Cũng học ở trường Stanford như những “ông trùm công nghệ” sáng lập ra Google, Yahoo hay Instagram, thế nhưng Jake Miller lại chọn và thành công với… bình pha cà phê.
>>Xu thế mới: Cà phê pha… đủ thứ
Là một người nghiện cà phê, Miller luôn quyết tâm tạo nên một chiếc ấm cà phê vừa đẹp vừa có công năng nâng cao hương vị cà phê. Khi còn ở Stanford, anh đã bắt đầu tạo hình những sản phẩm ấm đun bằng điện có vỏ ngoài bóng bẩy với một chiếc vòi dài để tối ưu thao tác rót nước. Và khi tốt nghiệp MBA năm 2013, anh chính thức thành lập công ty khởi nghiệp sáng tạo Fellow, với sản phẩm đầu tiên chính là chiếc ấm đun cà phê.
Ở thời điểm hiện tại, Fellow có hơn 20 sản phẩm liên quan đến cà phê. Rất nhiều sản phẩm nhận được các giải thưởng về thiết kế. Đội nhóm của anh có 80 người, trong đó một phần tư từng là nhân viên thiết kế ở Tesla, Apple, Google và những ông lớn ngành công nghệ khác. Công ty còn có nhiều tiềm năng phát triển và vừa nhận được 30 triệu USD tiền đầu tư ở vòng gọi vốn Series B.
Tuy nhiên bước đường phát triển của Fellow không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mặc dù trong 15 năm qua, khẩu vị cà phê của người Mỹ đã tinh tế hơn rất nhiều với hàng loại thương hiệu cà phê nổi tiếng, thế nhưng các nhà đầu tư vẫn không tin một công ty chuyên thiết kế các dụng cụ pha cà phê như Fellow sẽ thành công. Hay như theo Miller, các nhà đầu tư thường thích các công ty công nghệ hơn, những thứ mà bạn đồng trang lứa của anh ở Stanford hay làm.
Vậy nên Miller xây dựng sự nghiệp tự nhiên, không nhận bất kỳ khoản đầu tư lớn nào. Mãi đến tận năm ngoái, Fellow mới nhận được 7,6 triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần. Không chỉ vậy, “thời” của Fellow cũng đến khi thị trường cà phê bùng nổ trong năm năm qua, dự kiến đạt 85 tỷ USD vào năm 2025. Hơn thế nữa, đại dịch diễn ra khiến nhiều người có thói quen pha cà phê tại nhà thay vì ra quán. Tất cả những điều này tạo cơ hội rất tốt cho Fellow. Và Miller dự kiến mở rộng, đồng thời mong muốn kéo được nhân viên từ các công ty công nghệ hàng đầu.
Chẳng hạn Brannon Smith, giám đốc sản phẩm của Fellow. Ngành học của Smith là kỹ sư máy, và Smith từng làm thiết kế phần cứng ở Boeing và Apple. Tuy nhiên vào tháng 10 năm ngoái, ông quyết định về làm cho Fellow. Theo chia sẻ của ông, ông cũng là một người trong làn sóng xin nghỉ việc năm ngoái. Ông muốn làm tại một công ty có thể đem đến niềm vui cho mọi người.
>>Forbes Under 30 Asia 2022: Nhà thiết kế chế tạo vải từ vỏ hải sản và bã cà phê
Michael Kubba, COO của Fellow, trước đây từng làm tại Google và Tesla. Giống như Smith, ông cũng bị thu hút bởi sự đơn giản từ những sản phẩm của Fellow. Ông nói rằng những sản phẩm của Fellow đều khá đơn giản, nhưng tích hợp nhiều kỹ năng, tinh hoa và công nghệ.
Như mẫu máy xay cà phê Ode Grinder, chiếc máy này cho phép người dùng xay cà phê đúng kiểu theo từng phương pháp pha, từ pha kiểu Pháp French press cho đến cold brew. Fellow dành nhiều năm để hoàn thiện sản phẩm này, giúp giảm tối đa tiếng ồn khi hoạt động. Họ cũng mất nhiều thời gian để tìm cho đúng loại động cơ và lưỡi xay phù hợp.
Một trong những sản phẩm đơn giản nhất của Fellow là cốc uống cà phê cầm tay. Tuy nhiên theo Miller, họ cũng dành ra hai năm để thiết kế sản phẩm này, với mục tiêu khi người dùng uống, thì cà phê theo cốc sẽ rơi vào đúng phần của lưỡi để người uống cảm nhận vị cà phê tốt nhất. Đồng thời sản phẩm này có phần tráng men ở trong tăng hương vị và cách nhiệt để giữ cà phê luôn nóng.
Nếu so về vấn đề lương với các công ty công nghệ, thì rõ ràng Fellow không thể theo kịp. Tuy nhiên theo Kubba, Fellow có những điểm hấp dẫn khác. Ở Fellow, các nhân viên này có nhiệm vụ quan trọng hơn và có thể đảm nhận toàn bộ sản phẩm. Đồng thời họ cũng có thể thấy được sản phẩm của mình được đưa ra thị trường nhanh hơn. Hay như cách nói của Kubba, để một chiếc xe Tesla ra mắt thị trường thì phải mất cả thập kỉ. Còn sản phẩm của Fellow có thể chỉ cần 2-3 năm để ra mắt.
Hiện tại, mặc dù Fellow có hàng triệu đô vốn đầu tư và một đội ngũ thiết kế hàng top đầu, nhưng cách làm của Miller với Fellow cũng không thay đổi so với thời anh còn trong kí túc xá Stanford. Tức là vẫn tập trung vào dây chuyển sản xuất để cho ra những sản phẩm nâng cao trải nghiệm dùng cà phê tại nhà của khách hàng, đồng thời cũng phải đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Mục tiêu của Miller là biến Fellow trở thành Dyson của giới cà phê.
Có thể bạn quan tâm