Intel đang lên kế hoạch để tung ra một dòng CPU mới dành cho máy tính xách tay trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2021.
Những nỗ lực này được Intel đặt ra trong bối cảnh công ty đang phải vật lộn để duy trì vị trí dẫn đầu của mình – cũng như vị thế của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip trước các đối thủ châu Á.
Intel là công ty chip lớn nhất của Mỹ tính theo doanh thu và là nhà sản xuất bộ vi xử lý duy nhất của Mỹ vẫn sản xuất theo các thiết kế tiên tiến của riêng mình. Mặc dù vậy, Intel cũng vẫn phải vật lộn với các vấn đề sản xuất cũng như doanh thu trong những năm gần đây.
Được biết, Intel sẽ phát hành dòng chip mới nhất của mình, có tên là Tiger Lake vào ngày 2/9 theo giờ Mỹ. Đây sẽ là đơn vị xử lý trung tâm thứ hai của Intel dành cho máy tính xách tay sử dụng công nghệ quy trình 10 nanomet - công nghệ tiên tiến nhất của một công ty Mỹ. Intel cho biết khách hàng sẽ bắt đầu được trải nghiệm chipset 10 nanomet của họ trong các máy chủ đám mây, cũng như máy tính để bàn vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Sự ra mắt của Tiger Lake mới diễn ra chỉ một tháng sau khi Intel thừa nhận rằng công ty đang phải đối mặt với một sự chậm trễ lớn khác trong thế hệ tiếp theo của công nghệ sản xuất chip của mình. Intel hiện đang đặt mục tiêu triển khai công nghệ xử lý 7 nanomet vào một thời điểm thích hợp trong thời gian khoảng từ năm 2022 đến 2023.
Trên thực tế, kích thước nanomet đề cập đến chiều rộng dòng giữa các bóng bán dẫn trên chip. Kích thước càng nhỏ, các con chip càng hiện đại và mạnh hơn. Các đối thủ châu Á của Intel là Samsung Electronics và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. hiện đang sản xuất chip 7 và 5 nanomet.
Trong rất nhiều năm, Intel vẫn luôn là nhà sản xuất bộ vi xử lý lớn nhất thế giới cho máy tính, và từ lâu công ty này đã luôn dẫn đầu trong ngành công nghiệp chip toàn cầu. Khả năng ép nhiều bóng bán dẫn hơn bao giờ hết vào chip đã là yếu tố then chốt trong nhiều thập kỷ giúp định hình tên tuổi của Intel trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cùng sự phát triển nhanh chóng của các công ty công nghệ đã khiến Intel phải đối mặt với những thách thức từ các đối thủ nhỏ hơn ngay trong nội địa Mỹ, chẳng hạn như Advanced Micro Devices và Nvidia. Không giống như Intel, AMD và Nvidia không tự sản xuất chip mà thuê các nhà sản xuất chip chuyên nghiệp tại Châu Á như TSMC và Samsung.
Chẳng hạn, các sản phẩm vi mạch tiên tiến nhất của AMD đều dựa trên công nghệ xử lý 7 nanomet của TSMC. Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành AMD Lisa Su cho biết công ty sẽ áp dụng công nghệ 5 nanomet của TSMC vào năm 2021. Hay Apple - một khách hàng lâu năm của Intel, cũng đã tuyên bố sẽ chuyển từ chip của Intel dành cho máy tính Mac sang bộ vi xử lý do chính họ thiết kế vào đầu năm nay, với việc thuê TSMC gia công chip.
Ngành công nghiệp chip đã trở thành chiến trường then chốt trong cuộc chiến tranh công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington. Các thành phần bán dẫn được ví như não bộ của hầu hết mọi loại thiết bị điện tử, khiến việc thiết kế và sản xuất chip trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Vào tháng 6, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ đã đưa ra dự luật đề nghị gần 23 tỷ USD giúp hỗ trợ các nhà máy bán dẫn ở Mỹ nhằm chống lại ngành công nghiệp chip đang trỗi dậy của Trung Quốc và duy trì vị trí hàng đầu của Mỹ.
Intel cho biết CPU máy tính xách tay Tiger Lake mới nhất mang đến những đột phá về hiệu suất tính toán cũng như đồ họa và sức mạnh AI, đồng thời Intel hy vọng công nghệ này sẽ là động lực tăng trưởng chính của công ty cho năm 2020. Intel cho biết ít nhất 50 mẫu máy tính xách tay được trang bị dòng chip Tiger Lake sẽ sẵn sàng ra mắt trong năm nay.
Trong khi đó TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới với các khách hàng “tầm cỡ” như Apple, Huawei và Qualcomm cũng đang cố gắng củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip. Được biết, hiện TSMC đã sản xuất hàng loạt chip sử dụng công nghệ 5 nanomet, sẽ được sử dụng trong các bộ vi xử lý iPhone hàng đầu sắp tới của Apple, và vào cuối tháng 8 vừa qua, TSMC xác nhận rằng họ đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển mới cho công nghệ 2 nanomet và cả các công nghệ còn hiện đại hơn thế nữa.
CY Yao - nhà phân tích chip của TrendForce, bất kể chiến tranh công nghệ giữa Mỹ - Trung có như thế nào, nhưng Intel và các công ty sản xuất chất bán dẫn khác của Mỹ như Texas Instruments, Analog Devices và Micron, vẫn giữ vị trí chiến lược và cạnh tranh trong ngành công nghiệp sản xuất chip toàn cầu. Ông Yao nói với Nikkei: "Ngành công nghiệp chip của Mỹ đã xây dựng nền tảng công nghệ sâu hơn và mạnh mẽ hơn trong nhiều thập kỷ so với các nhà sản xuất chip ở châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nói thêm rằng Mỹ không thể để "mất cảnh giác đối với ngành công nghiệp chip của mình trong những thời điểm như thế này, đặc biệt là việc nâng cao tầm quan trọng của lĩnh vực sản xuất chip có thể tạo ra cơ hội việc làm - một yếu tố quan trọng mà chính quyền Trump luôn đề cao trong cácchiến dịch tranh cử tổng thống".
Có thể bạn quan tâm
Nhà sản xuất chip Intel đang vấp phải một loạt cú va vấp
11:23, 27/07/2020
Intel tăng cường phát triển xe tự lái
13:19, 05/05/2020
CEO Intel: “những công ty giỏi giang sẽ trưởng thành hơn trong khủng hoảng”
13:19, 27/04/2020
Intel chi 2 tỷ USD mua lại công ty khởi nghiệp Habana Labs của Israel
04:19, 18/12/2019