[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 4)

Trương Khắc Trà 17/06/2019 05:00

"Muốn mời giáo sư nước ngoài về làm trưởng khoa nhưng không có bằng Trung cấp Chính trị...".

Việt Nam đang mắc phải tình trạng “chưa giàu đã già” khi thời kỳ vàng son dân số trẻ bắt đầu dịch chuyển về trạng thái già hóa, trẻ không tích cực làm ăn tích cóp, già lấy đâu ra của cải? Đó là bài toán lớn!

Rất nhiều vấn đề đang ở thì tương lai, nhưng để đất nước trở nên hùng cường thì con người và vấn đề sử dụng con người một cách hiệu quả không thể chậm trễ thêm phút giây nào nữa.

Người Việt đang lãng phí rất nhiều thứ, từ tài nguyên thiên nhiên, thời gian, cơ hội, nhưng không gì phung phí bằng lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao từ 95 triệu dân đang có mặt khắp nơi trên thế giới.

Người ta cứ nhắc đi nhắc lại hoài câu chuyện mười mấy quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” xuất ngoại học hành rồi không bao giờ trở lại, trong nhiều lĩnh vực khác nhân tài cũng lũ lượt đội nón ra đi. Vì sao?

Thành phố Đà Nẵng từng triển khai đề án đạo tạo nhân lực nguồn rất bài bản và quy mô, nhưng sau vài năm công tác nhiều người chấp nhận giải phóng đền bù hợp đồng đào tạo để thoát khỏi biên chế. Vì sao?

Không biết vì lý do gì, một người trẻ như Nguyễn Hà Đông - một thời là ngôi sao công nghệ gây chú ý ở tầm quốc tế bỗng dưng vụt tắt. Có người khuyên Đông nên đăng ký khởi nghiệp ở Singapore để tránh rắc rối. Quá xót xa!

Nhân tài cứ lũ lượt ra đi không hẹn ngày trở lại (Ảnh: Internet)

Nhân tài cứ lũ lượt ra đi không hẹn ngày trở lại (Ảnh: Internet)

Tôi nhớ lại câu chuyện của GS “chuẩn Mỹ” Trương Nguyện Thành vì không đủ “tiêu chuẩn” làm Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, chỉ là vì cấn một tiêu chuẩn trong Điều 20 Luật Giáo dục ĐH của Việt Nam, nên khăn gói ra đi trong sự tiếc nuối bức xúc của nhiều người. Vì sao?

Có thể bạn quan tâm

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 1)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 1)

    08:00, 12/06/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 2)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 2)

    06:06, 13/06/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 3)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 3)

    07:32, 14/06/2019

Đại biểu Quốc Hội - Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói giữa nghị trường tại kỳ họp thứ 7, rằng: “Muốn mời giáo sư nước ngoài về Việt Nam làm trưởng khoa rất khó vì không có bằng Trung cấp Chính trị”.

Chúng ta tìm kiếm gì ở nhân tài? Là kiến thức kinh nghiệm của họ hay buộc họ phải gò ép cho vừa với khuôn khổ do chúng ta đặt ra? Tất nhiên, với người có tài năng thật sự - họ không dễ gì chịu bị trói buộc trong môi trường kém thông thoáng, bởi vì họ tồn tại bằng thành quả và sự cống hiến chứ không phải bằng nguyên tắc “im lặng là vàng”.

Chính giáo sư Thành mặc chiếc quần đùi lên bục giảng, sau đó nhận lấy thái độ không mấy thiện cảm từ dư luận và nhà chức trách. Vấn đề ở đây không phải do “chiếc quần cộc” mà chính là thái độ của chúng ta với cái mới, những thông điệp lạ có ý nghĩa xuyên phá lối suy nghĩ cũ kỹ lạc hậu.

Trên một bình diện khác, những gì xảy ra mấy năm nay từ “tha hóa biến chất”, “người ngồi nhầm chỗ”, “tham nhũng”, “lợi ích nhóm”, “biệt thự, biệt phủ”… cho thấy cách sử dụng con người có vấn đề nghiêm trọng - thật khó nghĩ vì hầu hết là những trường hợp được sử dụng “đúng quy trình”.

Dù rất muộn nhưng còn hơn không, nhà nước cần thông thoáng hơn trong chọn lựa con người vào vị trí chủ chốt, có sức ảnh hưởng. Chúng ta đã thật sự tìm kiếm nhân tài trong 95 triệu dân hay chưa? Hay chỉ “bó đũa chọn cột cờ” trong một bộ phận đủ tiêu chuẩn “cứng” do tổ chức đặt ra?

Có quá nhiều ví dụ cho thấy chúng ta chưa thật sự coi trọng hiền tài, nghĩ rằng, để sử dụng được người tài cần có người tài, vì chỉ những người tài với nhau mới “đồng khí tương cầu, đồng thanh hưởng ứng”.

Thu hút nhân tài cần cơ chế và thái độ (Ảnh: Internet)

Thu hút nhân tài cần cơ chế và thái độ (Ảnh: Internet)

Muốn có nhân tài thì những người hoạch định chính sách phải là nhân tài, chỉ có nhân tài mới hiểu và biết được nhân tài cần gì, ngược lại người tài nếu rơi vào tay kẻ tiểu nhân bất tài thì sẽ là thảm họa.

Bởi vậy, xưa nay người tài có mấy cái sợ. Cái sợ thứ nhất là sợ không được trọng dụng, cái sợ thứ hai là sợ lãnh đạo ưa kẻ nịnh hót mà bỏ mặc hiền tài, cái sợ thứ ba là sợ phải phục tùng kẻ tiểu nhân bất tài.

Đâu đó hàng ngày trên đất nước này người ta vẫn nhắc đến câu nói của vị tổng thống Mỹ nổi tiếng J.F.Kenedy “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”.

Nhưng hãy nhớ rằng là “làm cho Tổ quốc” chứ không phải làm cho một vài nhóm lợi ích nhân danh Tổ quốc không biết quý trọng hiền tài. 

Hồ Chủ tịch từng kêu gọi GS Trần Đại Nghĩa từ Pháp về giúp cách mạng trong lúc khó khăn chồng chất; vua Quang Trung từng 4 lần ra núi Thúy mời Nguyễn Thiếp về giúp nước; Lưu Bị 3 lần đến lều tranh mới quy phục được Khổng Minh…

Những câu chuyện đó cho thấy rằng, cầu hiền tài đừng hời hợt, trước tiên bằng thái độ trọng thị, không khẩu hiệu khoa trương mà bằng khát khao cùng nhau thực hiện lý tưởng chung.

Tôi tin rằng, không một ai mang dòng máu Việt mà không muốn dân tộc mình hùng cường thịnh vượng, làm sao để lan tỏa tinh thần ấy để kết nối nhân tài? Không ai khác phải nhờ vào độ thông thoáng của chính sách, mức độ tiến bộ của những người cầm cân nảy mực.

Ngày nay, cầu hiền tài phải hội đủ thêm hai điều kiện: Thứ nhất, môi trường làm việc phải có chổ cho sự sáng tạo, phá cách, tôn trọng khác biệt, hạn chế bè nhóm, đố kỵ, ganh ghét, hãm hại người tài.

Thứ hai, chế độ đãi ngộ tương xứng với những gì họ cống hiến, một bảng lương cào bằng, phân bổ đến mọi ngóc ngách đều như nhau được điều hành bởi các loại quy định cứng nhắc thì không thể nào kích thích nổi khả năng sáng tạo.

Thật ra, các bậc lãnh đạo đời trước đã có cái nhìn trọng thị với nhân tài, rất nhiều địa phương cũng ban hành chính sách riêng, nhưng kết quả rất khiêm tốn, nếu không muốn nói - nhiều địa phương ban hành chính sách thu hút để “lobby” cho “con ông cháu cha”.

Nhà nước kêu gọi trí thức Việt kiều về cống hiến. Các địa phương đua nhau công bố chính sách chiêu hiền đãi sĩ. Ngành giáo dục cũng tuyên bố trải thảm chào đón các chuyên gia giáo dục - khoa học về nước công tác…

Nhưng giữa nói và làm còn khoảng cách quá xa. Gần đây, người ta hay dùng hình ảnh ví von tương phản “trên trải thảm - dưới rải đinh” để mỉa mai cho những trường hợp nói không đi đôi với làm.

Nói gì thì nói, chốt lại là ở “CON NGƯỜI”, muốn một đất nước hùng cường cần có những con người có “ý chí hùng cường”, người mang ý chí đó chắc chắn là người tài.

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp rất muốn tiếp nhận ý kiến, bài viết của đọc giả, học giả và chuyên gia mọi lĩnh vực về chủ đề "nhận diện rào cản", "giải pháp tháo gỡ khó khăn", "sáng kiến góp phần thông thoáng chính sách",...làm sao để "VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG".

Mọi ý kiến đóng góp và bài vở xin gửi về địa chỉ vietnamhungcuong@dddn.com.vn trân trọng cảm ơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 4)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO