dân làng Khoai có thêm một nghề sinh kế khác, đó là nghề thu mua và chế biến phế liệu nhựa. Suốt nhiều năm liền, làng Khoai chìm trong khói bụi. Bụi lẫn trong rác từ khắp nơi dồn về, khói đen từ các xưởng sản xuất, xưởng tái chế hoạt động không ngừng nghỉ suốt cả ngày lẫn đêm.

1(5).jpg
Rác ở làng nghề Minh Khai hay gọi là (làng Khoai) - Hưng Yên tràn ra hai bên đường (Ảnh Báo Tiền Phong)

Dù đã có những hộ chuyển đổi công nghệ, xây hệ thống đốt lưới, song có lẽ từng đó không thấm tháp gì so với tốc độ sản xuất, tái chế khủng khiếp của hàng trăm công ty, hộ gia đình nhỏ lẻ tại đây.

Ngoài làng Khoai – Như Quỳnh ra thì Hưng Yên còn có 3 "điểm nóng" ô nhiễm nữa được chỉ đích danh bao gồm: làng nghề sản xuất, tái chế nhựa, kim loại thôn Đông Mai (Văn Lâm); Làng nghề sản xuất, tái chế nhựa tổ dân phố Phan Bôi (Dị Sử, Mỹ Hào); Làng nghề sản xuất và tái chế nhựa xã Cẩm Xá (Mỹ Hào).

Hiện tại thì tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề này đã vượt ngưỡng báo động, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của cộng đồng.

Để hạn chế ô nhiễm từ các làng nghề mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Thông báo số 2125-TB/TU về việc xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Thông báo nêu rõ, sau khi nhận được Tờ Trình số 148-TTr/ÐUCA-PC03 ngày 20/4/2025 của Công an tỉnh về việc tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường tại một số cụm công nghiệp - làng nghề cùng ý kiến tham gia của các đại biểu, Thường trực tỉnh Hưng Yên có ý kiến như sau:

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại 4 cụm công nghiệp, làng nghề đang rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của Nhân. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường còn hạn chế, chưa dứt điểm. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn xả thải vượt quy chuẩn cho phép, lượng rác thải, chất thải tồn đọng tại các cụm công nghiệp, làng nghề không được xử lý vẫn còn lớn…

Trước tình hình cấp bách này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã đưa ra những chỉ đạo mạnh mẽ, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Công an tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành trong tháng 5/2025 kế hoạch tổng thể thực hiện rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên tại các làng nghề, không để tái diễn.

Đồng thời có giải pháp, lộ trình di dời hoạt động sản xuất đến nơi phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phân vùng bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cũng như định hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, đảm bảo an ninh, trật tự. Thời hạn chót để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại 4 làng nghề trên được ấn định là trước ngày 30/9/2025. Đây là một mốc thời gian cụ thể, thể hiện quyết tâm cao độ của tỉnh trong việc "chữa cháy" cho những "điểm nóng" này.

Một động thái đáng chú ý khác là việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, thậm chí lập chốt giám sát 24/24h đối với các phương tiện vận chuyển phế liệu ra vào làng nghề. Các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử lý nghiêm khắc, bao gồm cả việc đình chỉ hoạt động và cưỡng chế khắc phục hậu quả.

Chính quyền tỉnh Hưng Yên cũng thể hiện rõ quan điểm "không khoan nhượng", yêu cầu dừng hoạt động của các làng nghề, cụm công nghiệp các cơ sở, hộ gia đình tái chế trong làng nghề nếu không đủ điều kiện hoạt động, không có giải pháp xử lý khí thải, nước thải và không có hợp đồng với đơn vị có năng lực về xử lý xả thải theo quy định của pháp luật. Việc dừng hoạt động của các cơ sở này là một biện pháp mạnh mẽ, cho thấy sự ưu tiên hàng đầu đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Quyết liệt hơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên còn yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có dấu hiệu bao che, làm ngơ, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.

Giải bài toán "hậu ô nhiễm"

Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng chú trọng đến việc giải quyết hậu quả lâu dài bằng cách nghiên cứu, xây dựng phương án xử lý chất thải rắn tồn đọng, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm kéo dài tại các làng nghề. Việc này cho thấy tỉnh Hưng Yên đang đang hướng đến giải pháp căn cơ, bền vững hơn là chỉ xử lý phần ngọn. Đặc biệt, Hưng Yên còn cho ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân di dời, chuyển đổi ngành nghề, đảm bảo sinh kế bền vững. Đây là một bước đi nhân văn, thể hiện sự đồng hành của Hưng Yên với người dân trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và bảo vệ môi trường.

2(6).jpg
Sản xuất tái chế nhựa tại làng nghề Phan Bôi (Ảnh internet)

Bốn làng nghề được chỉ đích danh lần này đều là những khu vực tập trung hoạt động sản xuất, tái chế nhựa và kim loại quy mô lớn, tồn tại nhiều năm và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là những hệ lụy môi trường nghiêm trọng.

Nghề sản xuất, tái chế nhựa, kim loại Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, đã xuất hiện cách đây 40 năm và phát triển mạnh vào những năm 1990. Thời kỳ cao điểm, cả thôn có trên 100 hộ làm nghề thu gom, phá dỡ bình ắc quy và tái chế chì. Công việc tái chế chì được tiến hành ngay trong khu dân cư và xả thải ra môi trường một lượng lớn a xít, gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước ngầm. Ngoài ra hoạt động nấu các lá chì cũ để tái chế cũng phát thải khói bụi độc hại làm ô nhiễm nguồn không khí.

Tương tự như Đông Mai, làng nghề sản xuất, tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm cũng đối mặt với thách thức từ quá trình tái chế nhựa, với lượng chất thải nhựa khổng lồ và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí. Quá trình tái chế nhựa tại đây chủ yếu thực hiện theo phương pháp thủ công. Những túi nilon được công nhân lọc bằng tay, sau đó được rửa qua nhiều lần bằng máy móc, rồi được đưa vào máy đốt ở nhiệt độ lên tới khoảng 300 độ C. Cuối cùng, sản phẩm thu được là những hạt nhựa tái chế.

Kể từ ngày 23/12/2019,UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hanh quyết định thu hồi Bằng công nhận làng nghề tái chế phế liệu Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào. Tuy nhiên, bất chấp quyết định của UBND tỉnh, các cơ sở tái chế phế liệu ở đây vẫn ngang nhiên hoạt động, tập trung nhiều cơ sở sản xuất, tái chế nhựa nhỏ lẻ, khó kiểm soát về quy trình xử lý chất thải, dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ nghiêm trọng.

Với đặc thù là làng nghề truyền thống, làng nghề sản xuất và tái chế nhựa Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào đang phải đối mặt với bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trước áp lực từ hoạt động tái chế nhựa ngày càng gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hưng Yên quyết liệt dẹp ô nhiễm làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO