[Hướng đi cho công nghiệp Việt Nam] (Bài 1) Bài học từ lịch sử

Trương Khắc Trà 19/06/2019 05:30

Thật ra, Việt Nam là một dân tộc tiếp xúc với văn minh công nghiệp từ rất sớm, đáng lẽ từ vốn kinh nghiệm quý báu đó - giờ đây đã trở thành quốc gia công nghiệp phát triển!

Người Việt hình thành trong vùng lõi của cái nôi văn minh nông nghiệp lâu đời nhất thế giới ở Đông Nam châu Á, nhưng mầm mống công nghiệp được phát hiện cách đây 7.000 năm trong nền văn hóa Bắc Sơn - ở Lạng Sơn và Thái Nguyên ngày nay. Đó là sự manh nha đầu tiên của nghề gốm.

Đến thời kỳ văn hóa Hoa Lộc (Thanh Hóa), có niên đại cách đây 4 thiên niên kỷ, năm 1973 các nhà khảo cổ phát hiện di chỉ đồ gốm có hoa văn tinh xảo, dây đồng, đây là minh chứng cho thấy tổ tiên người Việt đã biết đến nghề kim khí từ rất sớm. Lúc này chưa ai biết đến châu Mỹ, còn châu Âu rất sơ khai.

Đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn, khoảng đầu thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên, đồ đồng phát triển rực rỡ, đạt đến mức độ hoàn hảo về kỹ thuật cũng như nghệ thuật. Đáng chú ý, kết quả khai quật còn cho thấy dấu tích của một nền luyện kim khí bằng sắt…

Như vậy, trước khi văn minh Trung Hoa và Ấn Độ tràn vào, trên địa bàn miền Bắc nước ta đã xuất hiện nền văn minh rực rỡ, xác lập lối sống Việt Nam, đời sống Việt Nam, đặt cơ sở vững vàng cho toàn bộ sự tồn tại của quốc gia dân tộc Việt Nam sau này.

Thời kỳ Âu Lạc chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của người Việt về các ngành “công nghiệp” chế tạo vũ khí, xây dựng kinh đô Cổ Loa - cho thấy trình độ quy hoạch kiến trúc của người Việt không hề thấp kém.

Giai đoạn đầu trong 1.000 năm Bắc thuộc, thủ công nghiệp có sự du nhập của một số nghề ngoại lai như làm gạch ngói, dệt, đan lát, làm đường, làm giấy, chế tạo thủy tinh, sản xuất đồ mỹ nghệ… Ngoại thương bắt đầu manh nha, một số sản phẩm của người Việt được xuất khẩu, một vài kỹ thuật mới được du nhập vào.

Đồ gốm là một trong những chứng tích công nghiệp đầu tiên của dân tộc

Đồ gốm là một trong những chứng tích công nghiệp đầu tiên của dân tộc (Ảnh: Internet)

Thời nhà Lý, lần đầu tiên trong lịch sử triều đình chia tách “thủ công nghiệp nhà nước” và “thủ công nghiệp dân gian”. Trưng tập thợ lành nghề trong các “quan xưởng” sản xuất lớn.

Ngành công nghiệp phổ biến nhất thời bấy giờ là dệt nhuộm, đúc đồng, gốm, sứ đạt đến độ tinh xảo đáng kinh ngạc, nội thương phát triển, ngoại thương đã buôn bán với các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Có thể bạn quan tâm

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 4)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 4)

    05:00, 17/06/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Tiếng Anh: Từ xích lô đến quốc gia đại sự!

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Tiếng Anh: Từ xích lô đến quốc gia đại sự!

    05:01, 16/06/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 3)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 3)

    07:32, 14/06/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 2)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 2)

    06:06, 13/06/2019

Thời Trần, thương nghiệp, công nghiệp đạt đến mức độ thịnh vượng, chợ có ở khắp nơi, Thăng Long 61 phường buôn bán tấp nập, Vân Đồn là thương cảng sầm uất nhất khu vực, buôn bán vươn ra với các nước Đông Á. Nhìn chung triều Trần đã phân chia rõ ràng các hình thức sở hữu, phân công lao động, kinh tế hàng hóa phát triển lên tầm cao mới.

Tóm lại, khoa học kỹ thuật thời kỳ này có y học cổ truyền, thiên văn lịch pháp, đóng thuyền chiến, kỹ thuật xây dựng và tính toán đạt đến trình độ cao trong các công trình thành quất, cung điện, chùa tháp. Đặc biệt “công nghiệp quốc phòng” là đúc thành công khẩu súng như pháo cối ngày nay.

Chuyển sang thời kỳ trung đại (thế kỷ XVI - XVIII) người Việt bắt đầu tiếp thu mạnh kỹ thuật công nghiệp từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, các “quan xưởng” rất quy mô, xưởng đóng tàu Hà Mật (ở Đàng trong) có 4.000 công nhân, đóng được tàu trọng tải 400 tấn.

Thương nhân Poavro nhận xét: “Tơ (lụa) của họ rất đẹp, máy dệt của họ na ná giống máy của ta” điều đó cho thấy một số kỹ thuật công nghiệp của nước ta lúc đó không thua gì ở châu Âu - đang manh nha cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở Anh bằng máy hơi nước.

Ở Đàng ngoài, ngành khai mỏ phát triển rầm rộ, chúa Trịnh hợp tác với Trung Quốc để khai thác, một số quan lại người Việt đề đạt với nhà nước được đầu tư vốn khai thác, khoáng sản khai thác được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Có những “đại công trường” khai thác vàng và quặng sắt, Giang Huyền - một thương nhân giàu có ở Đàng trong đã bỏ tiền mua nguyên quả núi ở Thu Bồn (Quảng Nam ngày nay) để khai thác khoáng sản.

Có thể thấy, người Việt cũng trang bị cho mình rất sớm kỹ năng khai khoáng, luyện kim, cả kinh tế tư nhân và cách huy động nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp.

Thế kỷ XVII, người Việt bắt đầu buôn bán thông thạo với người Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, các đô thị, trung tâm công nghiệp bắt đầu xuất hiện, có câu “nhất Kinh Kỳ nhì Phố Hiến”.

Nhiều tác phẩm có tính khái quát thực tiễn về phát triển kinh tế công nghiệp đã được biên khảo, tiêu biểu có “Lê triều công nghiệp thực lục” của Hồ Sĩ Dương; “Ô châu cận lục” của Dương Văn An; “Hỗ trương khu cơ” của Đào Duy Từ…

Vào thời nhà Nguyễn mặc dù có nhiều cống hiến trong mở mang bờ cõi, ổn định tình hình nhưng do chính sách “bế quan tỏa cảng” nên bị hạn chế trong việc tiếp thu văn minh phương Tây - trong khoảng thời gian này Nhật Bản thực hiện cải cách Minh Trị thành công và trở thành nước công nghiệp hùng mạnh.

Nhà Nguyễn nói lời cáo chung vì xự xâm lược của thực dân Pháp, song ở khía cạnh kinh tế - các cuộc khai phá thuộc địa lại đem đến nhiều ngành công nghiệp mà người Việt chưa hề biết đến, kể cả sự phân hóa xã hội làm xuất hiện giai cấp công nhân - mà sau nay họ trở thành rường cột cách mạng và là lực lượng cơ bản cho phát triển công nghiệp, xây dựng đất nước.

Ngày 17/10/1877 người Pháp thành lập “Liên bang Đông Dương” dưới quyền của Paul Doumer (người của Bộ Hải quân và Thuộc địa) - tác giả của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam.

Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất làm thay đổi ngành công nghiệp nước ta (Ảnh: Tư liệu)

Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất làm thay đổi ngành công nghiệp nước ta (Ảnh: Tư liệu)

Cung cách vận hành nền kinh tế - và đặc biệt nguồn ngoại tệ (France) đổ vào là nguyên nhân cốt lõi làm thay đổi bộ cơ cấu công nghiệp và xã hội Việt Nam. Giai đoạn đầu Pháp đổ 249 triệu Fr vào khai thác dầu mỏ, 128 triệu Fr vào giao thông, 40 triệu Fr vào nông nghiệp.    

Ngành khai khoáng biến đổi nhanh chóng, nhiều công ty lớn ra đời, hàng trăm nhà máy hiện đại gồm có dệt, xi măng, nước ngọt, rượu bia, truyền thông báo chí… Nhiều trung tâm công nghiệp thực thụ mọc ra như Hòn Gai, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Vinh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, riêng Sài Gòn là trung tâm đặc biệt quan trọng.

Nông nghiệp được công nghiệp hóa nên xuất hiện sản xuất tập trung ở quy mô lớn, khối lượng thặng dư tỷ lệ thuận với nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới sự cai trị nhằm vơ vét phục vụ cho công nghiệp ở chính quốc.

Sau thế chiến I, Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa lần 2, lúc này nhiều cơ quan hành chính phục vụ công nghiệp đã xuất hiện, như Phòng thương mại và canh nông, Đại hội đồng kinh tế, Tài chính Đông Dương, có sự tham gia của người Việt.

Lần này số vốn đổ vào công nghiệp xuất phát từ tư bản tư nhân, nhiều gấp 6 lần so với 20 năm trước thế chiến I, chuyển từ khai khoáng sang nông nghiệp (đồn điền cao su), tác động của nó làm cho nền kinh tế Việt Nam thay đổi theo hướng hiện đại hóa.

Dù mất cân đối và quặt què do mục đích bóc lột, nhưng nền công nghiệp Việt Nam bắt đầu phân hóa thành “công nghiệp nặng” và “công nghiệp nhẹ”. Công nghiệp chế biến tại chổ được chú trọng, chu trình sản xuất khép kín quy mô lớn.

Đến năm 1931, trên lãnh thổ Việt Nam đã có 2.389km đường sắt, 15.000 km đường bộ - những con số lý tưởng lúc bấy giờ.

Trong bối cảnh lịch sử hàng ngàn năm, trải qua nhiều thăng trầm nhưng người Việt luôn luôn học hỏi, trau dồi và tiến bộ. Trình độ phát triển công nghiệp thuộc vào loại sớm nhất - vì vậy, cũng nên xem lại quan điểm người dân tộc ta chìm trong văn minh nông nghiệp!?

Thiết nghĩ, nhìn lại quá khứ để rút ra những bài học kinh nghiệm cho công cuộc chọn lựa ngành nghề và xác định phương hướng cho những ngành công nghiệp lớn hiện nay.

Tóm lại, thời kỳ nào mạnh dạn hội nhập, thời kỳ nào có minh quân dẫn dắt thời kỳ đó đất nước hưng thịnh, lịch sử phát triển công nghiệp là một ví dụ.

Còn tiếp…

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp rất muốn tiếp nhận ý kiến, bài viết của đọc giả, học giả và chuyên gia mọi lĩnh vực về chủ đề "nhận diện rào cản", "giải pháp tháo gỡ khó khăn", "sáng kiến góp phần thông thoáng chính sách",...làm sao để "VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG".

Mọi ý kiến đóng góp và bài vở xin gửi về địa chỉ vietnamhungcuong@dddn.com.vn trân trọng cảm ơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[Hướng đi cho công nghiệp Việt Nam] (Bài 1) Bài học từ lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO