Với những lợi thế về vị trí địa lý, đất đai và nguồn nhân lực, tỉnh Hưng yên có nhiều giải pháp thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, trong đó có các dự án FDI.
>>>Hưng Yên: Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ
Việc tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua đã góp phần không nhỏ thúc đẩy công nghiệp của tỉnh Hưng Yên phát triển.
Môi trường kinh doanh minh bạch
Xác định môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng là yếu tố cốt lõi tạo niềm tin đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, thời gian qua, cùng với thu hút đầu tư, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, tỉnh Hưng Yên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với phương châm "Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp". UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thành lập đoàn công tác đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; qua đó nắm bắt những thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế.
Các lãnh đạo tỉnh tiếp tục duy trì lịch làm việc định kỳ với doanh nghiệp để trực tiếp nghe phản ánh, kiến nghị và xem xét giải quyết, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt là giải quyết nhanh, rõ, đúng pháp luật, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời xác định khâu trọng tâm trong cải cách thủ tục hành chính là hoàn chỉnh, công khai quy trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vũ Quốc Nghị - Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết: Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên có nhiều giải pháp thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, trong đó có các dự án đầu tư của nước ngoài (FDI). 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp nhận 41 dự án đầu tư mới, gồm có: 25 dự án FDI và 16 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 421,6 triệu USD và 8.107 tỷ đồng (tương đương với 746 triệu USD).
Trong đó: Tiếp nhận 01 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.095 tỷ đồng. Tiếp nhận 40 dự án đầu tư thứ cấp mới vào các KCN (25 dự án FDI và 15 dự án DDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 380 triệu USD và 4.880 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 21 dự án (17 dự án FDI và 4 dự án DDI), với vốn đầu tư điều chỉnh tăng khoảng 41,6 triệu USD và 132 tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với 17 khu công nghiệp (KCN) đang được triển khai thực hiện, giai đoạn 2021 – 2030, toàn tỉnh có 13 KCN có tiềm năng quy hoạch mới với tổng diện tích gần 4,8 nghìn héc-ta. Các KCN có tiềm năng quy hoạch mới tập trung chủ yếu ở các huyện: Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Khoái Châu, Văn Giang, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào.
Bên cạnh đó, có 4 KCN có tiềm năng mở rộng trong giai đoạn 2021 – 2030 gồm: Phố Nối A, Văn Nhuệ - Hoàng Hoa Thám, Kim Động, Số 05 với tổng diện tích mở rộng hơn 400 héc-ta.
Ông Trịnh Văn Diễn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để cải cách hành chính, tỉnh chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là thủ tục về đất đai, quy hoạch, đầu tư. Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh gắn với chuyển đổi số, kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hưng Yên đạt kết quả tích cực.
Nhờ đó, tỉnh tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm của các dự án đầu tư thứ cấp là 421,6 triệu USD và 5.012 tỷ đồng (tương đương với 635 triệu USD), đạt 63,5% kế hoạch được UBND tỉnh giao trong năm 2024 (thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư vào các khu công nghiệp) và gấp gần 1,7 lần về vốn đầu tư và 1,5 lần về số lượng dự án so với cùng kỳ năm 2023 (thu hút được 26 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm khoảng 380 triệu USD); tổng diện tích đất cho thuê lại khoảng 115 ha.
Lũy kế đến nay, trong các KCN có 589 dự án đầu tư (338 FDI và 251 DDI), với tổng vốn đầu tư vốn đăng ký khoảng 6,6 tỷ USD và 40.830 tỷ đồng (tương đương với 8,4 tỷ USD), tổng diện tích đất KCN đã cho thuê lại khoảng 1.264 ha.
Trong tổng số các dự án đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, các doanh nghiệp FDI hoạt động tại các KCN đóng góp vào ngân sách của tỉnh hàng triệu USD, ngoài ra đây còn là những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, thu hút và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương.
Những thành tựu trong thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương, hành động. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thu hút một số dự án, lĩnh vực, khu vực quan trọng, có tính chiến lược như phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển đô thị...
Tăng cường thực hiện công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thị trường, đất đai, công nghệ, tín dụng; nhất quán trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để tạo niềm tin và sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án.
Đối với định hướng theo đối tác đầu tư, tỉnh tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…); đồng thời mở rộng xúc tiến thu hút đầu tư với những đối tác có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; chủ động tìm hiểu xu hướng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước để tiếp cận, kết nối đầu tư vào những ngành nghề tỉnh có lợi thế. Thông qua công tác định hướng xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bảo đảm số lượng và chất lượng dự án thu hút đầu tư…
Có thể bạn quan tâm