EVFTA có hiệu lực sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước và thúc đẩy M&A.
Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩmđa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, từ đó xuất sang các quốc gia khác. Rất nhiều dự án có quy mô khá lớn đã được khởi động. Mới đây, thị trường dược Việt Nam đã chính thức đón nhận thêm một nhà sản xuất dược lớn của thế giới là AstraZeneca Việt Nam trực thuộc Tập đoàn AstraZeneca (Anh). Tập đoàn này cam kết đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng (xấp xỉ 220 triệu USD) vào Việt Nam giai đoạn 2020-2024.
Đáng chú ý, AstraZeneca Việt Nam đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị trong nước, trong đó có lĩnh vực phân phối dược phẩm.
Không chỉ mở rộng đầu tư, các công ty dược phẩm nước ngoài có xu hướng tiến hành M&A để tận dụng nguồn lực có sẵn nhằm giảm chi phí và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường Việt Nam. Sau các thương vụ điển hình như Dược Hậu Giang với Taisho (Nhật), Mekophar với Nipro Pharma (Nhật), Pymepharco với Stada (Đức) hay Domesco với Abbott (Mỹ), làn sóng đầu tư của nước ngoài vào ngành dược tại Việt Nam sẽ chưa dừng lại.
Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty SK Investment Vina III, một đơn vị đầu tư trực thuộc Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc, cũng đã nhận chuyển nhượng hơn 12,3 triệu cổ phiếu IMP của Imexpharm, tương đương 24,9% cổ phần của doanh nghiệp này.
Không chỉ có vậy, cuối năm 2019, Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam (Sanofi Việt Nam) đã trở thành tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu thuốc. Việc công ty này được quyền nhập khẩu dược phẩm cho thấy độ mở cửa của thị trường trong lĩnh vực y tế, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đi vào thực tiễn và đặc biệt là EVFTA.
Có thể bạn quan tâm