Khai mạc năm du lịch Quốc gia 2022 với điểm nhấn “Du lịch xanh”

TUẤN VỸ 26/03/2022 21:10

Tối ngày 26/3, sự kiện Năm du lịch Quốc gia năm 2022 được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam với điểm nhấn đặc biệt “Du lịch xanh” nhận được nhiều kỳ vọng.

>>Rực rỡ bầu trời Hội An với “Ngày hội khinh khí cầu”

Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022 - "Điểm đến du lịch xanh" là sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô cấp quốc gia, sự kiện du lịch thường niên lớn nhất của ngành Du lịch Việt Nam. Sự kiện là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hoá, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương.

Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 có 212 sự kiện, hoạt động. Trong đó, có 10 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức; tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức chuỗi 64 sự kiện, hoạt động và 138 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.

Năm du lịch Quốc gia 2022

Năm du lịch Quốc gia 2022 được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam

Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa lại các hoạt động du lịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc tổ chức tốt Năm Du lịch quốc gia, trọng tâm là Lễ Khai mạc sẽ là cú hích cho Du lịch Việt Nam, thực hiện chủ trương của Chính phủ mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới hiệu quả và bền vững, góp phần phục hồi và phát triển du lịch Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Quảng Nam - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, với nhiều tiềm năng, điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch với 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Với 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm nổi tiếng, gần 70 lễ hội và hàng trăm làng nghề truyền thống, cùng với 441 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, có núi rừng nguyên sinh với nhiều loài dược liệu quí, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, hệ thống sông, hồ phong phú đã tạo thành điểm hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Quảng Nam có sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ.

Những năm qua, du lịch Quảng Nam đã có sự chuyển mình phát triển vượt bậc. Năm 2019, Quảng Nam đã đón được 7,8 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 14.570 tỷ đồng, tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP của tỉnh ước đạt từ 10% - 12%.

Du lịch Quảng Nam đã nhận được hàng trăm giải thưởng do các tổ chức, tạp chí uy tín bình chọn như Hội An được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) trao tặng là “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á” năm 2019 và 2021, là một trong những điểm đến lãng mạn nhất thế giới do Tạp chí danh tiếng Time Out (Vương quốc Anh) công bố năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu nguồn nhân lực, sửa chữa, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách, tăng thêm sức hấp dẫn và hiệu quả cho ngành du lịch.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hoà bình. Việt Nam có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống lịch sử hào hùng, văn hoá phong phú, đa dạng, con người hiền hoà, thân thiện, cởi mở, mến khách, chính trị ổn định, an ninh, an toàn.

Theo Thủ tướng, những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước - du lịch không khói. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu.

“Trong hơn 2 năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, ngành du lịch và nhân dân vẫn không ngừng nỗ lực thích ứng bằng những cách làm sáng tạo như đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng du lịch thực tế ảo… Tuy nhiên, du lịch và hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu nguồn nhân lực, sửa chữa, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách, tăng thêm sức hấp dẫn và hiệu quả hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Quảng Nam cho biết địa phương vô cùng khao khát phục hồi và phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, bởi đó không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế, mà hơn thế nữa, du lịch còn đem lại ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn.

Thông tin tại lễ khai mạc, Thủ tướng cho biết Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn chồng chất của ngành du lịch, của doanh nghiệp, người lao động và người dân có công ăn việc làm gắn với hoạt động du lịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên và người lao động trong ngành du lịch, đồng thời xác định, biện pháp căn cơ nhất là đưa ra các giải pháp quyết liệt để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục các hoạt động du lịch, mở cửa lại du lịch.

Theo Thủ tướng, việc kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố tiên quyết để mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy du lịch phát triển. Trên cơ sở kết quả phòng chống dịch, tham khảo ý kiến chuyên gia và sau khi được các cấp có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, Việt Nam chính thức mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Qua đó đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch nước nhà, đáp ứng nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân, du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần có tư duy và cách làm mới để “biến nguy thành “cơ”. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, phù hợp với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách.

“Việt Nam kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực chất vì mục tiêu giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định và xác định nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đặt kỳ vọng ngành du lịch sẽ sớm quay trở lại mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đặt kỳ vọng ngành du lịch sẽ sớm quay trở lại mạnh mẽ.

Cũng theo Thủ tướng, ngành du lịch càng phát triển càng minh chứng rõ nét cho đường lối đối ngoại và đường lối xây dựng, phát triển đất nước nói trên. Mỗi du khách nước ngoài tới Việt Nam và mỗi người Việt Nam ra nước ngoài là một vị đại sứ của hòa bình, hợp tác và phát triển.

Đối với tỉnh Quảng Nam, vùng đất tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và hướng ra biển Đông rộng mở. Nơi đây hội tụ và giao thoa nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử đến từ các nền văn minh, văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Chăm Pa, Sa Huỳnh,... và là quê hương của các danh nhân như Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng.

Hiện tại, Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là “Du lịch xanh”, “Du lịch di sản” với sức hấp dẫn vô cùng to lớn từ Di sản văn hóa thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn), Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (nghệ thuật Bài chòi), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.  Cùng với đó là hệ thống các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, hệ động thực vật phong phú… và những nét đặc trưng riêng biệt về ẩm thực vô cùng đặc sắc.

Chính vì vậy, qua 19 kỳ tổ chức, Quảng Nam đã hai lần được chọn làm nơi đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia (2006 và 2022). Bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và sự linh hoạt, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam đã chung sức, đồng lòng, chung tay cùng làm du lịch, chung tay gây dựng để những nét văn hóa truyền thống, thiên nhiên và con người vốn bình dị mà thanh cao, chân chất mà tinh tế, nhiệt thành mà sâu lắng của đất và người xứ Quảng trở nên đặc biệt quyến rũ.

“Để từ đó, du lịch Quảng Nam cất cánh, trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước; là điểm đến yêu thích đối với du khách trong nước và quốc tế. Du lịch Quảng Nam đã nhận được hàng trăm giải thưởng do các tổ chức, tạp chí uy tín bình chọn. Việc phát triển du lịch trong thời gian tới, dự báo có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những bất ổn trên thế giới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói thêm.

Chia sẻ tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết tỉnh Quảng Nam nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là địa phương được biết đến với sự năng động, bứt phá mạnh mẽ trong 25 năm qua kể từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1997. Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo khó nhất cả nước, sau 20 năm đã tự chủ được ngân sách và tham gia điều tiết về Trung ương, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đời sống nhân dân ngày càng thay đổi.

“Trong đó, hoạt động du lịch đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn và khai thác hợp lý các giá trị lịch sử, văn hóa vật thể - phi vật thể, các tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng trải dài từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo. Quảng Nam ngày nay không chỉ nổi tiếng với phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, những món ăn đậm đà Xứ Quảng mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm OCOP chan chứa tình quê, nhiều khu du lịch quyến rũ, nhiều làng du lịch cộng đồng đặc sắc đã và đang hình thành dọc theo chiều dài của hơn 100km bãi biển cát trắng, nước trong xinh đẹp, men theo những dòng sông thơ mộng hay thấp thoáng ở vùng trung du, miền núi gắn với văn hóa bản địa đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn rừng xanh của Trường Sơn hùng vĩ”, ông Lê Trí Thanh cho hay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bền bỉ, linh hoạt thích ứng, không ngừng làm mới sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến các dịch vụ, đào tạo lại nhân lực, chú trọng chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, sẵn sàng đón nhận và khai thác các cơ hội mới của ngày hôm nay. Cùng với cả nước, Quảng Nam vô cùng khao khát phục hồi và phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, bởi đó không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế, mà hơn thế nữa, du lịch còn đem lại ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn khi khơi dậy, lan tỏa và truyền tải đến bạn bè năm châu những giá trị của lịch sử, văn hóa và thiên nhiên vô cùng đặc sắc ở khắp các vùng miền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

“Du lịch xanh sẽ là xu hướng du lịch tất yếu được lựa chọn của nhân loại, bởi nó đề cao ý thức của con người trong việc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học. Ngày 4/12/2021, được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ Tiêu chí du lịch Xanh áp dụng cho các điểm đến và các doanh nghiệp làm du lịch, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Nam cùng chung sức đồng lòng tạo lập môi trường du lịch mới mẻ, thân thiện, an toàn và có trách nhiệm”, thông tin từ ông Lê Trí Thanh.

Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ Năm du lịch quốc gia 2022 lấy chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch Xanh” là nhằm mong muốn truyền tải thông điệp đến với bạn bè, du khách khắp muôn nơi về một Quảng Nam lấy phát triển xanh và bền vững làm trụ cột, qua đó kêu gọi cùng chung tay vì một Việt Nam xanh, góp phần gìn giữ cho Hành tinh của chúng ta mãi mãi xanh tươi, hòa bình và hạnh phúc.

“Màu Xanh là màu của hy vọng. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng năm 2022 sẽ là năm khởi đầu thắng lợi cho một giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ của Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, sự điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự năng động, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân”, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Cùng chia sẻ, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch cho biết ngành du lịch sẽ tiếp tục phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch ý thức sâu sắc về việc sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch xanh mang đậm bản sắc văn hóa  của từng địa phương.

“Bởi lẽ, du lịch không chỉ là một ngành kinh tế đơn thuần mà là một ngành kinh tế tổng hợp. Sau buổi lễ phát động này, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch sẽ nỗ lực hơn nữa để tập trung chỉ đạo tinh thần mà Thủ tướng đã nêu đó là đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn và hiệu quả. Du lịch sẽ vươn cánh buồm phát triển, sắp tới ngành du lịch sẽ sớm trở lại”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam: Cần nhiều cơ chế mới cho xu hướng du lịch xanh

    Quảng Nam: Cần nhiều cơ chế mới cho xu hướng du lịch xanh

    15:24, 26/03/2022

  • Cần chương trình bài bản, tổng thể để làm

    Cần chương trình bài bản, tổng thể để làm "nóng" lại du lịch

    05:00, 26/03/2022

  • Chống “đứt gãy” nguồn nhân lực du lịch

    Chống “đứt gãy” nguồn nhân lực du lịch

    04:00, 26/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khai mạc năm du lịch Quốc gia 2022 với điểm nhấn “Du lịch xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO