Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ không chỉ có nhiều tiềm năng nhất để sản xuất hydro xanh mà còn tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ loại năng lượng này.
>>>Việt Nam có tiềm năng sản xuất hàng chục triệu tấn hydrogen xanh
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển năng lượng tái tạo nhằm ứng phó khẩn cấp với biến đổi khí hậu và giảm phát thải. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,7% trong thập kỷ này, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện một lộ trình đầy tham vọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của quốc gia một cách bền vững. Trong đó, năng lượng tái tạo đáp ứng 47% nhu cầu điện năng vào năm 2050.
Ông Nguyễn Thế Thắng - đại diện Viện năng lượng nhận định: việc sử dụng hydro xanh được đánh giá là giải pháp quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng do những đặc tính ưu việt về giảm phát thải các khí ô nhiễm và CO2. Sản xuất hydro được kích hoạt từ việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo và giảm chi phí sản xuất năng lượng mặt trời và gió. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào về điện mặt trời, điện gió nên có tiềm năng rất lớn để sản xuất hydrogen xanh.
Nhờ những tiến bộ trong khoa học công nghệ, hydrogen xanh và các dẫn suất có thể được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp khó giảm phát thải, từ giao thông vận tải đến khử các-bon trong các ngành công nghiệp như thép, hóa chất và trộn vào mạng lưới khí đốt tự nhiên hiện có để sưởi ấm trong các tòa nhà…
Nhóm Đối tác quốc tế bao gồm G7, EU, Đan Mạch và Na Uy, trong Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Việt Nam đã xác định sản xuất hydro xanh là ưu tiên chính trong Tuyên bố chính trị của JETP. Tuy nhiên, sản xuất và sử dụng hydro xanh là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã chuẩn bị có một số dự án đầu tư hydro xanh song cái thiếu là khung pháp lý toàn diện và nghiên cứu, phát triển công nghệ nhiên liệu hydro xanh cũng như mức tiêu thụ tiềm năng trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Chia sẻ về nhu cầu sử dụng hydro xanh cho các ngành sản xuất của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trường - chuyên gia đại diện cho nhóm nghiên cứu dự án đánh giá tổng thể sản xuất hydro xanh nhấn mạnh: đó là con số lớn. Theo tính toán, tổng lượng giảm phát thải CO2 khi sử dụng hydro xanh theo các kịch bản: năm 2030 sẽ giảm khoảng 3,9 triệu tấn CO2 tương ứng 0,6% so với phát thải cơ sở; năm 2050 giảm khoảng 363,8 triệu tấn CO2 tương ứng 30,1% so với phát thải cơ sở.
Trên cơ sở đánh giá tổng thể sản xuất và tiềm năng sử dụng hydro xanh, ông Nguyễn Văn Trường khuyến nghị sản xuất hydro xanh tốt nhất ở những địa điểm thuận lợi, có nguồn điện tái tạo tại chỗ. Nguồn hydro xanh sản xuất ra có thể được cung cấp trực tiếp cho hộ tiêu dùng công nghiệp địa phương để hạn chế chi phí lưu giữ và vận chuyển.
>>>Hydrogen xanh góp phần giảm phát thải carbon ở Việt Nam
Theo nhóm nghiên cứu, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ được đánh giá có nhiều thuận lợi về đất đai, nguồn nước và thuận tiện khi xuất nhập khẩu hydro xanh. Đây cũng là hai khu vực có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Trường, hai khu vực này là nơi tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm như lọc hóa dầu, sản xuất điện, hóa chất, phân bón… - những khách hàng tiêu thụ sản phẩm hydro xanh tiềm năng. Do đó, có sự thuận lợi trong việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng hydro xanh nhờ ưu điểm về khoảng cách, cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối, lưu chứa.
Viện Năng lượng lưu ý cần phân bổ nguồn lực thực hiện hợp lý ở từng giai đoạn, nhận biết thứ tự ưu tiên của các ngành cần phải thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang hydro xanh; các ngành có phát thải lớn trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam và khó có khả năng áp dụng các giải pháp giảm thiểu như giao thông, thép, hóa chất, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, lọc hóa dầu…
Ông Nguyễn Văn Trường cũng cho rằng, trong thời gian tới, ưu tiên ở các lĩnh vực có điều kiện thuận lợi như dầu khí, hóa chất, phân đạm. Những lĩnh vực này có thể giảm phát thải khí nhà kính ngay với cơ sở hạ tầng hiện có, chỉ cần lắp đặt thêm hệ thống thu giữ CO2 để chuyển đổi mà không cần nhiều chi phí đầu tư công nghệ mới và thiết bị chuyển đổi đắt đỏ.
Có thể bạn quan tâm
Hydro xanh sẽ "khai tử" năng lượng hóa thạch?
02:00, 31/12/2022
Phát triển điện mặt trời mái nhà “tự dùng” có lợi cho các bên tham gia
04:00, 24/05/2023
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành
08:07, 18/05/2023
Điện mặt trời mái nhà: Giúp doanh nghiệp sớm đạt mục tiêu "xanh hóa"
07:09, 29/04/2023
Điện mặt trời mái nhà: Cần khơi thông để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch
11:00, 05/07/2022
Kỳ vọng tăng trưởng của PVS nhìn từ các dự án điện gió ngoài khơi
05:47, 31/05/2023
Một số giải pháp thúc đẩy chính sách phát triển điện gió ngoài khơi
11:00, 06/04/2023
Sức hút từ điện gió ngoài khơi
04:30, 17/02/2023