Trước hiện trạng tiếu nguồn cát xây dựng cục bộ tại Quảng Nam, địa phương này đã đôn đốc các mỏ khai thác sớm hoạt động trở lại và yêu cầu các địa phương triển khai đấu giá mỏ mới.
>>Doanh nghiệp khởi nghiệp huy động nguồn tiền từ đâu?
Mỏ ngừng khai thác không lý do
Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều mỏ khai thác cát với quy mô lớn. Đây có thể xem là “kho cát”nên đã trở thành nguồn cung cát xây dựng cho địa phương cũng như các nơi khách như TP Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế,...
Tuy nhiên, thời gian qua, các mỏ khai thác tạm dùng hoạt động đã khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn vì nguồn cung hạn chế, giá cát tăng cao từ 2-5 lần so với trước. Việc tạm dừng hoạt động cũng như thời gian khai thác lại cũng không được các đơn vị thông báo.
Ông Đỗ Văn Hoà, Chủ tịch UBND xã Đại An, cho rằng cho hay từ đầu năm 2023, các điểm tập kết cát trên địa bàn đã bắt đầu dừng hoạt động.Ông Hòa cho biết những doanh nghiệp dừng hoạt động bất ngờ cũng không thông báo cho địa phương, khiến người dân cũng thấy lạ.
“Hiện nay, các điểm tập kết này vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại hoặc thông báo cho địa phương nắm rõ. Thời gian qua địa phương vẫn đang phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng hoạt động khai thác, quản lý bến bãi gây bức xúc đến người dân và môi trường bị ảnh hưởng. Đến nay, các bến bãi trên địa bàn không có thông báo nghỉ hoặc hoạt động trở lại khiến người dân lo lắng, nhất là vấn đề cát xây dựng đang thiếu hụt và nhu cầu đang tăng cao”, ông Hoà cho biết.
Theo tìm hiểu, tại huyện Đại Lộc có đến 3 khu vực được cấp phép cho 3 đơn vị để khai thác cát, sỏi. Trong đó, mỏ khai thác mới thuộc Công ty Quang Cử tại xã Đại Hoà, Công ty CP Trường Lợi tại xã Đại Hồng và Công ty TNHH Đầu tư TM Pha Lê tại xã Đại Sơn.
Tuy nhiên đến nay chỉ có mỏ Pha Lê của (Công ty TNHH Đầu tư thương mại Pha Lê) khiai thác trở lại trong những ngày qua. Còn lại, mỏ Ngọc Kinh Đông (Công ty CP Trường Lợi) vẫn còn chưa hoạt động trở lại, trong khi mỏ của Công ty Quang Cử thì chưa triển khai.
Đại diện mỏ Pha Lê Cho hay đơn vị đã bắt đầu khai thác trở lại vào ngày 22/2 vừa qua. Trong khai thác, đơn vị vẫn bán đúng niêm yết giá 150.000 đồng/khối theo quy định.
“Hiện nay, đơn vị đang ưu tiên cung ứng vật liệu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, sau đó nếu có dư số lượng sẽ bán cho các nơi khác. Tuy nhiên hiện nay chỉ có một mình mỏ của chúng tôi, không biết nguồn cung có đủ cho các nơi hay không”, vị đại diện chia sẻ.
Thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc, UBND huyện đã có văn bản số 570 ngày 21/2/2023 về việc đôn đốc các mỏ hoạt động trở lại. Theo thông tin, trong năm 2023, trữ lượng khai thác trên địa bàn huyện khoảng hơn 50.000m3 cát, sỏi nhằm phục vụ hoạt động xây dựng trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận.
Hiện nay, đơn vị đang tăng cường công tác kiểm tra, quản lý quá trình khai thác khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn, qua đó góp phần ổn định việc khai thác, vận chuyển khoáng sản cát, sỏi qua địa bàn.
Đôn đốc các đơn vị hoạt động trở lại
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 giấy phép khai thác cát, sỏi và 25 giấy phép khai thác đá hoạt động, với trữ lượng đá hơn 2 triệu m3/năm. Về đấu giá 41 khu vực khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam cho hay đã có hai địa phương được đấu giá thành công về khoáng sản cát, đất sét.
Tuy nhiên, việc đấu giá khai thác khoáng sản của các địa phương hiện nay vẫn còn chậm. Về thực trạng thiếu hụt cát trong xây dựng tại các địa phương, sở này cho rằng thủ tục cấp phép khai thác không thể cắt giảm được và phải theo quy định pháp luật.
Được biết, các mỏ khoáng sản hết hạn sẽ không được gia hạn. Đến năm 2024, nếu không gia hạn cấp phép thì trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2 mỏ đi vào hoạt động khoáng sản, trong đó có mỏ cát tại huyện Đại Lộc.
Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị bổ sung quy hoạch và tổ chức đấu giá, nếu không nguồn nguyên liệu khoáng sản tại Quảng Nam sẽ thiếu hụt.
Tại cuộc họp ngày 27/2, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng các đơn vị không thể lấy lý do nghỉ tết, thanh tra, kiểm tra,... của cơ quan chức năng để nghỉ khai thác, khiến nguồn cát xây dựng gặp khó như vừa qua. Về việc niêm yết và bán cát theo giá, ông Quang đề nghị cơ quan liên quan vào cuộc thanh tra, nhất là về trốn thuế gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Cùng ý kiến, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng các địa phương nên khẩn trương và chủ động tổ chức đấu giá các mỏ khoáng sản, phục vụ nhu cầu thi công các công trình. Tuy nhiên, Chủ tịch Quảng Nam cũng lưu ý các địa phương không nên ào ạt tổ chức đấu thầu gây mất cân bằng nguồn cung - cầu của thị trường.
Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Nam, hiện tại Phòng Cảnh sát Kinh tế đang thu thập dữ liệu của 3 công ty tại huyện Đại Lộc để kiểm tra liên quan đến hoạt động khai thác, tập kết và vận chuyển cát xây dựng. Tuy nhiên, phía Công an tỉnh không có yêu cầu các đơn vị đóng cửa các mỏ cát như có thông tin trước đó.
Để bổ sung nguồn vật liệu cát, đất san lấp phục vụ thi công công trình trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục cấp Giấy phép thăm dò, khai thác các loại khoáng sản này. Do đó, trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh, Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đầu tư và phê duyệt danh mục đầu tư 30 dự án khai thác (14 cát, 16 đất san lấp). Đến nay, UBND huyện Nam Giang đã tổ chức đấu giá thành công 01 dự án cát, các địa phương còn lại đang hoàn tất hồ sơ, thủ tục để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Các Sở, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo, phối hợp, tổ chức lực lượng giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản được cấp phép; xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đối với khoáng sản cát, xử phạt vi phạm hành chính 07 tổ chức được cấp phép với tổng số tiền 856 triệu đồng. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính 72 vụ khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền là 503,883 triệu đồng. Tịch thu 10 máy nổ, 10 đầu hút, 02 ghe máy, 01 máy xúc, 03 xe lôi, 8.443m3 cát, buộc nộp lại số tiền 40.020.000 đồng tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. |
Có thể bạn quan tâm