Iran đang "vươn mình" trở lại

CẨM ANH 11/09/2023 03:30

Iran đã có sự phục hồi kinh tế nhất định, nhờ mối quan hệ với các đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.

>>Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran

Tổng thống Iran g Iran Ebrahim Raisi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, tháng 2/2023

Khi Iran lần đầu tiên thử mở cửa vào những năm 1990 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, đất nước này đã gặp khó khăn trong việc tạo ra một nền kinh tế gắn kết hơn, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.

Cùng với đó, các nhà lãnh đạo của Iran đã bắt đầu tiến hành các chính sách ngoại giao một cách thận trọng và bắt đầu tìm kiếm những đối tác lớn.

Theo Reuel Marc Gerecht, cựu sĩ quan CIA, Iran bắt đầu tìm kiếm đối tác vào một thời điểm không thích hợp: ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khi sức mạnh của Mỹ phần lớn không bị cạnh tranh. Châu Âu luôn sẵn sàng giao thương với Iran, nhưng các khoản đầu tư của họ, ngay cả trong lĩnh vực dầu mỏ, lại được thực hiện một cách thận trọng.

Dù Trung Quốc và Nga thể hiện sự tích cực hơn trong việc tiến hành thương mại với Iran, nhưng họ vẫn né tránh việc bày tỏ thái độ đối địch với Washington. Trên thực tế, chuyên gia này chỉ ra, Bắc Kinh và Moscow đã hạn chế việc gây căng thẳng với Mỹ ở đỉnh cao quyền lực thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Trung Quốc lúc này đang tập trung cao độ vào phát triển kinh tế, cần tiếp cận thị trường Mỹ và công nghệ Mỹ. Do đó, Bắc Kinh không quan tâm đến việc liên minh với một trong những đối thủ chính của Washington. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nga cũng quan tâm đến đối thoại và thương mại với Mỹ khi họ tìm cách hội nhập Nga vào nền kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, trong 15 năm qua, điều này đã thay đổi. Bắc Kinh và Moscow đã thường xuyên chào đón các quan chức Iran và đề nghị hỗ trợ kinh tế và quân sự sâu rộng hơn cho Tehran. Mặc dù những viện trợ này có kèm theo nhiều ràng buộc nhưng Tehran vẫn được hưởng lợi rất nhiều.

>>Vì sao Iran đang xích lại gần Nga?

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Tehran, tháng 7/2022. Ảnh: AP

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Tehran, tháng 7/2022. Ảnh: AP

Ông Ray Takeyh, nghiên cứu viên cao cấp về Trung Đông nhận định, trong những năm qua, Trung Quốc đã tạo ra phạm vi ảnh hưởng của riêng mình khi giành được đặc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên của Nam bán cầu và đã biến Iran trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực tiếp cận khu vực Trung Đông.

Năm 2021, Trung Quốc và Iran đã ký thỏa thuận 25 năm cho phép Trung Quốc thâm nhập gần như vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Iran. Bắc Kinh có kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng và viễn thông của Iran, đồng thời cam kết sẽ trợ giúp ngành năng lượng và ngành công nghiệp hạt nhân dân sự của quốc gia này phát triển.

"Đối với Tehran, những thỏa thuận này đã mang lại lợi ích kinh tế và an ninh hữu hình. Iran đang bán hàng triệu thùng dầu cho Trung Quốc mỗi tháng, yếu tố giúp GDP của nước này tăng trưởng. Iran cũng là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tháng 8 vừa qua, đồng thời quốc gia này được mời tham gia BRICS, một khối gồm các nền kinh tế lớn đang phát triển", chuyên gia này cho biết trong một bài viết được đăng tải trên Foreign Affairs.

Trong khi đó, Nga đã giúp Iran hiện đại hóa quân đội. Trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Nga sang Iran đã tăng 27%. Hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ cam kết Moscow sẽ đầu tư 40 tỷ USD vào các dự án khí đốt của Iran.

Chiến sự Nga - Ukraine đã khiến Nga bị cô lập khỏi nhiều đối tác truyền thống, nhưng Iran rõ ràng đã đứng về phía Nga. Quốc gia này cũng đã bán số lượng lớn máy bay không người lái cho Nga. Đổi lại, Moscow đã mở kho vũ khí, cung cấp cho Iran các hệ thống phòng không, máy bay trực thăng và sắp tới là các máy bay tiên tiến như Sukhoi Su-35.

Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh, Moscow và Tehran đã trở thành một trục, chấm dứt tình trạng cô lập của Iran một cách hiệu quả. Được hỗ trợ bởi những đồng minh mới này, Iran có thể khôi phục hoạt động chế tạo bom hạt nhân. Nhờ đó, chính phủ Tehran đang cảm thấy mạnh mẽ và an toàn hơn bao giờ hết.

Mặc dù vậy, đối với Tehran, việc có được những đối tác mới hùng mạnh không phải lúc nào cũng là tin tốt. Với sự bảo trợ của một số cường quốc, Iran đã phải đưa ra những nhượng bộ mà họ chắc chắn không hài lòng.

Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng quyền lực của mình. Bắc Kinh muốn sự ổn định ở Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ, đặc biệt sau khi đầu tư kinh tế sâu rộng vào Saudi Arabia. Ngược lại, Iran thích làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu mỏ ở vùng Vịnh để gây tổn thất cho các đối thủ Ả Rập.

Ví dụ, vào năm 2019, Tehran đã tấn công các cơ sở chế biến dầu của Saudi Aramco bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình, khiến sản lượng dầu của Saudi Arabia tạm thời giảm một nửa và đẩy giá dầu toàn cầu tăng 20%. Nhưng Trung Quốc dường như đã buộc Iran phải giảm căng thẳng với Saudi Arabia, thúc đẩy họ nối lại quan hệ trong một thỏa thuận hồi tháng 3/2023 giữa ba nước.

Với sự giúp đỡ của các cường quốc, Iran đã ổn định nền kinh tế và bắt đầu bổ sung lực lượng phòng thủ. Dù còn rất nhiều rào cản để quốc gia này cần phải vượt qua, nhưng điều đó có thể chỉ còn là vấn đề thời gian.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Iran đang xích lại gần Nga?

    Vì sao Iran đang xích lại gần Nga?

    03:30, 04/05/2023

  • Hé lộ điều đáng quan ngại về thỏa thuận quân sự Nga - Iran

    Hé lộ điều đáng quan ngại về thỏa thuận quân sự Nga - Iran

    03:30, 21/04/2023

  • Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran

    Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran

    03:00, 17/03/2023

  • Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    03:00, 16/03/2023

  • Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    04:30, 05/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Iran đang "vươn mình" trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO