Quảng Ninh - Hải Phòng – Hải Dương – Hưng Yên đều có thế mạnh riêng, nhưng thay vì “mạnh ai nấy lo”, thì 4 địa phương đã bắt tay liên kết để phát triển kinh tế đồng bộ hơn, bền vững hơn.
>>Vai trò và uy tín của VCCI ngày một nâng cao
Ngày 28/7/2022, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra buổi thảo luận và lễ Ký kết Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Không gian mới, tầm nhìn mới cho Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên.
Sứ mệnh kết nối của VCCI
Bốn địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên thời gian qua đã rất thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam.
>>>Chủ tịch VCCI: Hai yếu tố trở thành lợi thế đặc biệt và thương hiệu của Quảng Ninh
Tuy nhiên, theo nhận định, để vươn mình trở thành một cực tăng trưởng mới – một trung tâm kinh tế năng động của vùng Đông Bắc Bộ thì cả bốn địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng không gian kinh tế, cần đổi mới phương pháp, thay vì xúc tiến đầu tư riêng cho từng tỉnh thì cần đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư chung cho cả vùng. Hay nói một cách khác là “muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”.
Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND Hải Dương khẳng định: Trong những năm qua các tỉnh cũng đã có những liên kết, phối hợp. Tuy nhiên, sự liên kết chưa thực sự phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh. Vì vậy, các tỉnh cần một “nhạc trưởng” như VCCI để dẫn dắt, kết nối phát huy hết tiềm năng thế mạnh, tạo lên trục kinh tế lớn của Bắc bộ cũng như trên cả nước.
Ông Triệu Thế Hùng cho rằng: Với trục giao thông kết nối là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã hình thành, và trong tương lai, giữa 4 tỉnh có thể có thêm các trục giao thông khác (cả đường bộ, đường thủy, đường sắt): sẽ là cơ sở để các tỉnh, thành, trong đó có Hải Dương quy hoạch các Khu công nghiệp động lực, các trung tâm logistics gắn với các nút giao tuyến cao tốc. Cùng với sự tham gia các Nhà đầu tư khu công nghiệp có năng lực, giúp kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án sản xuất xuất kinh doanh có chất lượng. Đây là cơ hội để 4 tỉnh tăng trưởng đột phá trong thời gian tới.
“Đề nghị sau hội nghị, các tỉnh, thành và VCCI sẽ tiếp tục cụ thể hoá bằng các các chương trình, kế hoạch hoạt động được xây dựng riêng cho từng hoạt động, có sự đồng thuận, thống nhất của các bên tham gia để thỏa thuận có tỉnh hiệu quả thực tiễn với từng địa phương tham gia”, ông Hùng nói.
Bí thư Quảng Ninh – Nguyễn Xuân Ký cho rằng: Mục tiêu của sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông không chỉ thúc đẩy liên kết kinh tế giữa 04 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên, những địa phương đang là những cực tăng trưởng nằm trên trục đường cao tốc hướng Đông, mà còn hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
“Trong bối cảnh mới với vai trò, vị thế của 4 địa phương ngày càng được nâng cao và trước nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đòi hỏi chúng ta phải xích lại gần nhau, tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương gắn với các địa phương khác trong vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Tam giác, Tứ giác phát triển... tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước, nhất là trên các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hình thành, phát triển các dịch vụ và chuỗi sản phẩm du lịch; quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên than, khoáng sản; phát triển kinh tế số, xã hội số, xúc tiến đầu tư và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội...”, ông Ký nói.
Cũng theo ông Ký, các địa phương cần tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại để tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ.
“Chúng ta cần liên kết chặt chẽ, tìm kiếm các cơ hội, quyết liệt triển khai thực hiện với những cơ chế, chính sách đột phá về nhà ở cho công nhân, lao động, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, làm giàu nguồn vốn con người và sẵn sàng chia sẻ nguồn vốn con người”, ông Ký nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng – Nguyễn Văn Tùng cho rằng: Để phát huy hiệu quả của thỏa thuận sau khi được ký kết, nên xem xét cơ chế đảm bảo nguồn lực phục vụ cho hoạt động điều phối sự phát triển chung của vùng. Có thể xây dựng dự toán kinh phí hàng năm cho việc thực hiện Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, nguồn từ ngân sách mỗi địa phương, xã hội hóa và nguồn do VCCI kêu gọi hỗ trợ.
“Vấn đề trước mắt là 4 địa phương sẽ liên kết kết trong xây dựng Phương án phát triển hệ thống logistics giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bốn địa phương sẽ cùng rà soát, đánh giá, xây dựng Phương án để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, với động lực chính là Hải Phòng, Quảng Ninh”, ông Tùng nói.
Ông Tùng đề xuất với các bên cần kiến nghị tới Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo tập trung các nguồn vốn để đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của trục kinh tế như: tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Chủ tịch UBND Hưng Yên cũng khẳng định, liên kết là cơ hội tốt để logistic địa phương phát triển. Hưng Yên có lợi thế là tỉnh kết nối thủ đô với 3 tỉnh còn lại, vì vậy việc liên kết là cơ hội tốt để Hưng Yên phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực logistic.
Trung tâm kinh tế của Việt Nam
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Lao động và Thương Mại Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Nếu liên kết, 4 tỉnh có thể trở thành một trong những trung tâm kinh tế của Việt Nam.
Cũng theo Chủ tịch VCCI: Liên kết kinh tế cấp vùng là một trong những phương hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm tăng cường sự liên kết kinh tế của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra phương hướng "nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng xác định nhu cầu: “Phát triển kinh tế vùng: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.” Gần đây nhất, ngày 21/04/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động liên kết của các tỉnh, thành phố.
Tạo không gian phát triển mới trong đó phát huy được tối đa lợi thế của các địa phương chính là một trong những lý do quan trọng thúc đẩy ý tưởng xây dựng liên kết bốn địa phương gồm thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.
Chủ tịch VCCI cho rằng, bốn địa phương có sự gần gũi về mặt địa lý, có sự gắn bó lâu đời về lịch sử, văn hóa, và đời sống cộng đồng. Với tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, 5 lần thành phố Hồ Chí Minh và 8 lần so với Đà Nẵng, và quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số thành phố Hồ Chí Minh, bốn địa phương có những tiềm năng để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế của Việt Nam nếu liên kết lại.
“Bốn địa phương cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hiện nay có sự kết nối về hạ tầng giao thông rất tốt khi cùng nằm trên trục cao tốc nối giữa Hà Nội với Hải Phòng và Quảng Ninh, đi qua Hưng Yên và Hải Dương. Quan trọng hơn nữa, cả bốn địa phương đều cho thấy sự năng động trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Quảng Ninh và Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, trong khi Hải Dương và Hưng Yên là một trong những địa phương tiến bộ nhất cả nước theo kết quả của PCI gần nhất”,
“Bối cảnh mới trên toàn cầu cũng như trong nước đang đặt ra cho cả bốn địa phương bài toán cần mở rộng không gian phát triển. So với các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, chúng ta có cở sở hạ tầng còn kém phát triển hơn, quy mô thị trường nhỏ hơn, mật độ doanh nghiệp, số lượng và quy mô các dự án đầu tư đều thấp hơn. Muốn đi xa hơn, tiến bước vững chắc hơn và đạt nhiều thành tựu hơn trên “đại lộ” của sự thịnh vượng, chúng ta cần đi cùng nhau, bù đắp những hạn chế nguồn lực của từng địa phương để tạo nên sức mạnh chung của cả vùng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
“Từ ý tưởng ban đầu, trải qua nhiều hoạt động tham vấn và xây dựng đề án, ngày hôm nay, tôi rất vinh dự thông báo rằng, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên cùng VCCI sẽ ký một Thỏa thuận kết nối chính thức để làm tiền đề cho những hoạt động thực chất và hiệu quả giữa bốn địa phương thời gian tới. Chúng ta sẽ chung sức giải quyết các thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự thịnh vượng chung, đồng thời hình thành vành đai kinh tế Đông Bắc Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp, kinh tế biển, và dịch vụ du lịch. Chúng ta cũng sẽ nỗ lực để bốn địa phương trở thành một cực tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tầm nhìn của chúng ta là xây dựng một mô hình liên kết kinh tế cấp vùng năng động, có định hướng toàn cầu và phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chiến lược liên kết vùng”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
“Với VCCI, chúng tôi sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hỗ trợ mô hình liên kết của chúng ta thành công và trở thành một hình mẫu liên kết cấp vùng của Việt Nam. Bởi tầm quan trọng lớn lao ấy, tôi kêu gọi tất cả các quý vị cùng chung tay thực hiện tích cực các hoạt động trong khuôn khổ chương trình liên kết bốn địa phương trong thời gian sắp tới”, Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công kết thức bài phát biểu.
Tại lễ ký kết, các bên tham gia liên kết cùng thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng và giao VCCI giữ vai trò thường trực công tác điều phối hoạt động kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành, Ban thư ký của vùng sẽ đặt tại VCCI.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch VCCI: Hai yếu tố trở thành lợi thế đặc biệt và thương hiệu của Quảng Ninh
01:01, 27/07/2022
Quảng Ninh: Xúc tiến đầu tư và trao giấy chứng nhận đăng ký cho các dự án FDI tiêu biểu
19:00, 26/07/2022
Quảng Ninh: Xúc tiến đầu tư – Hội tụ và lan toả
18:47, 26/07/2022
Hải Dương kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án nhà ở
00:04, 28/07/2022
Vai trò và uy tín của VCCI ngày một nâng cao
11:01, 24/07/2022