Kẽ hở trong Luật Đấu giá tài sản

KHÔI NGUYÊN - HƯƠNG GIANG 12/10/2022 00:30

Pháp luật về đấu giá tài sản đang có những kẽ hở bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng để trục lợi, do đó cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để hoạt động này được minh bạch hơn…

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan tới những bất cập của pháp luật về đấu giá tài sản hiện nay.

>>Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Kỳ vọng giảm tiêu cực

hihii

Các lô đất đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh minh họa

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Chí Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình chia sẻ một câu chuyện thực tiễn với báo chí, trong thời gian đầu thực thi Luật Đấu giá tài sản, tại những cuộc đấu giá đất trên địa bàn Tỉnh Quảng Bình, hầu hết các tổ chức đấu giá tài sản sử dụng hình thức trả giá trực tiếp tại cuộc đấu giá. Khi áp dụng hình thức này đã phát sinh hiện tượng thông đồng, dìm giá, đe dọa người tham gia đấu giá, làm mất an ninh trật tự, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo. Tới nay, Sở này đã tham mưu trình UBND Tỉnh đưa ra quy định thống nhất sử dụng hình thức bỏ phiếu gián tiếp với tất cả các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, nhờ đó, khắc phục được hiện tượng nêu trên.

Còn ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp thuộc Sở Tư pháp TP.HCM chia sẻ, quy định của Luật Đấu giá tài sản đối với thông báo đấu giá là phải công khai thông báo trên báo in, báo hình, trên Cổng thông tin về đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp, dán niêm yết tại nơi có tài sản… Trên thực tế, nhiều trường hợp việc công khai thông báo đấu giá không được thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt hiệu quả công khai. Cụ thể, có trường hợp không đăng thông báo đấu giá trên Cổng thông tin nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, trong khi sai sót này có thể ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuộc đấu giá do thông tin thiếu công khai, minh bạch.

“Chế tài hiện nay chưa đủ tính răn đe, tôi mạnh dạn đề xuất có thể hủy ngay kết quả đấu giá đối với những trường hợp phát hiện sai phạm không công khai thông báo đấu giá theo quy định của pháp luật”, ông Băng nhấn mạnh.

>>Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Phí và thù lao chưa… thỏa đáng

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Đào Trung Kiên – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, có trường hợp tổ chức đấu giá tài sản đăng thông báo đấu giá trên báo in có số lượng người đọc ít, không phù hợp với đối tượng đấu giá, thông tin đấu giá không tới được đúng đối tượng cần mua. Có tổ chức đấu giá tài sản lựa chọn đăng thông báo đấu giá trên kênh truyền hình ít người xem (kênh truyền hình dân tộc thiểu số…), đăng vào khung giờ 12 giờ đêm, 3 giờ sáng.

Chỉ rõ bất cập trong pháp luật về đấu giá tài sản có thể dẫn đến tiêu cực trong đấu giá, vị chuyên gia này cũng thẳng thắn  cho rằng, đang có kẽ hở trong việc bán hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá và thu tiền đặt trước.

Cụ thể theo luật sư Đào Trung Kiên, Khoản 2 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định, tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định, tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày.

Như vậy, trong trường hợp đấu giá theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp, người tham gia đấu giá được quyền nộp phiếu trả giá trước, sau đó nộp tiền đặt trước vào ngày trước liền kề ngày tổ chức đấu giá.

“Quy định này chưa phù hợp, có thể dẫn đến tình trạng thông đồng, móc nối, dàn xếp, thỏa thuận giữa những người tham gia đấu giá, thậm chí giữa tổ chức đấu giá tài sản với người tham gia đấu giá” – Luật sư Kiên nói.  Lý giải về bất cập này, luật sư Đào Trung Kiên cho rằng, sau khi nộp phiếu trả giá, người tham gia đấu giá có thời gian để trao đổi, thăm dò thông tin về giá trả đấu giá, từ đó có thể tiến hành thương lượng, móc nối.

“Khi đó, xuất hiện trường hợp người trả giá cao nhưng không nộp tiền đặt trước, dẫn tới không đủ điều kiện tham gia đấu giá; người có phiếu trả giá thấp hơn nộp tiền đặt trước và trúng đấu giá. Khi đó, nguy cơ gây thất thu ngân sách nhà nước qua đấu giá là hiện hữu”, luật sư Đào Trung Kiên nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Kỳ vọng giảm tiêu cực

    Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Kỳ vọng giảm tiêu cực

    03:30, 06/10/2022

  • Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

    Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

    04:00, 28/03/2022

  • Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Phí và thù lao chưa… thỏa đáng

    Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Phí và thù lao chưa… thỏa đáng

    04:00, 27/03/2022

  • Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá

    Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá

    04:00, 26/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kẽ hở trong Luật Đấu giá tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO