Huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và startup

Theo Vneconomy 28/01/2022 05:11

Doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) là đối tượng gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư để khởi nghiệp và mở rộng sản xuất.

Việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách rõ ràng nhằm điều chỉnh việc huy động vốn và thúc đẩy vai trò các quỹ đầu tư sẽ là một giải pháp hữu ích cho vấn đề này trong thời gian tới...

>>Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc tế: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp vượt khó khăn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) gặp nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) gặp nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư.

Kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới khoảng 98% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc, đóng góp khoảng 45% GDP và 31% ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) xuất hiện ngày càng nhiều và nở rộ tại Việt Nam.

DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ STARTUP VIỆT NAM KHÓ TIẾP CẬN VỐN

Theo thống kê, Việt Nam hiện đang có khoảng 3.000 startup, trong đó có ba “kỳ lân” (doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD). Năm 2021, nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp startup tại Việt Nam tăng cao chưa từng thấy với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử.

Về mặt pháp lý, đến nay Việt Nam đã có Luật số 04/2017/QH14 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và Nghị định 38/2018/NĐ-CP chi tiết Luật số 04/2017/QH14, trong đó đã có quy định về các nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, riêng đối với startup, Việt Nam đã có Chỉ thị số 09/CT-TTG năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, là tiền đề cho việc thúc đẩy sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tại Chỉ thị này, vai trò, chức năng của các cơ quan quản lý đầu ngành Việt Nam đã được chỉ rõ trong việc thực hiện các công tác bước đầu để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp startup.

Về mặt thị trường, hiện nay Việt Nam có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Năm 2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo ra đời, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái cho sự phát triển của doanh nghiệp startup.

Tháng 12/2021, Cộng đồng Kết nối doanh nghiệp ở TP.HCM cũng đã ra mắt và trở thành cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về kết nối mạng lưới giao thương, đào tạo, thúc đẩy cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Mặc dù có những nỗ lực như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và startup vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn thu hút vốn đầu tư để khởi nghiệp và mở rộng sản xuất.

Theo báo cáo Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh 2020, những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh là: tìm kiếm khách hàng (64%), tiếp cận vốn (41%), biến động thị trường (33%). Điều đáng lưu ý là tỷ lệ các doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều trở ngại với ba yếu tố khó khăn nhất kể trên ngày càng tăng qua các năm. Do vậy, Việt Nam trong thời gian tới cần nghiên cứu các giải pháp khắc phục các vấn đề trên, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước nhà.

TỪ CÂU CHUYỆN PHÁP LÝ Ở HOA KỲ

Tại Hoa Kỳ, việc thu hút vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp sáng tạo do Văn phòng Thúc đẩy huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ đảm trách. Đây là một văn phòng độc lập do Quốc hội Mỹ thành lập, được đặt tại Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Văn phòng này được thành lập từ năm 2016, có trách nhiệm báo cáo lên SEC và báo cáo trực tiếp lên các ủy ban của Quốc hội mà không cần phải có sự rà soát, góp ý của SEC hay của Văn phòng Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ.

Huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và startup - Ảnh 1

Để thực hiện được nhiệm vụ của mình, Văn phòng thực hiện các hoạt động như làm việc với các doanh nghiệp và nhà đầu tư để tìm hiểu về các vấn đề và thách thức liên quan đến huy động vốn; phân tích tác động tiềm tàng của các thay đổi chính sách có thể tác động tới các doanh nghiệp nhỏ và nhà đầu tư; đề xuất chính sách với SEC và Quốc hội.

Ngoài ra Văn phòng cũng xây dựng Trung tâm Huy động vốn (Capital Raising Hub) nhằm cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Đạo Luật Chứng khoán khi huy động vốn.

Bên cạnh đó, Văn phòng cũng thúc đẩy các hoạt động truyền bá, giáo dục cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Trong năm 2021, Văn phòng đã xây dựng Kế hoạch Chiến lược 2021-2025 về thu hút vốn cho doanh nghiệp startup và các doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, bản Kế hoạch này đưa ra các mục tiêu và chiến lược thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 về thu hút vốn cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư vấn huy động vốn cho các doanh nghiệp nhỏ (Small Business Capital Formation Advisory Committee) thuộc SEC, được xây dựng nhằm xây dựng các cơ chế chính thức, giúp SEC nhận được các tư vấn và khuyến nghị đối với các quy chế, quy định và chính sách do SEC xây dựng có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nhỏ (bao gồm startup) về giao dịch chứng khoán, về cơ chế báo cáo và về quản trị công ty của các công ty này. Ủy ban này hoạt động độc lập, gồm đại diện từ các công ty và nhà đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực, khu vực khác nhau.

Trong năm 2021, Ủy ban này đã có một số đề xuất, khuyến nghị chính sách như xem xét lại quy định liên quan đến các điều kiện thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, và các định nghĩa mới liên quan đến loại hình quỹ này, nghiên cứu về việc cho phép một số công ty chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện được trở thành “các công ty tìm kiếm” (Finders), có các hoạt động để hỗ trợ các công ty huy động vốn từ thị trường vốn tư nhân.

>>Những câu chuyện về doanh nghiệp tạo tác động xã hội vượt bão giông dịch COVID-19

>>Khái niệm về vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp

Về khung pháp lý và chính sách về huy động vốn của doanh nghiệp nhỏ, luật pháp Hoa Kỳ quy định hai trường hợp. Đó là phương thức chào bán ra công chúng và phương thức không chào bán ra công chúng.

Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ khi huy động vốn không theo phương thức chào bán ra công chúng thì được thực hiện theo hình thức miễn đăng ký, trong đó có Quy chế 506 (b) thuộc Quy định D về chào bán riêng lẻ: huy động vốn từ nhà đầu tư mà công ty có mối quan hệ hoặc những nhà đầu tư đáp ứng được một số tiêu chí nhất định về tài sản và những nhà đầu tư có chứng chỉ đầu tư chuyên nghiệp và Quy chế 506 (c) thuộc Quy định D về huy động vốn rộng rãi: huy động vốn thông qua việc khuyến khích những nhà đầu tư đáp ứng một số tiêu chí nhất định về tài sản hoặc có một số chứng chỉ đầu tư chuyên nghiệp tham gia.

Còn đối với chào bán ra công chúng có đăng ký, SEC chấp thuận theo hai hình thức sau:

Một, chào bán có đăng ký: thông qua chào bán lần đầu ra công chúng hoặc chào bán thứ cấp thông qua hồ sơ đăng ký với SEC.

Hai, chào bán lần đầu ra công chúng là con đường ban đầu cho các công ty huy động vốn không giới hạn từ công chúng thông qua việc chào bán có đăng ký.

TỚI TÌNH HÌNH THU HÚT VỐN THỰC TẾ

Hình thức huy động vốn từ cộng đồng cũng đang ngày càng trở nên phổ biến. Tính tới hết 2020, giá trị vốn huy động tăng 86% so với năm 2019, lên mức 232,9 triệu USD.

Dù vậy, nhìn chung, tại Hoa Kỳ các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt khi khởi nghiệp, cũng gặp phải nhiều thách thức, như hết tiền và không có khả năng huy động vốn mới; kết nối và xây dựng mạng lưới và tiếp cận vốn từ ngân hàng và các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và startup - Ảnh 2

Trong số các hình thức huy động vốn cho các doanh nghiệp nhỏ, phần lớn vẫn là từ các khoản vay tín dụng (chiếm 89%), trong khi và đầu tư vốn cổ phần chỉ chiếm một phần nhỏ là 6%. Dù vậy, khi tiếp cận nguồn vốn thông qua các hình thức vay nợ, phần lớn các công ty khởi nghiệp không có hoặc có rất ít tài sản thế chấp, hoặc có rất ít, họ gặp nhiều khó khăn trong làm việc với các tổ chức bảo lãnh. Do đó, có 23% không có được đủ nguồn vốn tìm kiếm và ngoài ra có 30% các công ty khác không đáp ứng được các tiêu chí để nộp hồ sơ hỗ trợ vốn.

Trong hoạt động khởi nghiệp, các nhà đầu tư “thiên thần” (angel investors) - đóng vai trò vô cùng quan trọng. Số lượng các nhà đầu tư được chấp thuận ngày càng tăng lên tại Hoa Kỳ, khi con số này đã tăng lên 334.680 nhà đầu tư, tăng 3,5% so với năm 2019, và tổng giá trị số tiền tài trợ cũng tăng (lên mức 25,3 tỷ USD, tăng 6%). Một nửa trong số các khoản đầu tư của nhà đầu tư thiên thần là thuộc giai đoạn “hạt giống” và giai đoạn đầu sau khởi nghiệp.

Trong giai đoạn sau của quá trình phát triển của các công ty, các công ty nhận được ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thành viên và các nhà đầu tư có tổ chức khác, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo Văn phòng, số lượng các công ty niêm yết tăng trong vài năm trở lại đây sau chuỗi những năm giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.

Ngoài IPO, các hình thức khác như SPAC (công ty được thành lập cho mục đích thâu tóm) và niêm yết trực tiếp để trở thành các công ty đại chúng cũng ngày càng trở nên phổ biến.

Trong giai đoạn từ tháng 7/2020 – tháng 6/2021, 1.005 công ty đã trở thành công ty đại chúng, trong đó 429 công ty sử dụng hình thức IPO, 569 công ty sử dụng hình thức SPAC và 7 công ty sử dụng hình thức niêm yết trực tiếp.

VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Trên cơ sở những thực tiễn hiện nay đang được áp dụng tại Hoa Kỳ, các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam có thể học hỏi để xây dựng chính sách của mình. Theo đó, các hoạt động sau có thể xem xét triển khai.

Huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và startup - Ảnh 3

Thứ nhất, xây dựng khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách rõ ràng điều chỉnh việc huy động vốn.

Việc tiếp tục cải thiện khung pháp quy và các chính sách điều chỉnh tại Việt Nam, đốc thúc thực hiện khoản 3 điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ là một trong các hoạt động cần ưu tiên trong thời gian tới. Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập các hình thức huy động vốn tại Hoa Kỳ như hình thức huy động từ cộng đồng, các hình thức góp vốn theo Quy định D, Quy định A, SPAC, các quy định về các loại hình nhà đầu tư, quỹ đầu tư để từ đó tăng cung cầu, trên thị trường.

Hiện nay, Luật 04 đang giao Bộ Kế hoạch Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm tổng hợp, báo cáo Chính phủ về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Bộ Tài chính hỗ trợ với các cơ quan Bộ, ngành bố trí nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp, và nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Do vậy, trên cơ sở xem xét kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, Việt Nam có thể xem xét, nghiên cứu sự cần thiết xây dựng Văn phòng huy động vốn tương tự, hoặc cơ chế báo cáo giữa các cơ quan, bộ ngành để đảm bảo sự thông suốt, nhanh nhạy trong quá trình chuyển tải thông tin, phản ánh được sự đa dạng của cung và cầu thị trường vốn của các doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, Văn phòng chuyên trách đó cũng cần xây dựng kế hoạch chính sách, mục tiêu tổng thể cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và startup trong trung và dài hạn để từ đó có thể lượng hóa và đặt ra các nội dung triển khai chi tiết trong giai đoạn tới. Xây dựng cơ sở dữ liệu để nắm bắt được các xu hướng và các kết quả theo các tiêu chí khác nhau cũng là điều cần thiết để cơ quan quản lý nắm bắt được tình hình thị trường để từ đó ra quyết định chính sách.

Thứ hai, thúc đẩy sự phát triển, tăng cường vai trò của các loại hình quỹ đầu tư.

Như trình bày ở trên, tại Hoa Kỳ, các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn khởi nghiệp của các doanh nghiệp, trong khi ở giai đoạn sau chứng kiến sự tham gia tích cực của các quỹ đầu tư như phòng vệ, quỹ tương hỗ và các quỹ này đóng góp tích cực trong việc định giá doanh nghiệp và chuẩn bị chào bán ra công chúng. Việc nắm được xu hướng phân bổ các nguồn vốn này tại các giai đoạn khác nhau của phát triển doanh nghiệp để có quyết định chính sách đối với các tổ chức cấp vốn phù hợp là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, cần lưu ý tới sự đa dạng của các loại hình quỹ đầu tư, bao gồm cả những quỹ trong nước và các quỹ của nước ngoài để từ đó góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư, đa dạng khẩu vị rủi ro để nguồn vốn có thể được đến được với nơi phù hợp nhất.

Thứ ba, thúc đẩy việc lắng nghe, giao lưu và trao đổi giữa các cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và giới doanh nghiệp

Nhờ có Văn phòng, tại thị trường Hoa Kỳ, các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức thuộc các lĩnh vực, khu vực khác nhau thường xuyên được tổ chức nhằm hiểu rõ hơn về nhu cầu của các doanh nghiệp. Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, xây dựng cổng thông tin toàn diện với nhiều tính năng tương tác để từ đó các nhà đầu tư thiên thần, các nhà đầu tư được chấp thuận nắm bắt được cơ hội đầu tư cũng như các xu hướng đầu tư là hoạt động có thể xem xét, nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

https://vneconomy.vn/huy-dong-von-cho-doanh-nghiep-nho-va-startup.htm

Có thể bạn quan tâm

  • FESTIVAL KHỞI NGHIỆP 2022: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và bài học từ Thuỵ Sĩ

    FESTIVAL KHỞI NGHIỆP 2022: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và bài học từ Thuỵ Sĩ

    12:29, 23/01/2022

  • Doanh nghiệp khởi nghiệp nỗ lực vượt khó trong bối cảnh đặc biệt

    Doanh nghiệp khởi nghiệp nỗ lực vượt khó trong bối cảnh đặc biệt

    03:31, 29/12/2021

  • DẤU ẤN TECHFEST-WHISE 2021: Doanh nghiệp Khởi nghiệp TP HCM chiếm 50% trên cả nước

    DẤU ẤN TECHFEST-WHISE 2021: Doanh nghiệp Khởi nghiệp TP HCM chiếm 50% trên cả nước

    17:00, 14/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và startup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO