Để xây dựng NTM, cả hệ thống chính trị huyện Lục Nam luôn chung sức, đồng lòng, có những bước đi sáng tạo để cùng nhau vượt qua khó khăn, đem lại cuộc sống chất lượng cao cho người dân.
>> Lục Nam (Bắc Giang) thu hút đầu tư để phát triển du lịch
Quyết liệt…
Theo ông Lương Thế Tuấn, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Lục Nam, xác định xây dựng Nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của huyện nên lãnh đạo Huyện uỷ, UBND luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Năm 2021, để tổ chức, chỉ đạo thực hiện chương trình, UBND huyện, BCĐ xây dựng NTM huyện, phòng Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 77 văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình. Theo đó, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, như hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGap, in tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nhà màng, nhà lưới, có cơ chế hỗ trợ các xã xây dựng cơ sở hạ tầng, cứng hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng bãi rác thải và cơ chế hỗ trợ riêng cho xã đăng ký về đích NTM, NTM nâng cao và thực hiện thôn NTM kiểu mẫu năm 2021. Với mỗi xã về đích NTM được hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, xã về đích NTM nâng cao 01 tỷ đồng, xã thực hiện thôn NTM kiểu mẫu 200 triệu đồng ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh. Năm qua, lãnh đạo huyện đã tổ chức 24 cuộc làm việc với các xã để đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện; hàng tháng tổ chức giao ban, kiểm điểm và yêu cầu Ban quản lý xã báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện chương trình. Qua các cuộc kiểm tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các xã trong quá trình thực hiện.
Tại các xã, Ban giám sát cộng đồng được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả; thực hiện tốt việc giám sát thi công đối với các công trình có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ Chương trình NTM. Vì vậy các công trình sau khi hoàn thành đều đảm bảo chất lượng.
Sáng tạo…
Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho rằng, xây dựng NTM trước hết phải từ nội lực, có cách làm, chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa; biết lựa chọn những nội dung trọng tâm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Theo ông Nhàn, xây dựng NTM phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ; phải làm cho người dân xác định được chính họ là chủ thể của việc xây dựng NTM thì Chương trình mới thật sự thành công.
Qua thực tiễn đã xuất hiện một số cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tạo động lực ban đầu cho việc xây dựng NTM tại huyện. Các tổ chức đoàn thể chính trị của huyện như Hội Nông dân, Hội LH Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh đã tích cực vận động đoàn viên, hội viên của mình tham gia xây dựng NTM. Hội Phụ nữ với phong trào “năm không ba sạch”, Hội Nông dân với phong trào “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình”; Đoàn Thanh niên với phong trào “Thanh niên chung tay xây dựng NTM”... các phong trào đã thu hút hàng nghìn đoàn viên, hội viên trên địa bàn huyện tham gia thực hiện.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM là yếu tố cốt lõi để phát triển nông thôn bền vững, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã họp bàn và chọn việc xây dựng cảnh quan, môi trường nhằm làm thay đổi tư tưởng, thói quen, tập quán của nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh. Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất.
Toàn huyện đã ra quân thu gom, xử lý được khoảng 2680 tấn rác thải mỗi năm; phát quang bụi rậm được trên 365 km đường giao thông; nạo vét khơi thông dòng chảy được 29km kênh mương, rãnh thoát nước. Đến nay, các xã đã thành lập lực lượng chuyên trách thực hiện thu gom, xử lý rác thải; hoàn thành GPMB nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao; quy hoạch khu xử lý rác thải sinh hoạt của các xã, cụm xã,…
Ngoài ra, có một số mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Điển hình tại xã Bảo Đài, Trường Giang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất làm đường giao thông; Thôn Muối xã Lam Mẫu, thôn Giáp Sơn xã Cẩm Lý, thôn Long Lanh xã Bảo Đài tuyên truyền vận động người dân thực hiện thôn NTM kiểu mẫu đảm bảo sáng xanh, sạch, đẹp với những đường hoa, vẽ tranh khu vực trung tâm văn hoá xã…
Huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông như Báo Bắc Giang, Đài TT-TH Bắc Giang, Truyền hình VTV1, Tạp chí kinh tế & dự báo thực hiện 10 chương trình tuyên truyền về xây dựng NTM, giới thiệu gương điển hình trong phát triển kinh tế, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện xây dựng được 1042 tin bài và 12 chuyên mục về kết quả thực hiện xây dựng NTM tại các xã, đặc biệt là các xã về đích, các mô hình điểm, cách làm hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng.
…và khởi sắc
Tính đến hết năm 2021, huyện Lục Nam đã có 17 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Bảo Đài, Đông Hưng, Đông Phú, Phương Sơn, Bắc Lũng, Chu Điện, Khám Lạng, Bảo Sơn, Cẩm Lý, Lan Mẫu, Tiên Nha, Huyền Sơn, Cương Sơn, Tam Dị, Thanh Lâm, Nghĩa Phương, Đan Hội; 02 xã Đông Phú và Bảo Đài đạt chuẩn NTM nâng cao.
Xác định xây dựng NTM là không có điểm dừng, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các xã sau khi đạt chuẩn phải duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã được công nhận. Vì vậy mà chất lượng các tiêu chí của các xã ngày càng được hoàn thiện, nâng cao, đặc biệt là các tiêu chí về thôn NTM kiểu mẫu như: tỷ lệ hộ nghèo, tiêu chí đường giao thông, tỷ lệ người dân tham gia BHYT...
>> Lục Nam: Giải pháp phát triển du lịch huyện
>> Huyện Lục Nam (Bắc Giang): Ưu tiên đầu tư dự án trọng điểm
Ông Hoàng Kiều Vương, Chủ tịch UBND xã Đông Phú cho biết, Đông Phú ngày nay đã vui tươi, phấn khởi khi cán đích nông thôn mới với hạ tầng thiết yếu được nâng cấp. Từng cụm dân cư “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh” được hình thành với nhịp sống tươi vui, an ninh trật tự được giữ vững. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện. Xây dựng nông thôn mới xã đã có bước chuyển “ngoạn mục” về mọi mặt. Hệ thống đường giao thông được cải thiện, nâng cấp, cứng hóa 99%. Thu nhập bình quân đầu người của nhân dân đã ổn định và tiếp tục được nâng cao nhờ phát triển kinh tế nông thôn. Hiện, Đông Phú đang triển khai mạnh mẽ mô hình trồng dưa, cho thu nhập từ 5-6 triệu đồng/sào.
Đề cao công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM, ông Dương Hữu Thực, Chủ tịch UBND xã Bảo Đài chia sẻ, để xây dựng NTM nâng cao, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thóng chính trị và toàn xã hội, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động trên địa bàn xã đã được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động và hiệu quả. Thông qua truyền thông đã huy động được cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư vào cuộc, phát huy đầy đủ, toàn diện nội lực và tiềm năng, sáng tạo của nhân dân; động viên, khuyến khích nhân dân chủ động, tích cực tham gia với vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Sự đồng thuận của nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương.
Về vấn đề này, ông Chu Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Sơn cho rằng, để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đạt chuẩn NTM nâng cao, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Nam thì nội lực của nhân dân là vô cùng quan trọng. Ông Hợp dẫn chứng, câu chuyện xây dựng NTM luôn trở thành chủ đề bàn luận chính của bà con trong xã, đặc biệt là xây dựng đường giao thông. Sau khi có chủ trương hỗ trợ xi măng của huyện, người dân từng thôn đã đồng lòng, thống nhất góp công, góp sức làm đường bê tông đến từng hộ dân; đời sống tuy khó khăn về nhiều mặt nhưng luôn đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống cũng như phát triển kinh tế địa phương. Trên cơ sở “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân. Việc triển khai được thực hiện nhanh chóng, phát huy hiệu quả tinh thần dân chủ, giám sát của nhân dân. Những tuyến đường được thi công với sự thống nhất cao từ hình thức thi công, đóng góp trong cộng đồng và thời gian thực hiện đều do nhân dân quyết định.
Tuy nhiên, ông Hợp cho biết, do địa bàn xã rộng, dân cư đông đúc (16.000 dân) nên hệ thống cơ sở hạ tầng, kênh mương nội đồng còn thiếu, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sản xuất của nhân dân địa phương. Do đó, Đảng ủy, chính quyền xã Bảo Sơn mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Nam trong việc hỗ trợ kinh phí và xi măng xây dựng nhằm phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội của địa phương được nhiều hơn nữa, góp phần xây dựng NTM chung cho tỉnh Bắc Giang giàu đẹp, văn minh.
Có thể bạn quan tâm
Vải thiều Bắc Giang hứa hẹn “được mùa”,“được giá” trên sàn thương mại
13:17, 26/05/2022
Lục Nam (Bắc Giang) hút đầu tư để phát triển du lịch
14:28, 25/05/2022
Tân Yên (Bắc Giang): Tạo đột phá trong thu hút đầu tư
08:02, 15/04/2022
Bắc Giang là bến đỗ lý tưởng cho các doanh nghiệp FDI
10:31, 07/04/2022
Bắc Giang: Kiểm soát chặt hoạt động công chứng bất động sản
03:00, 20/03/2022