Ân Thi dần hiện lên là một bức tranh kinh tế phát triển toàn diện, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp lớn, trọng điểm kinh tế của tỉnh Hưng Yên trong tương lai.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ân Thi trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ân Thi đã quy hoạch 12 khu công nghiệp (KCN). Đến nay đã có 5 KCN được Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.
Ân Thi có 3 dự án trọng điểm của tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng, gồm (KCN) sạch VTK; KCN số 5; KCN số 3. Trong đó, KCN sạch và KCN số 3 đã hoàn thành GPMB và bàn giao đất còn KCN số 5 đã GPMB bằng 98%.
KCN Thổ Hoàng có tổng mức đầu tư 3.095 tỷ đồng, sẽ xây dựng trên diện tích 250 ha tại huyện Ân Thi. Được trao chứng nhận đầu tư tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh tháng 7/2024.
Trên địa bàn huyện Ân Thi được quy hoạch, định hướng quy hoạch 14 cụm công nghiệp (CCN). Đến nay đã có 5 CCN trên địa bàn huyện được UBND tỉnh quyết định thành lập và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hút Nhà đầu tư thứ cấp.
Đây đều là các dự án có vai trò quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh, khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo môi trường thuận lợi để huyện Ân Thi trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược gắn với môi trường xanh, bền vững.
Với mong muốn thay đổi cơ cấu nền kinh tế, quy hoạch phát triển đất đai của huyện đến năm 2030 sẽ thực hiện chuyển hơn 6.000 ha từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu vào KCN và đô thị.
Giao thông tạo nền tảng thu hút đầu tư
Ân Thi với vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội, nằm giữa hai 2 tuyến hành lang phát triển quan trọng của khu vực Bắc bộ. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ chạy qua kết nối Ân Thi với các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc như: Tuyến đường nối đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội đang khẩn trương thi công; tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; QL.38, QL.38B và 7 tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn huyện.
Đồng thời, các hệ thống giao thông tiếp tục được mở rộng; dư địa bất động sản lớn; cùng giá trị tài nguyên “có một không hai”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng có các dự án giao thông lớn đang triển khai như dự án xây dựng đường Tân Phúc - Võng Phan, đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội,... từ Ân Thi dễ dàng di chuyển ra đường biển, tới cảng hàng không và qua cửa khẩu quốc tế.
Huyện Ân Thi nằm ở vị trí đắc địa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Khai thác những lợi thế này, huyện đã quy hoạch cảng cạn logistics với quy mô 80 ha, cùng với nguồn lực đất đai, cánh cửa cho phát triển công nghiệp tại huyện đang mở rộng mời gọi các nhà đầu tư về đây nhiều hơn.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư
Trong những năm qua, UBND huyện Ân Thi đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính, có nhiều chính sách ưu đãi về tiếp cận đất đai, thuế, tiếp cận vốn... để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, hộ tham gia kinh doanh, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, hay họp bàn cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, tạo nên sự đồng thuận, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong GPMB để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công trình giao thông, dự án đầu tư hạ tầng đối với các khu, CCN. Do vậy, đại diện các nhà đầu tư đang thực hiện dự án trên địa bàn huyện đều rất hài lòng với sự đồng hành và vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền.
Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phải đi trước một bước đồng thời cũng là công việc khó, phức tạp nên trong quá trình triển khai các dự án KCN trên địa bàn huyện Ân Thi, UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo tổ công tác phục vụ GPMB, thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn lực đất đai; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hỗ trợ, đền bù, GPMB đầu tư hạ tầng CCN, KCN...Góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận số 223-KL/TU về Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, công khai, minh bạch. Đồng thời, công bố, công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chi tiết, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Với sự đồng bộ, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, cùng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân; sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Ân Thi trở thành trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh Hưng Yên.